Hai dự án thủy điện “chẹn cổ” sông Hồng: Bài 1 – Lào Cai “gật đầu” chóng vánh

Với gần 100 thủy điện lớn nhỏ, Lào Cai hiện là tỉnh có mật độ thủy điện dày đặc nhất phía Bắc cũng như toàn Việt Nam. Không dừng ở việc chặn sông, ngăn suối, mới đây, địa phương này đã “gật đầu” cho một doanh nghiệp được khảo sát, 2 dự án thủy điện cắt ngang sông Hồng.

Những quyết định chóng vánh

Sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc, hòa mình vào Việt Nam tại ngã ba Lũng Pô, thuộc xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Sông Hồng gắn với nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm trong dòng chảy lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nói như vậy để có thể thấy, sông Hồng không phải là tài sản của riêng Lào Cai hay bất kỳ một tỉnh nào mà nó chảy qua. Và trong lịch sử, cũng chưa có tiền lệ dựng thủy điện để “chẹn cổ” sông Hồng.

Ngày 22/10/2018, ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công thương Lào Cai có báo cáo số 280 gửi UBND tỉnh này về việc kết quả xem xét hồ sơ đề xuất khảo sát, bổ sung dự án thủy điện Thái Niên và Bảo Hà trên sông Hồng vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Chủ đầu tư dự án là Cty TNHH Bình Minh Sa Pa, địa chỉ tại số 011 phố An Lạc, phường Bắc Cường, TP Lào Cai.


Sông Hồng đoạn dự kiến sẽ xây dựng thủy điện Bảo Hà.

Trước đó, từ ngày 1/10/2018, Sở này đã gửi văn bản tới 15 cơ quan, tổ chức đề nghị tham gia ý kiến đối với báo cáo đầu tư dự án của Cty Bình Minh. Tới ngày 16/10/2018, đã có 12/15 ý kiến tham gia trao đổi về dự án. Điều đáng bàn, 3 xã chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của 2 thủy điện là xã Thái Niên, Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) và Tân Thượng (huyện Văn Bàn) không có ý kiến?

Khi dựa vào những ý kiến chưa đầy đủ, Sở Công thương Lào Cai đã vội vã đề nghị UBND tỉnh Lào Cai cho phép Cty Bình Minh được khảo sát, lập hồ sơ bổ sung 2 dự án thủy điện vào quy hoạch. Cụ thể, dự án thủy điện Thái Niên có công suất 60MW, Bảo Hà 40MW. Sở Công thương Lào Cai tính toán, sẽ có 69 hộ dân phải di dời khỏi vùng xây dựng thủy điện.

Lãnh đạo xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng chia sẻ về vị trí dự án thủy điện Thái Niên.
Trả lời Báo NNVN, ông Hoàng Chí Hiền, người phát ngôn tỉnh Lào Cai cho biết, địa phương mới gửi văn bản mang tính chất báo cáo, xin ý kiến. Tới đây, Sở Công thương sẽ có cuộc họp chính thức, xem xét hồ sơ dự án, kết quả ra sao sẽ sớm thông tin công khai với báo chí.

Tới ngày, 14/11/2018, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản số 5445, cho ý kiến về việc khảo sát, lập hồ sơ đề xuất bổ sung dự án thủy điện Thái Niên và thủy điện Bảo Hà trên sông Hồng.

Văn bản do ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu rõ: Đồng ý chủ trương Cty Bình Minh Sa Pa được khảo sát, lập hồ sơ bổ sung 2 dự án này. Tỉnh Lào Cai yêu cầu doanh nghiệp xây dựng thủy điện kết hợp với chỉnh trị sông Hồng, điều tiết nước cho vùng hạ du. Thiết kế thân đập đồng thời là cầu giao thông đường bộ, hồ thủy điện tạo cảnh quan phát triển du lịch.

Tiếp đó, tỉnh này đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ bổ sung 2 dự án này vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trong giai đoạn tới.

