Việt Nam ô nhiễm không khí trong nhà có mức độ gây tử vong cao

Đây là vấn đề được bàn tới tại Hội thảo “Xu hướng sản xuất, sử dụng nội thất gỗ công nghiệp và những tác động đến chất lượng không khí trong nhà (IAQ)” diễn ra sáng 24/10.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo do HPL Group (Việt nam) phối hợp cùng Tập đoàn AICA KOGYO (Nhật Bản), Tập đoàn JOWAT (Đức), Tập đoàn HOMAG (Đức) và Tập đoàn MAKOR (Ý) tổ chức.

Ông Tống Văn Nga – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam chia sẻ, chúng ta nói nhiều đến công trình xanh nhưng để hiểu thế nào là xanh thì chưa thực đầy đủ. Xanh phải gắn với chất lượng cuộc sống, an toàn sức khoẻ cho con người sống, sinh hoạt trong công trình đó. Hiện nay hầu hết các căn hộ, văn phòng đều sử dụng nội thất gỗ mà trong đó phần lớn là gỗ công nghiệp, tuy nhiên chúng ta chưa bao giờ đặt ra câu hỏi liệu những vật liệu gỗ công nghiệp đó có an toàn với sức khoẻ chúng ta.

Ông Phạm Văn Lương – Chủ tịch HĐQT HPL Group bổ sung thêm, lâu nay chúng ta chỉ đề cập đến chất lượng không khí bên ngoài mà chưa bao giờ quan tâm đến chất lượng không khí trong nhà, nơi mình ở, làm việc. Trong khi đó, nghiên cứu của Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cho thấy ô nhiễm không khí trong nhà được là vấn đề được đánh giá nghiêm trọng và có mức độ gây tử vong cao nhất vì có tới 80% – 90% hoạt động của con người diễn ra trong nhà… Mặc dù Việt Nam đã có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh nhưng chưa kiểm soát một cách hiệu quả.

Ông Lương dẫn chứng, các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà bao gồm khí radon từ vật liệu xây dựng, khí phát tán từ việc đốt cháy nhiên liệu trong bếp, lò vi sóng, từ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ các sản phẩm ví dụ như mỹ phẩm và chất tẩy rửa, các chất gây nhiễm khuẩn sinh học từ con người, vật nuôi, cây cảnh và đặc biệt là formadehit từ các sản phẩm gỗ ép như đồ nội thất, cửa…

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2012 có 7 triệu ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí trên toàn cầu thì trong đó, 3,3 triệu ca tử vong bắt nguồn từ ô nhiễm trong nhà. Ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân của 50% số bệnh lý của con người, đó là bệnh nhà kín, ảnh hưởng của nó cao từ 2 – 8 lần so với các bệnh có nguyên nhân là ô nhiễm bên ngoài.

“Một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà lớn nhất là từ đồ nội thất, đặc biệt là nội thất làm từ gỗ công nghiệp kém chất lượng do chất formaldehyde có trong keo dính gỗ. WHO đã liệt kê formaldehyde là loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người, nếu tiếp xúc với formaldehyde sẽ tác động lên da và hệ hô hấp gây nên các bệnh về bạch cầu, gây ung thư…”, ông Lương nhấn mạnh.

Nhấn mạnh thêm, ông Phạm Văn Lương cho biết: “Chúng tôi có gần 16 năm hoạt động trong ngành nội thất. Tuy nhiên trước đây chúng tôi chỉ hiểu nội thật chỉ cần đẹp, sang trọng và bền. Tuy nhiên, khi tiếp cận nền công nghiệp sản xuất nội thất của châu Âu, Nhật Bản chúng tôi mới nhận thấy ngoài những yếu tố đẹp, bền, sang trọng nội thất còn phải thân thiện, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng, bảo vệ môi trường sống xung quanh không gian hiện diện của nội thất đó”.

Đồng tình với việc này, ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng, Bộ KHCN cho rằng, xu hướng tiêu dung sản phẩm nội thất đang thay đổi. Ngày nay người tiêu dung không chỉ chú trọng đến vẽ đẹp, bền hay sang trọng của đồ nội thất mà còn chú trọng đến tính an toàn cho sức khoẻ của người sử dụng.

