Ngang nhiên mua bán than trộm cắp

Xung quanh một số mỏ than thuộc tỉnh Thái Nguyên (thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV)), nhiều điểm tập kết, buôn bán than lậu diễn ra tấp nập.

Sau nhiều ngày tìm hiểu, điều tra, phóng viên Báo Lao Động ghi nhận tình trạng khai thác than trái phép; những móc nối tuồn than ra ngoài của những người đang làm việc trong các mỏ; những đường dây vận chuyển buôn bán than trái phép; sự làm ngơ của chính quyền địa phương để các điểm tập kết than trái phép ngang nhiên tồn tại.

Than được các đầu nậu dùng xe tải chở đi tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: P.V)

Một người mót được vài… tấn than mỗi ngày!

Xóm 2, xã Sơn Cẩm (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Những người dân chuyển than lên xe tải. Tổ trưởng một tổ… mót than (gồm 4 người) cho biết: “Lúc nào xe đổ trên bãi dân lên mót mới đông, bảo vệ thì nó ăn theo ca, phải ăn được 40%, lắm lúc nó kỳ kèo lắm đấy. Riêng than, các anh lấy ngày chục tấn, làm chưa đến tiếng, mỗi ngày mót được khoảng 30 – 40 tấn”.

Ông này dẫn chúng tôi đến gần bãi thải mỏ than Khánh Hòa, trên đường đi qua những khu dân cư, chỉ vào những đống than cục ven đường, ông cho biết, tất cả than ở đây đều được mót từ bãi thải của mỏ Khánh Hòa, chờ đầu nậu thu gom, bán với giá từ 1,6 – 1,8 triệu đồng một tấn.

Bám theo những chiếc xe máy từ bãi tập kết, chúng tôi đi về phía moong khai thác của mỏ than Khánh Hòa. Hàng chục chiếc xe máy với đủ dụng cụ đồ nghề đi mót than xếp thành hàng dài ven đường. Đoàn xe đi, lát sau đã chở đầy than cục về nơi tập kết. “Lúc đổ nhiều thì không tính được, cứ đóng bao lăn xuống thôi, bảo vệ với máy xúc, ca gác họ thông đồng xúc lẫn lộn lên. Trước, chúng tôi hay xuống dưới moong lắm, nhưng giờ không xuống nữa” – một người mót than nói.

Còn ở xã Phúc Hà, chúng tôi gặp xe tải mang biển kiểm soát 20K-9340 chở đầy than đi từ xóm 1, qua xóm 4 để đến xóm 2 đổ. Người đàn ông chở “hàng” tự giới thiệu tên là Thủy cho biết, “nếu muốn mua than cục thì tôi bán cho với giá 1,8 triệu đồng/ tấn, hàng nhà tôi chỉ than củ thôi, than lấy từ mỏ Khánh Hòa, than này thiếu gì, lấy mấy chục tấn cũng có”.

Những mánh lới móc than ra ngoài

Ở xã Phúc Hà (TP.Thái Nguyên), ông Thuỷ – một người chở hàng – tiết lộ: “Than củ lấy từ mỏ ra, có đội riêng, họ thông đồng với bảo vệ vào tận mỏ mà vác, mỗi ngày tôi giao được mấy chục tấn”.

Ông H, người có nguồn hàng khá lớn ở Phúc Hà thì khoe: “Hàng này là hàng ngoại giao, cần, tôi hô lên một cái là có ngay, các cậu yên tâm, tôi có đủ hàng”.

Nói về “suất ngoại giao”, ông H. giải thích: “Nhà có ôtô máy xúc hết cả đoàn, mình phải đánh máy xúc, ôtô vào lấy. Nói thật, là mua chui, mua không hóa đơn, nhất là cuối năm nhập hàng dễ như không, còn đầu ra nhiều khách hàng họ tự tìm đến lấy chứ có đi bán hàng gì đâu. Nguồn hàng đảm bảo đầy đủ, chất lượng yên tâm, gạch đẹp” – ông H. vừa lấy ra biên bản kiểm tra về ô nhiễm môi trường tại mỏ Khánh Hòa có chữ ký của lãnh đạo mỏ vừa nói – Mỗi khi dân kêu ô nhiễm, là tôi cho lập biên bản như này nên mỏ sợ tôi lập biên bản là họ phải dừng, tôi cho làm mới được làm, nên họ phải có kế hoạch cho, chứ không phải mua bán gì”.

