Xuân Thủy – phát triển để bảo tồn

ThienNhien.Net – Với vẻ đẹp hoang dã của thiên nhiên vùng cửa sông ven biển và là nơi cư trú của nhiều loài chim nước quý hiếm, Vườn Quốc Gia Xuân Thuỷ là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Không chỉ thế, Xuân Thủy còn được biết đến là một trong những khu bảo tồn tạo lập nhiều sinh kế cho cộng đồng địa phương, với quan điểm chia sẻ lợi ích cùng người dân vùng đệm để thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên môi trường.

 

Nói đến Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thuỷ, không thể không nhắc đến sự giàu có về đa dạng sinh học và những nét đặc trưng của vùng ven biển châu thổ sông Hồng. Hàng ngàn héc-ta rừng ngập mặn và hàng trăm héc-ta rừng phi lao đã tạo dựng lên những sinh cảnh điển hình. 

 

 

Với diện tích 7100 ha, vùng lõi của vườn được bao phủ bởi một dải rừng ngập mặn, gồm 120 loài thực vật bậc cao như sú, đước, vẹt… Rừng ngập mặn ở đây ken dày tầng tầng, lớp lớp tạo nên bức tường thành vững chắc, chắn sóng, gió bão cho cả một vùng đất rộng lớn. Rừng còn là vườn ươm tốt lành cho các loài thuỷ sinh, đồng thời cung cấp thức ăn và tạo môi sinh yên bình cho các loài chim hoang dã cư ngụ và di cư.  

 

 Bởi vậy, nơi đây chính là môi trường sinh sống thuận lợi của khoảng 220 loài chim. Trong ảnh, một đàn Mòng biển kiếm ăn tại VQG Xuân Thuỷ.

 

Không những vậy, đây còn là một “ga” chim di cư lớn. Mùa di cư hàng năm, đây là nơi tránh rét và tránh nóng của hơn 100 loài chim di cư, trong đó có nhiều loài có tên trong Sách đỏ Thế giới như: Cò mỏ thìa, Bồ nông, Cò trắng Trung Quốc, Mòng bể mỏ ngắn… 

 

 Bên cạnh việc bảo tồn, VQG Xuân thuỷ còn là nơi tham quan, nghiên cứu khoa học lý tưởng. Trong ảnh, đoàn cán bộ PanNature và các sinh viên báo chí Hà Nội trong chuyến điền dã tại vườn ngày 21-22/11.

 

 Để bảo tồn được những giá trị về sinh thái, Ban quản lý vườn đã có những biện pháp thiết thực như di dời khu vực ăn cỏ của trâu ra khỏi vùng lõi, nạo vét lòng sông để khơi thông dòng chảy… Nhưng quan trọng nhất là VQG Xuân Thuỷ đã có những chính sách để phát triển kinh tế ở vùng đệm, tạo việc làm cho người dân.

 

 Từ năm 2007, VQG Xuân Thủy đã triển khai tạo lập nhiều mô hình sinh kế cho cộng đồng địa phương. Theo đó, Ban quản lý dự án đã cân nhắc lựa chọn các sinh kế thân thiện với môi trường, đạt hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững để trợ giúp cộng đồng địa phương. Điển hình là một số mô hình sinh kế mới như trồng nấm, nuôi ong, nuôi ba ba…

 

 Nhìn cơ ngơi này, khó ai có thể hình dung nổi người chủ của nó đã từng phải lăn lộn với hàng chục nghề khác nhau để kiếm sống trước khi đến với nghề nuôi ba ba.

 

 Đó là bác Phạm Văn Đăng, người đã mạnh dạn đặt mua 500 con ba ba giống từ Thái Lan và đã phát triển hiệu quả mô hình nuôi ba ba. Thu nhập của gia đình bác hiện nay đạt trên dưới 100 triệu đồng/1 năm.

 

 

Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của VQG, các hộ nông dân ở đây cũng đã biết tận dụng mật hoa của rừng ngập mặn để nuôi ong, thu về hàng chục tấn mật mỗi năm. Và khi rừng ngập mặn mang đến lợi ích kinh tế thì người dân cũng có ý thức bảo vệ rừng hơn. Trong ảnh là bác Phạm Văn Hiệp, nguyên Chủ tịch Cựu chiến binh xã Giao An và cũng là người đi đầu trong việc phát triển nghề nuôi ong của xã.

 

 

 Ngoài ra, VQG cũng đứng ra giúp các hộ nông dân thành lập câu lạc bộ trồng nấm. Nhờ việc thu gom rơm để trồng nấm, cuộc sống của người dân xã Giao An thuộc vùng đệm VQG không những được cải thiện, mà tình trạng đốt rơm gây ô nhiễm môi trường hay vứt rơm gây tắc nghẽn dòng chảy đã giảm hẳn.

Có thể thấy, việc tập trung xây dựng các sinh kế thay thế thích hợp cho cộng đồng dân vùng đệm ở Xuân Thủy đã có những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững Khu Ramsar quốc tế Xuân Thủy, chặng đường phía trước còn nhiều gian nan. Với sự trợ giúp đắc lực và hiệu quả của các Tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ, cộng đồng quốc tế cùng với những kết quả đạt được trong thời gian qua, hy vọng Xuân Thủy sẽ là điểm trình diễn về sự kết hợp hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, đồng thời là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế.

Vườn Quốc Gia Xuân Thủy được thành lập từ quyết định số 01/QĐ-TTg, ngày 02/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là Khu Bảo tồn dự trữ sinh quyển đất rừng ngập mặn, được quốc tế công nhận là điểm Ramsar thứ 50 của thế giới, đầu tiên của Đông Nam Á, độc nhất của Việt Nam suốt 16 năm (Tới năm 2005, Việt Nam mới có khu Ramsar thứ 2 là khu Bàu Sấu của VQG Cát Tiên ở tỉnh Đồng Nai).


* Nguồn ảnh:
– Ảnh số 2,3,4,9,12,13,15 – ThienNhien.Net.
– Các ảnh còn lại: Tiến Thành – Việt Hùng.