ThienNhien.Net – Miền Trung là khu vực chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, do vậy tìm ra những mô hình thích ứng hiệu quả sẽ giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Ngày 11/12, Hội thảo “Đối thoại về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực miền Trung” do Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp tổ chức tại TP Đà Nẵng với sự tham gia của các mạng lưới các tổ chức phi chính phủ về biến đổi khí hậu.
Hơn 100 đại biểu đại diện các bộ, ngành, Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SPRCC), các tổ chức phi chính phủ, cơ quan nghiên cứu và nhà tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu, đại diện 8 tỉnh miền Trung tham dự.
Tại Hội thảo, đại diện các tổ chức phi chính phủ và địa phương đã giới thiệu nhiều mô hình đang được triển khai tại miền Trung – Tây Nguyên có hiệu quả cao trong thích ứng với biến đổi khí hậu và có hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó,có một số mô hình tiêu biểu như Dự án tăng cường khả năng chống đỡ của cộng đồng đối với thiên tai và biến đổi khí hậu trên địa bàn 3 xã huyện Krông Nô (Đắk Nông) với quy mô hơn 18 thôn/buôn, hướng dẫn cách phòng tránh thiên tai cho hơn 1.800 học sinh, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm dọc sông Krông Nô.
Đặc biệt, các mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu đã thu hút được sự quan tâm. Ví dụ như mô hình nông nghiệp xen canh, trái vụ ở Quảng Trị có kết quả rất tốt (cải tạo đất, chống hạn, rét, sâu bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn) hoặc Dự án lúa tái sinh tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) lựa chọn giống có khả năng tái sinh mạnh, sinh trưởng ngắn, tránh được mưa bão đầu vụ. Mô hình thí điểm lúa chịu mặn, dưa hấu vụ hè thu tại huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) có năng suất cao, chi phí thấp.
Ngoài ra, mô hình chăn nuôi lợn ở các địa phương thường bị ngập lụt, nuôi gà ở vùng đồi, đã thay đổi nhận thức tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân trong điều kiện mới.
Từ kết quả của các mô hình trên, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, rà soát quy hoạch để nhân rộng các mô hình sản xuất vừa giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu vừa mang lại hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội.