Siết chặt khai thác cát, sỏi lòng sông

Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và yêu cầu phải có giải pháp quyết liệt trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này.

Số vụ vi phạm tăng

Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành 902 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện, xử phạt 798 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền phạt hơn 56 tỷ đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là khai thác khoáng sản khi giấy phép hết hạn, hoặc không giấy phép; khai thác vượt công suất cho phép, ngoài phạm vi được cấp phép…

Đáng chú ý, 33% số tỉnh, thành phố còn để xảy ra tình trạng các bãi tập kết, trung chuyển cát, sỏi dọc bờ sông không có giấy phép xây dựng; 33% số tỉnh, thành phố có quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, công bố khu vực phân tán, nhỏ lẻ.

Tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến cát, sỏi lòng sông

Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, 14/20 địa phương đã phát hiện 659 vụ với 426 đối tượng về hành vi khai thác cát trái phép và tập kết kinh doanh cát trái phép, số tiền xử phạt hơn 12 tỷ đồng, khởi tố 2 vụ về hành vi khai thác cát trái phép.

Theo báo cáo của Bộ Công an, sau Tết Nguyên đán đến nay, tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông, cửa biển phức tạp trở lại với thủ đoạn tinh vi, công khai, lộng hành… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc xử lý tại một số địa phương chưa kiên quyết, chưa đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe. Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật quy định về xử phạt chưa phù hợp với thực tế hiện nay; không rõ ràng trong quy hoạch, cấp phép khai thác đã khiến nhiều người lợi dụng để khai thác cạn kiệt tài nguyên.

Đấu tranh quyết liệt

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho hay, dư luận xã hội bức xúc và có thông tin về việc buông lỏng quản lý, chính quyền một số địa phương có dấu hiệu bao che, không xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Do vậy, các đại biểu cần đánh giá nghiêm túc, khách quan nguyên nhân, hạn chế; đề xuất giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép đang gây hậu quả lớn về thất thoát tài nguyên, sạt lở bờ sông, thiệt hại hoa màu, mất an ninh trật tự của địa phương.

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến cát, sỏi lòng sông; đồng thời thống nhất nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông.

Theo đó, 100% dự án khai thác khoáng sản trong cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; đấu thầu thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch; đấu giá khối lượng cát, sỏi lòng sông thu hồi được (nếu có) từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch sẽ phải thực hiện đấu giá, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương trong việc xây dựng, ban hành quy chế phối hợp và thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh là địa giới hành chính.

Tính đến nay, cả nước có khoảng 3.000 tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đang thăm dò, khai thác khoáng sản theo hơn 4.000 giấy phép do trung ương và các địa phương cấp…