Hàng triệu ha rừng nhiệt đới ngã xuống trong năm 2018

Theo phân tích vệ tinh, hàng triệu ha rừng mưa nhiệt đới nguyên sơ đã bị phá trong năm 2018 do những nguyên nhân chính như để sản xuất thịt bò, sô cô la và dầu cọ.

Rừng mưa nhiệt đới lưu trữ một lượng lớn các-bon và có nhiều động vật hoang dã, do đó, việc bảo vệ chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu cũng như đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết nạn phá rừng vẫn đang có xu hướng tăng.

Mặc dù mất rừng trong năm ngoái thấp hơn các năm 2016 và 2017 – những năm khô hạn dẫn đến các trận cháy rừng lớn – nhưng 2018 vẫn là năm tồi tệ tiếp theo kể từ 2002 khi những trận nóng kỷ lục tương tự bắt đầu được ghi nhận. Trong đó, việc phá trắng rừng nguyên sinh để khai thác gỗ và chăn nuôi gia súc ở Brazil chiếm phần lớn nhất, bao gồm cả những vụ xâm lược vào các vùng đất bản địa nơi những bộ lạc biệt lập sinh sống.

Mỏ thiếc Bom Futuro nằm trong một khu vực rừng Amazon bị phá ở Brazil (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Mất rừng ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Indonesia cũng rất cao. Indonesia là quốc gia lớn duy nhất mà sự bảo vệ của chính phủ dường như giúp giảm đáng kể việc mất rừng.

Ngược lại, Ghana và Bờ Biển Ngà ghi nhận tỷ lệ gia tăng phá rừng nhiệt đới lớn nhất do hoạt động khai thác vàng và trồng ca cao.

Frances Seymour thuộc Viện Tài nguyên Thế giới, một phần của mạng lưới Global Forest Watch (GFW) đã đưa ra phân tích vệ tinh chia sẻ: “Chúng ta chưa tới gần chiến thắng trong trận chiến này. Thực sự rất hấp dẫn để kỷ niệm năm thứ hai suy giảm kể từ khi việc mất độ che phủ của cây đạt đỉnh vào năm 2016 nhưng nếu bạn nhìn lại 18 năm qua, rõ ràng xu hướng chung về mất rừng vẫn là tăng lên”.

Rừng của thế giới hiện đang lâm nguy – đó là cái chết bởi hàng ngàn vết chém. Băng bó sơ cứu là không đủ. Với mỗi ha bị mất, chúng ta tiến một bước gần hơn đến kịch bản đáng sợ của biến đổi khí hậu”.

Seymour cho rằng nhiều chính phủ và doanh nghiệp rất nỗ lực để chống phá rừng nhưng thực tế chứng minh rằng như thế là chưa đủ.

Phân tích của GFW xem xét toàn bộ thiệt hại về cây ở vùng nhiệt đới nhưng tập trung vào các khu rừng nguyên sinh. Đây là những nơi hoang sơ và lưu trữ nhiều các-bon nhất, đồng thời có quần thể động vật hoang dã đa dạng và đông đúc nhất. Phần lớn sự tàn phá ở những khu vực này được xem là không thể đảo ngược, thậm chí trong nhiều thập kỷ.

Theo dữ liệu, hơn 3,6 triệu ha rừng nhiệt đới nguyên sơ đã bị chặt phá trong năm 2018.

“Hầu hết sự mất rừng năm 2018 [1,3 triệu ha] đang diễn ra ở Amazon. Thật sốc là chúng ta đang phải chứng kiến một số vụ xâm lăng vào các vùng đất bản địa vốn miễn dịch với nạn phá rừng trong nhiều năm”, Mikaela Weisse, quản lý của GFW cho biết.

Ví dụ, tại khu bảo tồn Ituna Itata, Brazil, có tới hơn 4000 ha bị phát quang bất hợp pháp trong nửa đầu năm 2018, gấp đôi tổng số thiệt hại kể từ 2002. Khu bảo tồn này là nơi sinh sống của một số tộc người biệt lập cuối cùng trên thế giới – những người đã bảo tồn rừng trong nhiều thế kỷ.

Bảo vệ rừng đang bị suy yếu dưới thời tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người nhậm chức vào tháng 1, nhưng những tác động này sẽ chỉ được thấy trong dữ liệu của năm 2019.

Tại DRC, mất rừng nguyên sinh năm 2018 cao hơn 38% so với trung bình giai đoạn 2011-2017. Việc mở rộng phát quang rừng với quy mô nhỏ để sản xuất nông nghiệp và lấy củi được cho là đã gây ra khoảng 3/4 của tổn thất này.

Sự tàn phá các khu rừng nguyên sinh ở Indonesia được thúc đẩy bởi các đồn điền dầu cọ nhưng đã bắt đầu giảm và ở mức thấp nhất kể từ năm 2003. Các chính sách của chính phủ dường như có hiệu quả, nhưng 2019 có thể là một năm khô hạn hơn 2017-2018 ở nước này, hai vụ cháy rừng vừa qua trở nên trầm trọng hơn do đất khô có thể sẽ tăng vọt trở lại.
“Indonesia chưa an toàn”, Weisse nói.

Phá rừng tăng 60% ở Ghana và 26% ở Bờ Biển Ngà.

“Tin vui là ngành công nghiệp ca cao đã thực hiện các bước đi để chống lại xu hướng này. Năm 2017, sáng kiến về ca cao và rừng đã được phát động để chấm dứt nạn phá rừng”, Caroline Winchester, nhà phân tích nghiên cứu của GFW cho biết.

Tuy nhiên, 70% cây bị chặt ở Ghana và Bờ Biển Ngà nằm trong các khu bảo tồn.

Seymour cũng nêu bật những bi kịch trực tiếp của con người.

“Đằng sau những cột trên các bảng biểu là những thiệt hại đau lòng ở ngoài đời thực. Rất thường xuyên rằng mỗi khoảng rừng mất đi cũng liên quan đến một đám tang bởi vì mỗi năm có hàng trăm người bị sát hại khi họ cố gắng ngăn chặn những kẻ khai thác mỏ, khai thác gỗ và chủ trang trại chăn nuôi. Mệnh lệnh đạo đức để hành động trong chuyện này là cấp bách và không cần bàn cãi”.

Nhật Anh (Theo The Guardian)

Nguồn: