ĐBSCL có gần 60 điểm sạt lở ven biển

Khu vực ĐBSCL hiện có 526 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 800km. Trong đó, có 57 khu vực sạt lở nguy hiểm, tổng chiều dài 164km.

Đó là thông tin đưa ra tại hội thảo với chuyên đề “Giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL”, do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức sáng 9.4, tại Cà Mau.

1 điểm sạt lở ở H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau – Ảnh: Anh Duy

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thông tin, ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng, hiện rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương về vốn, để triển khai ứng phó trong công tác phòng chống thiên tai.

Theo ông Sử, hiện địa phương đã xây dựng được 18km bờ kè bờ biển. “Các đoạn kè đã khắc phục được một số yếu điểm cho hệ thống rừng ngập mặn, như gây bồi, tạo bãi, bước đầu cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, hiện tỉnh đang gặp một số khó khăn nhất định, như tỉ lệ sạt lở bờ biển của Cà Mau hiện diễn ra rất khó lường”, ông Sử nói.

Theo đại diện UBND tỉnh Cà Mau, từ năm 2007 đến nay, địa phương đã mất khoảng 9.000ha đất rừng và bờ biển, nguy cơ làm vỡ đê biển Tây, làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Cà Mau, thông tin: “Cà Mau hiện có 57 km sạt lở nguy hiểm và hơn 40 km cực kỳ nguy hiểm. Hiện tỉnh đã khắc phục được 82 km và không xảy ra vỡ đê trong những năm gần đây”.

Ông Nguyễn Văn Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kiến nghị: “ĐBSCL sẽ bị mất trong tương lai, tuy nhiên, việc biến mất của vùng ĐBSCL là sớm hay muộn, phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người. Tình trạng khai thác cát hiện nay là rất phức tạp, khiến cho việc sụt lún, sạt lở diễn ra ngày càng nhanh hơn. Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay trong việc chống sạt lở, các địa phương cần có phương án quy hoạch vị trí khai thác cát hợp lý, có kiểm soát của ngành chức năng”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại hội thảo – Ảnh: Anh Duy

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Hà Công Tuấn, qua công tác quản lý và báo cáo của các địa phương, khu vực ĐBSCL hiện có 526 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 800km. Trong đó, có 57 khu vực sạt lở nguy hiểm, tổng chiều dài 164km, cần phải được xử lý để đảm bảo ổn định dân sinh, kinh tế – xã hội vùng ven sông, ven biển.

ĐBSCL là vùng hạ lưu của Châu thổ sông Mê Kông, với địa hình trũng thấp. Phần lớn đất đai trong vùng là phù sa mềm yếu, tổng diện tích 4 triệu ha, dân số gần 20 triệu dân. Đây là nơi có hệ thống sông ngòi chằng chịt và hệ thống đường bờ biển dài gần 800km, và có vai trò quan trọng đến an ninh lương thực.

Hàng năm, vùng ĐBSCL cung cấp khoảng 90% sản lượng lúa và 60% sản lượng thủy sản phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn vùng ĐBSCL còn có vai trò rất lớn về sinh thái, môi trường.

Tại hội thảo, các địa phương mong muốn, các bộ, ngành Trung ương cần xem xét, hỗ trợ được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án xây dựng đê biển, kè tạo bãi. Đồng thời khôi phục rừng phòng hộ sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cho biết: “Nhiệm vụ của chúng ta trong việc ứng phó với sạt lở là rất nặng nề. Vì vậy, việc rà soát, tìm phương án phải phù hợp với thực tế, vừa tìm giải pháp chống sạt lở, gắn với công tác ổn định dân cư, an sinh xã hội”.