Dừng khai thác titan: Doanh nghiệp ra đi, hoang tàn để lại

Những vùng khai thác titan đã dừng hoặc tạm dừng hiện tan hoang như bãi chiến trường, đời sống người dân rơi vào cảnh khốn khổ vì ô nhiễm, nguồn nước cạn kiệt

Ngày 11-9, phóng viên Báo Người Lao Động trở lại các mỏ khai thác titan ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định… để ghi nhận tình hình môi trường và đời sống người dân nơi đây.

Ăn cơm trong mùng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động vào trưa 11-9, tại khu vực mỏ Long Sơn – Suối Nước của Công ty TNHH Phú Hiệp (phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), hàng chục hecta đất cát nằm gần bãi biển hiện vẫn ngổn ngang. Những quả đồi trọc lóc toàn cát với cát không có 1 bụi cây hay cỏ nào còn sót lại. Hàng loạt hố sâu hoắm nằm rải rác trên các quả đồi như miệng hà bá chực chờ ngoạm lấy ai đó lỡ chân!

Những gì còn lại từ mỏ titan của Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn.

Ông N.V.H, sống ở phường Mũi Né gần khu mỏ này, cho biết cuộc sống gia đình ông cũng như những người dân lân cận đã bị đảo lộn từ khi mỏ titan được khai thác. “Cát trên đồi bay mù mịt vào nhà, vào những vườn xoài đang có trái non làm chúng rụng hết. Đến bữa ăn, cả nhà phải chui vào mùng để tránh cát” – ông N.V.H nói. Từ ngày khai thác titan thì đồi bị cạo trọc, bò và dê không sống nổi. Ông lo lắng: “Giờ có dừng hẳn thì biết bao giờ những hố sâu kia mới được hoàn thổ? Đất cát đâu mà hoàn thổ? Rồi độc chất từ việc khai thác titan có thể sẽ còn ảnh hưởng đến đời sau”.

Còn tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định – nơi 5 năm về trước từng là đại công trường khai thác titan với 17 doanh nghiệp (DN) hoạt động – dù DN nay đã ngừng khai thác nhưng làng quê nghèo vẫn xơ xác với những bãi cát trắng xóa. “Máy lọc titan hoạt động suốt ngày đêm, bụi bay mịt mù. Bức xúc, dân địa phương cầu cứu đến cơ quan chức năng nhưng chẳng ai giải quyết” – anh Lê Minh Hoàng, một người dân ở thôn Hương Lạc, xã Mỹ Thành, nhớ lại.

Nhiều người dân khác than thở: “Họ ồ ạt đến khai thác titan rồi đi, để lại hậu quả cho chúng tôi gánh chịu không biết bao giờ mới hết”. Thế nhưng, theo ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Bình Định, tại tỉnh này còn 4 dự án khai thác titan do Bộ TN-MT cấp giấy phép với tổng diện tích 776,67 ha. Do đầu ra quá thấp nên các DN này chỉ hoạt động cầm chừng để “nuôi quân”.

Cạn kiệt nguồn nước

Tại tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi cũng trở lại khu vực dự án khai thác titan của Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước. Tại đây, công trường vắng ngắt, chỉ có 2 người dân địa phương được thuê trông coi một ít máy móc còn lại. Tại khu vực mỏ còn một hố sâu gần 20 m, rộng hàng ngàn mét vuông.

Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Ninh Thuận, diện tích đã khai thác titan của Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn khoảng 2 ha. Tuy nhiên, dự án này đã ngừng hoạt động từ tháng 9-2014 vì không đủ nguồn nước để lắng lọc trong quá trình tuyển quặng.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết Ninh Thuận là địa phương cực kỳ khô hạn nên quy định của tỉnh đối với các dự án khai thác titan là chỉ sử dụng nước mặt, không khoan hút nước ngầm ở tầng sâu. “Các dự án titan tiêu tốn lượng nước rất lớn, nếu không quy định chặt chẽ, nguồn nước ngầm sẽ cạn kiệt, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái và nhiều hệ lụy khác” – ông Nam cho biết. Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận một số tác động về môi trường, kiểm soát bùn thải, an toàn phóng xạ… chưa được nhận diện cụ thể trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Còn tại Mũi Né, bên cạnh công trường titan một thời, nay là những khu vườn tàn tạ. Ông P.Đ.N, một cư dân ở đây, chỉ con mương nhỏ trơ đáy bên vườn nói: “Mương này trước đây nước lúc nào cũng róc rách chảy trong vắt, giờ đặc quánh, hôi tanh. Nhiều bụi chuối trong vườn cứ lụi dần rồi chết khô. “Giếng khoan khi xưa 8 m là đã có nước tưới vô tư nhưng nay 20 m chưa chắc đã có nước. Nguyên nhân là do công ty khai thác titan đã đào những cái hồ thật sâu lấy nước để đãi quặng nên nước ngầm dồn hết vô đó. Thiếu nước, cây xoài, cây chuối chết khô. Khi cạn nước ngầm thì đất bị xâm mặn, khó có cây gì sống được” – ông P.Đ.N than thở.

Tàn phá rừng ven biển

Năm 2006, Bộ TN-MT có Quyết định số 493 cấp giấy phép khai thác mỏ titan với diện tích 90 ha tại 2 xã Phú Diên và Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khoáng sản Thừa Thiên – Huế. Sau vài năm khai thác, dự án này chỉ còn hoạt động cầm chừng. “Trước đây, việc khai thác titan ở đây rầm rộ lắm, có lúc hơn 1.000 người. Những cánh rừng dương lâu đời chắn cát, che bão cho dân lần lượt bị chặt hạ để phục vụ cho việc khai thác” – ông Nguyễn Kế, một người dân ở xã Vinh Xuân, nhớ lại.

Nằm cạnh mỏ titan này, trước kia có cánh đồng người dân trồng lúa. Giờ đây, đồng ruộng đã trở thành tuyến kênh thoát nước từ mỏ ra môi trường. Nhiều dự án khai thác titan khác ven biển ở Thừa Thiên – Huế cũng để lại hậu quả vô cùng thảm hại cho người dân.

Q.NHẬT