Rác thải nhựa nhấn chìm Đông Nam Á

Theo một báo cáo mới từ Liên minh thay thế lò đốt toàn cầu (GAIA) và Hòa bình xanh Đông Á, chính sách nhập khẩu phế liệu năm 2018 của Trung Quốc cùng sự chuyển dịch xuất khẩu nhựa sang Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác đã dẫn đến những hệ lụy đáng lo ngại về kinh tế, xã hội và môi trường đối với người dân địa phương.

Ngoài ra, thiếu thị trường nội địa hiệu quả và sự gia tăng sản xuất nhựa toàn cầu cũng là một vấn đề nan giải cho các nước xuất khẩu nhựa. Tổng xuất khẩu nhựa giảm khoảng 50% từ năm 2016 đến 2018, buộc các nước phải chôn lấp, đốt, trữ lại hoặc xuất khẩu trái phép lượng thặng dư nhựa thải ngày càng tăng.

“Rác thải nhựa từ các nước công nghiệp hóa thực sự đang nhấn chìm các cộng đồng ở Đông Nam Á, biến những nơi từng là chốn sạch sẽ và thịnh vượng thành các bãi rác độc hại. Đó là đỉnh cao bất công khi các quốc gia và cộng đồng có ít năng lực và nguồn lực để xử lý ô nhiễm nhựa đang bị biến thành “van” xả nhựa do các nước công nghiệp tạo ra”, Von Hernandez, điều phối viên toàn cầu của phong trào Break Free from Plastic, cho biết.

Bao gồm cả phân tích định lượng của Hòa bình xanh Đông Á và điều tra thực địa của GAIA, Báo cáo vẽ ra bức chân dung ảm đạm của thương mại nhựa toàn cầu hiện nay.

Theo dữ liệu xuất nhập khẩu đối chiếu của Hòa bình xanh từ 21 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới (dẫn đầu là Mỹ, Vương quốc Anh, Đức và Nhật Bản) và 21 nước nhập khẩu hàng đầu từ tháng 1/2016 đến tháng 11/2018, xuất khẩu nhựa giảm đều đặn từ 1,1 triệu tấn/tháng xuống 500.000 tấn/tháng với tổng lượng nhập khẩu cũng giảm theo cùng một tỷ lệ.

Đông Nam Á và các khu vực đang phát triển khác đã trở thành điểm đến chính của thế giới từ giữa năm 2017 đến giữa năm 2018 với nhiều quốc gia này – bao gồm Malaysia, Việt Nam và Thái Lan – ban hành các hạn chế nhập khẩu riêng tương ứng với dòng rác tràn ngập.

Bên cạnh đó, Nghiên cứu cũng lưu ý sản xuất nhựa được dự báo sẽ tăng 40% trong thập kỷ tới – có nghĩa là kho dự trữ nhựa “có thể tái chế” sẽ tiếp tục tích lũy hoặc bị xử lý không đúng cách.

Tuy nhiên, các tác giả nhấn mạnh, tăng xuất khẩu phế liệu nhựa không đi kèm với giải pháp tương xứng. Theo tiết lộ từ các cuộc điều tra thực địa của GAIA tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan, cơ sở hạ tầng và chế tài không đầy đủ đã biến các nước nhập khẩu thành “bãi rác quốc tế gần như chỉ sau một đêm”.

Các đống phế liệu chưa được xử lý dẫn đến gia tăng đốt rác thải, đổ trộm và các hoạt động tái chế không được kiểm soát cũng như nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm, hoa màu chết, mắc bệnh hô hấp do tiếp xúc với nhựa cháy.

Quá trình này chắc chắn sẽ tiếp tục cho đến khi “hành động quyết định” được thực hiện – tình trạng sẽ là “lượng xuất khẩu bị cấm chuyển hướng sang nước nhập khẩu không được kiểm soát tiếp theo một cách nhanh chóng, nhưng không hiệu quả” khiến dân cư địa phương phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế, sức khỏe và môi trường từ ô nhiễm nhựa.

Kate Lin, nhà vận động cấp cao của Hòa bình xanh Đông Á, cho biết: “Một khi một quốc gia chế tài việc nhập khẩu rác thải nhựa, dòng rác này sẽ tràn vào điểm đến không được kiểm soát tiếp theo. Đó là một hệ thống săn mồi nhưng cũng ngày càng kém hiệu quả. Mỗi lần lặp lại cho thấy ngày càng nhiều nhựa ngoài luồng – nơi chúng ta không thể thấy những gì xảy ra – và điều đó là không thể chấp nhận được”.

Báo cáo kết luận để dừng chu trình xuất khẩu này đòi hỏi các chính phủ “hành động tập thể thông qua Liên hợp quốc và ràng buộc các thỏa thuận quốc tế nhằm giải quyết việc sản xuất, xuất khẩu, tái chế và xử lý nhựa”.

Yếu tố tiên quyết của hành động này là yêu cầu các nước xuất khẩu nhựa có được sự đồng thuận trước từ các nước tiếp nhận.

Ngoài ra, Báo cáo khuyên các nước đang phát triển thực thi lệnh cấm nhập khẩu nhựa và kêu gọi khu vực tư nhân thiết kế lại các sản phẩm, bao bì và hệ thống giao hàng để loại bỏ nhựa sử dụng một lần.

Các chính phủ phải ưu tiên giảm nguồn bằng cách ban hành lệnh cấm và bắt buộc các chính sách yêu cầu bên sản xuất có trách nhiệm mở rộng, cấm đốt nhựa và thực hiện cải cách quản lý rác thải – và làm cho quyền của người lao động trở thành trung tâm của những cải cách này.

Cuối cùng, Báo cáo kêu gọi các nước xuất khẩu đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế trong nước – không phải để tìm lý do bao biện cho việc sản xuất nhựa sử dụng một lần, mà “là con đường hướng tới không rác thải”.

Trong khi một số vật liệu ở Bắc Mỹ đã tìm thấy thị trường nội địa mới – và các bên liên quan đã bày tỏ sự quan tâm ngày càng tăng đối với những khái niệm “tái chế hóa học” có thể xử lý một tỷ lệ lớn hơn của dòng nhựa hỗn hợp – thì năng lực kém vẫn là mối lo ngại.

“Các hệ thống tái chế không bao giờ có thể theo kịp sản xuất nhựa vì chỉ 9% nhựa sản xuất ra được tái chế”, Lin nhấn mạnh.

“Giải pháp duy nhất cho ô nhiễm nhựa là sản xuất ít nhựa hơn. Những bên sử dụng nhiều nhựa – chủ yếu là các công ty hàng tiêu dùng như Nestlé và Unilever, ngoài ra còn là các siêu thị – cần giảm bao bì nhựa sử dụng một lần và tiến tới hệ thống tái sử dụng để hỗ trợ chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng này”.

Nhật Anh (Theo wastedive.com)

Nguồn: