Vì sao hàng loạt chiến dịch giảm cầu sừng tê ở Việt Nam thất bại?

Nhóm tác giả thuộc Đại học Copenhagen, Đan Mạch đã phỏng vấn 30 người thuộc nhóm thu nhập cao tại Hà Nội có sử dụng sừng tê gần đây cùng một người buôn bán sừng tê giác để tìm ra câu trả lời.

Phần lớn người trả lời cho hay họ sử dụng sừng tê giác để hạ sốt, chống say rượu, chữa bệnh gút hoặc những bệnh nan y như ung thư hay đột quỵ. Một số người cũng sử dụng sừng tê để chữa bệnh cho người thân.

Ngoài ra, với nhiều người thì sừng tê giác là biểu tượng của địa vị xã hội, được sử dụng để khoe của hoặc tạo mối quan hệ làm ăn.

Malaysia bắt 50 sừng tê trên đường chuyển tới Việt Nam (Ảnh: EPA-EFE/Farzy Ismail)

Đáng chú ý là việc sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam không bị coi là vết nhơ. Những người trả lời phỏng vấn không quan tâm đến tình cảnh của tê giác hay nạn săn trộm vì họ cho rằng họ không trực tiếp giết con vật. Họ biết việc mua sừng tê là phạm pháp nhưng tin rằng cảnh sát không để ý, còn pháp luật thường tập trung hơn vào các vụ buôn lậu với số lượng lớn.

Nghiên cứu cũng chỉ ra các chiến dịch giảm cầu sừng tê ở Việt Nam chưa hiệu quả vì đưa ra thông điệp không đúng với đối tượng đích.

Những người mua sừng tê không hề bị thuyết phục bởi những lý lẽ như sừng tê chỉ như móng tay, không có dược liệu gì hoặc hậu quả pháp luật nếu mua sừng. Thậm chí, những đề xuất kiểu hợp pháp hóa có kiểm soát việc mua bán sừng tê không những không làm giảm cầu mà còn gia tăng các vụ tê giác bị săn trộm.

Mặc dù chính phủ có những nỗ lực đáng kể để giảm cầu sừng tê như tăng khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự với tội danh buôn lậu và sử dụng sừng tê giác hay tăng cường các chương trình nâng cao nhận thức, tuy nhiên, Việt Nam vẫn được coi là một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới, góp phần thúc đẩy nạn săn trộm.

Năm ngoái, chỉ riêng ở châu Phi có tới 1.100 con tê giác bị giết khiến số lượng loài này trên thế giới chỉ còn 29.500 cá thể.

Nhật Anh (Theo The Conversation)

Nguồn:
BVR&MT