Sông Hồng sẽ trở thành vùng lòng hồ

Theo tư liệu Báo NNVN có được, chủ đầu tư đã thuê Cty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (EVN PECC1) thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam khảo sát, tư vấn và lập báo cáo đề xuất đầu tư.

Khi đi vào xây dựng, 2 đập thủy điện này sẽ “chẹn cổ”, chia sông Hồng thành nhiều khúc theo hình bậc thang. Bậc trên là thủy điện Thái Niên, bậc dưới là thủy điện Bảo Hà.

Mặt bằng bố trí công trình thủy điện Thái Niên.

Khi hoạt động, thủy điện sẽ tích nước phân bậc. Điều đó có nghĩa, lòng sông Hồng bị biến thành lòng hồ thủy điện. Cụ thể, đơn vị tư vấn cho rằng, hồ chứa dự án thủy điện Thái Niên có thể xem xét nghiên cứu mực nước dâng bình thường khoảng 70 – 74m. Mực nước chết khoảng 74m. Riêng tại khu vực cầu phố Mới (TP Lào Cai), mực nước có thể lên tới 79,25m?

Theo đơn vị tư vấn, hồ chứa thủy điện sẽ cải tạo cảnh quan môi trường khu vực, đặc biệt là TP Lào Cai. Tạo động lực cho phát triển ngành nghề du lịch – kinh tế mũi nhọn của tỉnh Lào Cai.

Về tác động môi trường sinh thái, EVN PECC1 cũng tư vấn nhà đầu tư thực hiện một loạt biện pháp giảm thiểu tác động, ô nhiễm môi trường. “Phải giảm bớt việc con người thâm nhập vào vùng sâu, xa thông qua việc kiểm soát các con đường xây dựng, gác cổng hoặc có thể đóng cửa rừng”, đơn vị tư vấn khuyến nghị chủ đầu tư bao “kín cổng cao tường” để thực hiện dự án.


Nếu đúng theo thiết kế, sông Hồng bỗng dưng trở thành vùng lòng hồ thủy điện.

Về phương án giao thông đường thủy, đơn vị này cũng tư vấn thiết kế hệ thống thiết bị nâng tàu thuyền kiểu dốc với xe goòng, đường ra, tời kéo chạy điện để di chuyển các tàu thuyền có trọng tải không lớn qua vị trí đập. Tuy nhiên, với những tàu trọng tải lớn, không thấy đơn vị tư vấn nhắc tới?

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công thương Lào Cai cho biết, đây là dự án mới, chưa có gì nên chưa thông tin được với báo chí. Theo ông Giang, dự án đang được giao cho chủ đầu tư khảo sát, lập hồ sơ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vai trò tham mưu, giúp việc của Sở Công thương với UBND tỉnh Lào Cai ở đâu trong dự án này. Phải chăng chỉ nằm ở mỗi chữ ký và con dấu phê duyệt dự án!?

Để tìm hiểu sâu hơn về quá trình khảo sát, lập dự án, chúng tôi tìm đến địa chỉ đăng ký kinh doanh của Cty TNHH Bình Minh Sa Pa. 2h chiều, công ty vẫn đóng cửa im ỉm, tắt điện. Sau hồi lâu bấm chuông cửa, một nam thanh niên ra mở cửa. Qua trao đổi, nam thanh niên cho biết, lãnh đạo Cty hiện không có mặt. Vài phút sau, người này trở ra, khóa cửa và lên ô tô đi mất…

Trụ sở Cty TNHH Bình Minh Sa Pa – chủ đầu tư dự án.

Thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc Hội, Bộ Công thương đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thàng với tổng công suất 655MW bao gồm: Thủy điện Pa Ma 80MW, Huổi Tạo 180MW, Sông Giằng 60MW, Đức Xuyên 58MW, Đồng Nai 6 135MW, Đồng Nai 6A 106MW, Tà Lài 20MW, Ngọc Định 16MW. 463 dự án thủy điện nhỏ, 213 vị trí tiềm năng cũng bị loại khỏi quy hoạch.