Chúng tôi thắc mắc là than Khánh Hòa họ không bán ra ngoài, “ông bà có suất ngoại giao thế chắc không phải mất tiền?”, cả ông H, bà T tranh nhau nói: “Thực là ông bảo vệ không có quyền để tuồn than ra mà là sếp trên chỉ đạo, bảo vệ chỉ là màn che, bia đỡ đạn thôi. Tôi múc một hai đêm thì tôi cho vài triệu, nếu không thì chúng nó phải lờ coi như không biết, vì sếp đã chỉ rồi”.

Trong vai người tìm mua than để đốt gạch ở Sóc Sơn, Hà Nội; ở phòng bảo vệ của mỏ than Khánh Hoà, chúng tôi nói, sau nhiều ngày tìm mua than trôi nổi mà giá cao, sợ sản phẩm không chất lượng nên muốn vào công ty hỏi mua cho có giấy tờ hợp pháp.

Thấy chúng tôi nói làm nhiều lò gạch muốn mua với số lượng lớn, ông Thành, người mặc bộ đồng phục bảo vệ của mỏ than Khánh Hòa giới thiệu ngay “người em rể tên T, có cả than cám và than củ, nó dễ bán hơn, chứ ở mỏ thì than 6A, 6B không bán ra ngoài mà toàn để cho nhà máy nhiệt điện”. Ông cho số điện thoại và dặn “cứ tham khảo vì nó là doanh nghiệp ngoài. Thằng em rể mình trước làm Giám đốc mỏ Bá S. Nó làm rất to. Than thổ phỉ thì cũng qua chúng nó nên mình không sợ. Qua chúng nó thì rẻ hơn ở mỏ”.

Lập lờ đánh lận… than đen

Tại mỏ than Phấn Mễ, từ thông tin của những người từng làm lái xe trong mỏ, chúng tôi đã phát hiện những sự thật về đường dây trộm cắp than từ mỏ ra.

Có hôm, cứ khoảng 40 phút, chúng tôi lại thấy hai chiếc xe tải màu vàng, BKS 20C-057.18 và xe BKS 20C-071.20 chuyển sái (đất đá có lẫn than) từ khu vực bãi thải chở thẳng từ bãi thải đổ tại một xưởng tuyển than tư nhân gần cầu treo Phục Linh (huyện Đại Từ). Có hôm, cuối buổi chiều chúng tôi nhận được tin báo rất nhiều xe tải vào mỏ than Phấn Mễ chở than lên đổ ở một số nơi quanh mỏ, họ khẳng định là than chứ không phải sái hay đá thải.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có hai công ty đang chở thuê đất đá cho mỏ. Các doanh nghiệp xung quanh thì có hoạt động giấy phép.

Chia sẻ với chúng tôi về việc đánh lận giữa than và sái, bã sái thải sau tuyển than của mỏ than Phấn Mễ; ông Nguyễn Thế Giang, PGĐ Sở TNMT Thái Nguyên cho biết: “Tôi biết câu chuyện ở đó là, 3 gầu đá 2 gầu than, hoặc là chuyển lên bãi thải sẽ có đội quân mót ở bãi luôn. Tôi sẽ rà soát lại vì Bộ TNMT phê duyệt Đánh giá tác động môi trường mỏ Phấn Mễ, xem có được phép bán xít đi không, nếu không được phép mình sẽ có thông tin để kiểm tra và xử lý việc đó”.

Sau khi xem nội dung những bản Hợp đồng kinh tế về việc mua bán sái thải và bã sái thải sau tuyển (giữa Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên – Mỏ than Phấn Mễ với các Công ty tư nhân) mà mỏ than Phấn Mễ cung cấp cho chúng tôi, ông Giang nói: “Bán sái thải như vậy là không được phép”.