Cũng theo ông Trường, lâu này người tiêu dung Việt Nam dường như không chú ý đến những tác hại từ sản phẩm nội thất kém chất lượng đem lại và Hội thảo đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề này sẽ là lời cảnh tỉnh với người tiêu dung Việt Nam.

TS.Trịnh Minh Đạt – Giám đốc Trung tâm Vật liệu xây dựng hữu cơ và Hoá phẩm xây dựng – Viện vật liệu xây dựng cho biết, phần lớn sản phẩm nội thất trên thị trường được làm từ gỗ công nghiệp và thành phần cấu thành nên loại gỗ này có keo gắn gỗ có chứa chất formaldehyde, đây là một chất cực độc. Formaldehyde có thể tồn dư trong các sản phẩm gỗ nhân tạo và phát tán ra không khi trong quá trình sử dụng, tuy nhiên đến nay Việt Nam mới đang xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về keo dán gỗ. Trước đo, trong quy chuẩn Việt Nam 06/2009 đã quy định, nồng độ formaldehyde tối đa cho phép tồn tại trong không khí xung quanh trong vòng 1 giờ là 20 microgam trong 1m3. Quy định là vậy nhưng dường như chưa có sự kiểm soát nào cho vấn đề này.

Ông Tagawa Daichi – Giám đốc Khu vực Đông Dương  Tập đoàn AICA – Nhật Bản chia sẻ, hơn 60% thành phần cấu thành nên tấm gỗ là keo dán nên nếu dung keo dán có chứa nhiều formaldehyde thì các sản phẩm nội thất được làm từ tấm gỗ đó chắc chắn sẽ phát khí thải formaldehyde rất nhiều. Cách duy nhất để không ảnh hưởng đến sức khỏe con người là phải kiểm soát ngay từ khâu sản xuất. Khí formaldehyde không màu nhưng có mũi hăng rất mạnh, Với nồng độ trên 0.1mg/kg trong không khí, formaldehyde hít phải gây kích ứng mắt và màng nhầy, rách, đau đầu, nóng ở họng và khó thở. Nếu uống phải dung dịch formaldehyde sẽ chuyển thành axit formic trong cơ thể, tăng hoạt động của tim, thở nhanh và nôn mửa, hạ thân nhiệt, hôn mê và tử vong. Tại Nhật Bản việc kiểm soát mức phát khí thải formaldehyde rất chặt chẽ, như sản phẩm của AICA muốn ra thị trường phải chịu nhiều khâu kiểm soát này.

Ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam chia sẻ, gỗ công nghiệp đang chiếm vai trò lớn trong các công trình xây dựng tại Việt Nam, đặc biệt trong các tòa chung cư hiện nay phần lớn đều sử dụng gỗ công nghiệp làm cửa, nội thất… Do đó, việc kiểm soát mức độ an toàn của sản phẩm này đối với sức khỏe con người cần được đặt ra một cách mạnh mẽ hơn. Chúng ta đã có tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật nhưng lâu này việc kiểm soát vẫn bị buông lỏng.

Cũng theo ông Nga, hiện nay Việt Nam chưa có chế tài cũng như chưa có cơ quan quản lý Nhà nước nào chịu trách nhiệm về quản lý, kiểm soát hàm lượng phát thải khí độc hại từ các sản phẩm gỗ công nghiệp. Có chăng chỉ là lấy mẫu kiểm tra tại nơi sản xuất xem lượng chất độc hại tồn dư trong đó có đáp ứng được yêu cầu, trong khi việc phát thải khí mới ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người sử dụng.

Hiện Việt Nam có gần 7.000 doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản xuất đồ nội thất gỗ, trong đó có gần 3.000 doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu. Năm 2016, giá trị sản xuất của ngành đồ gỗ nội thất đạt 770 triệu USD và dự kiến sẽ vượt mức 1.1 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, có tới hơn 80% sản phẩm nội thất trên thị trường được làm từ gỗ công nghiệp và phần lớn được sản xuất bởi các xưởng gia công, hộ sản xuất tại các làng nghề do đó khó kiểm soát formaldehyde trong sản phẩm nội thất…