Tận diệt muông thú bằng sự tàn nhẫn và tờ giấy thông hành – Kỳ cuối

Kỳ cuối: Mua giấy thông hành với giá 20 nghìn đồng/kg hàng cấm

Trong khi nhiều đầu nậu nuôi nhốt động vật hoang dã miền sông nước sớm từ bỏ “cuộc chơi” thì H. vẫn giữ vững danh hiệu “bà trùm” vùng biên với những mối làm ăn ngày càng lớn và là người duy nhất có thể đưa các loài chim, thú quý hiếm tung hoành ngang dọc mà chưa bao giờ bị bể. Nói chính xác hơn thì bàn tay của H. nối dài bằng các mối quan hệ sâu rộng và điều này khiến các mối buôn nhỏ, lẻ buộc phải dè chừng, thậm chí giải nghệ vì không dám qua mặt “chị cả”.

Kỳ 1: Mục sở thị chợ chim lớn nhất Tây Nam Bộ

Kỳ 2: Tận diệt muông thú bằng sự tàn nhẫn và tờ giấy thông hành

Để chủ động hơn trong cuộc diện kiến bà chủ nổi danh khắp vùng biên, chúng tôi đã dò hỏi một số thông tin từ các đầu nậu non tay đã “giải nghệ”. Đúng lịch hẹn, nhóm có mặt tại “thủ phủ” của H., nơi được cho là trang trại và cũng là tư gia của bà. Ngôi nhà có cổng cao hơn 2m, sơn màu xanh nước biển nổi bật, xung quanh được lắp đặt camera cẩn mật. Trong khi chờ bà chủ xuất hiện, nhóm viện cớ ra xem khu trang trại phía sau. Ngoài hai bể nước dành để nuôi rùa với hàng chục cá thể (có con thậm chí bị chết, nổi lềnh bềnh trên mặt nước chờ phân hủy), trang trại còn nuôi nhốt khá nhiều loại rắn và hàng đàn cá thể le le.

Màn dạo đầu tuy chỉ chào hỏi xã giao, song “bà trùm” cũng truy vấn khá kỹ từng thành viên về quê quán, lai lịch để tránh tiếp nhầm… nhà báo. Trong vai những con buôn đã gom được hàng với số lượng lớn để xuất sang Trung Quốc nhưng thiếu giấy thông hành, nhóm có vẻ tạo được lòng tin với bà chủ và ít phút sau đã được bà bật mí: “Giấy bọn em một tấn là đủ một tấn, không gộp được, ra Thanh Hóa  – Nghệ An nó (công an) tung hàng xuống kiểm ác phết đấy. Dư hàng là nó lật đồ rồi phạt ta đó… Nếu anh cần giấy, em chỉ tính tiền giấy thôi. Giấy cho vịt trời, rùa sen đen, rắn các loại, thường nhà em toàn tự cấp hàng. Không biết anh em mua hàng gì bên Campuchia?”.

Sau một hồi trao đổi và thấy được sự cầu thị của đám khách lạ, bà H. phát giá luôn: “Thành quy trình rồi, cứ một cân hai mươi ngàn đồng, một tạ hai triệu, anh làm được không? Nếu đồng ý thì làm thử 100 kg, tại đây, bọn em quen biết nhiều năm, họ không kiểm tra nữa, hai mươi nghìn là qua Lạng Sơn, Móng Cái luôn. Chi phí xã hội giờ nó cao, nhập vô trại số lượng lớn, kiểm lâm họ ký, mười ngàn đã không có giấy rồi. Riêng rắn ráo trâu và rắn sọc dưa thì mười nghìn nhưng rùa là phải hai mươi”.

Thấy bà H. vẫn bán tín bán nghi, chúng tôi thúc ép bằng vẻ nôn nóng ra mặt và cuối cùng bà cũng chịu “lật bài”. Bà hỏi địa chỉ và họ tên người nhận để điền vào giấy đề nghị gửi kiểm lâm rồi tiết lộ: “Bữa nay, kiểm lâm đi công tác hết, mai may ra có… Hôm sau, gặp nhau ở cổng Chi cục Kiểm lâm, họ (kiểm lâm) làm giấy xong là gọi cưng đến lấy”.

Trước khi chào ra về, bà chủ không quên quảng bá món hàng mới toanh vừa gom được: “Mai rùa từ Cam về đó. Hôm trước bán cho người ta nấu cao, hàng này không cấm. Trung Quốc thích rùa. Tết bên đó toàn biếu rùa vàng thôi, không tặng tiền nữa, hàng chuyển ra Lạng Sơn rồi qua Quảng Châu”.

9h sáng hôm sau, nhóm “mai phục” tại trụ sở Chi cục Kiểm lâm An Giang, thành phố Long Xuyên để nhận giấy nhưng người hẹn đưa giấy báo phải chờ thêm vì lãnh đạo bận họp giao ban. Vài tiếng đợi chờ trong sốt ruột, chuông điện thoại réo lên và nhân vật bí ẩn dần lộ diện. Hai bên hẹn nhau tại quán nước ven hồ và chỉ sau ít phút, từ trụ sở Cục Kiểm lâm, một người đàn ông lớn tuổi phóng vụt xe đi. Toàn bộ cung đường của người lạ mặt này đều được ghi lại cận cảnh. Tới khi mặt đối mặt, vị kia liền phát lời: “Đây là giấy do H., chủ trang trại ở An Phú nói đưa cho các anh… Phải chờ cả sáng mới xin được chữ ký của Chi cục phó, sau đó phải mượn chìa khóa lấy mộc (dấu) đóng vào”. Nhẽ người ấy toan đi luôn nhưng chúng tôi đã cố nán bằng cách nhờ cậy chuyện xin giấy cho những lần sau, và như được cởi tấm lòng, vị cán bộ bộc bạch: “Anh tên T., là kiểm lâm, một năm nữa thì nghỉ hưu. Lần sau, nếu muốn lấy giấy cứ gọi anh, đỡ mất thời gian… Dấu này anh tự đóng vào đấy”.

Xong nhiệm vụ giao “hàng”, vị kiểm lâm dời đi ngay và nhóm PV cũng lập tức di chuyển khỏi thành phố Long Xuyên mặc phía sau bị đeo bám khá sát bởi hai người đàn ông đeo kính đen đi xe máy và cuộc bám đuổi chỉ kết thúc khi nhóm đã lên phà sang Đồng Tháp. Cầm trong tay tờ giấy “ảo diệu”, chúng tôi vẫn không tin công cuộc mua bán hàng cấm, quý, hiếm lại đơn giản, nhanh gọn lẹ như vậy. Tờ giấy ghi rõ: Tân Thị T H., Trại nuôi sinh sản/nuôi sinh trưởng/trồng cấy nhân tạo động, thực vật hoang dã đề nghị xác nhận nguồn gốc động vật. Giấy do Phó Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh An Giang Trương Minh Hùng ký, đóng dấu, xác nhận 100 kg rắn ráo trâu “ảo” của chúng tôi là: “Số động vật rừng nêu trên, có nguồn gốc gây nuôi tại cơ sở” của Tân Thị T H. ở xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang… Được phép vận chuyển cho Lý A Bình (cái tên vu vơ mà chúng tôi khai bừa với bà H.) ở Lạng Sơn bằng ô tô.

Hàng ảo, người nhận ảo và người đề nghị xác nhận (là bà chủ H.) cũng vắng mặt… nhưng Kiểm lâm tỉnh vẫn xác nhận và cấp “giấy đi đường”. Điều này cũng có nghĩa là trong thời gian tờ thông hành có hiệu lực (thời gian chuyển hàng từ 11 – 16/4/2018), chúng tôi có thể chuyển bất cứ chuyến hàng 100 kg rắn ráo trâu nào ra Lạng Sơn mà không ai bị ngăn trở. Đây cũng là cách hợp thức hóa phổ biến nhất hiện nay mà các đầu nậu “tai to mặt lớn” đã và đang áp dụng với số tiền thu về tính theo cấp số nhân dựa trên kilogam hàng cấm, trung bình 20 ngàn đồng/kg, 2 triệu đồng/1 tạ và 20 triệu đồng/tấn. Con số này sẽ “nhảy múa” ra sao nếu đơn hàng lên đến 10 tấn, 20 tấn…?

Không chỉ có dấu hiệu rõ rệt của việc tham nhũng theo đường dây, việc nhập lậu động, thực vật hoang dã từ vùng biên và kinh doanh, buôn bán động, thực vật hoang dã quý hiếm còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về dịch bệnh (do không được kiểm dịch) và tạo điều kiện cho các loài ngoại lai xâm lấn hệ sinh thái bản địa. Tuy nhiên, cái đáng ngại hơn cả vẫn là sự tha hóa và tiếp tay của không ít cán bộ đương chức đương quyền cùng sự liều lĩnh và bất chấp của giới con buôn, tất cả đều chỉ vì hám lợi.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại được tại Trang trại bà H.:

Cổng chính dẫn vào trang trại gây nuôi động vật lớn nhất huyện An Phú, tỉnh An Giang

Rùa được nuôi bên trong trang trại

Rất nhiều loài rắn và le le được nuôi nhốt
Cổng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh An Giang