Rừng miền Trung vẫn “chảy máu” – Kỳ cuối

Kỳ cuối: Dấu hiệu bất thường

Đề nghị lập chuyên án điều tra

UBND H. Kông Chro (Gia Lai) đã có báo cáo về kết quả kiểm tra, khám nghiệm hiện trường vụ khai thác lâm sản trái phép tại Tiểu khu 805 (thuộc địa bàn làng Bya, xã Sró) theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai. Cụ thể, hiện trường rừng bị khai thác trái phép thuộc lô 4, khoảnh 6, Tiểu khu 805 do UBND xã Sró quản lý, bảo vệ. Theo xác định của cơ quan chức năng, đây là loại rừng phòng hộ đầu nguồn, trạng thái rừng thường xanh trung bình.

Kỳ 1: “Xẻ thịt” rừng đầu nguồn Sông Tranh

Kỳ 2: Rừng miền Trung vẫn “chảy máu”

Một gốc cây dổi lớn bị đốn hạ trên đỉnh núi Bya.

Tiến hành kiểm tra, khám nghiệm hiện trường của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai và các đơn vị chức năng H. Kông Chro xác định có 12 cây gỗ bị khai thác với tổng khối lượng bị thiệt hại là 15,769m3 và 2,403 ster củi, chủng loại gỗ dổi. Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng xác định số cây gỗ trên đã bị các đối tượng cưa hạ trái phép từ đầu năm 2019 đến đầu năm 2020. Trong số 12 cây gỗ trên có 11 cây đã bị cắt khúc, đưa ra khỏi hiện trường, chỉ duy nhất 1 cây gỗ bị bộng các đối tượng không “thèm” đả động đến. Trước sự việc trên, UBND H. Kông Chro đã chỉ đạo CAH lập chuyên án nhằm đấu tranh tội phạm vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, đó chỉ là một điểm phá rừng tại cánh rừng phòng hộ này mà đang được các cơ quan chức năng xác minh, điều tra, xử lý. Từ thông tin của người dân cung cấp, ngày 5-3, từ làng Bya chúng tôi ngược lên đỉnh núi nhằm tiếp cận một khu vực rừng bị khai thác trái phép mà chưa có trong báo cáo của UBND H. Kông Chro. Men theo con đường mòn từ làng Bya, chúng tôi vượt qua nhiều dốc đứng trơn trượt, lởm chởm đá. Con đường mòn này vẫn để lại những vết hằn do gỗ bị kéo từ rừng về hướng làng Bya.

Một gốc dổi khác bị cưa hạ, lâm tặc đã vận chuyển toàn bộ gỗ ra khỏi rừng.

Sau hơn 2 giờ theo con đường mòn, chúng tôi cũng dần tiếp cận khu vực rừng trên đỉnh núi Bya. Từ các đường mòn như xương cá trong rừng, chúng tôi chứng kiến những cây gỗ bị đốn hạ, cũ có, mới có. Ngay một đường nhánh, chúng tôi bắt gặp 2 cây gỗ đường kính từ 50-80cm mới bị cưa hạ vẫn còn thơm mùi nhựa. Các đối tượng vẫn chưa kịp xẻ thành hộp, lóng để đưa ra khỏi hiện trường. Cách đó không xa, một cây gỗ chò với đường kính gốc khoảng 60cm đã bị đốn hạ, toàn bộ phần thân gỗ đã bị cưa, xẻ thành lóng đưa ra khỏi rừng. Nơi đây, chỉ còn lại bìa gỗ và những đống mùn cưa mới tinh.

Tiếp tục ngược lên đỉnh núi, chúng tôi tiếp tục phát hiện nhiều cây gỗ dổi đã bị cưa hạ. Trong đó, một cây gỗ dổi với đường kính thân gốc khoảng 1,2m, dài khoảng 15m đã bị cưa hạ từ trước. Một phần thân gỗ đã bị các đối tượng lâm tặc xẻ thành từng tấm phản quy cách dài 3m, ngang 1m và dày khoảng 20cm vẫn để ngổn ngang tại hiện trường, một phần khác đã được vận chuyển đi nơi khác. Chỉ tính riêng thân cây gỗ này, chúng tôi ước tính gỗ bị thiệt hại đã gần 10m3. Theo nguồn tin của chúng tôi, tại lâm phần do UBND xã Sró quản lý đã bị khai thác trái phép trong những năm qua. Các đối tượng với thủ đoạn dùng trâu kéo, máy tời độ chế hoặc gùi bằng sức người, các đối tượng tập kết gỗ về làng Bya rồi tìm cách vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Lâm tặc xẻ thành từng hộp, phản để vận chuyển ra khỏi rừng.

Bất cập công tác giữ rừng

Điều lạ là tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn diễn biến phức tạp nhưng trong báo cáo năm 2019 của UBND xã Sró thì chỉ phát hiện 3 vụ cất giấu lâm sản trái phép. Tuy nhiên, cả 3 vụ trên đều không hề phát hiện được đối tượng vi phạm. Ông Phan Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Sró cũng thừa nhận điều này. Thế nhưng, những gì để lại tại hiện trường cũng như kết quả xác minh của cơ quan chức năng thì việc khai thác rừng trái phép diễn ra từ đầu năm 2019 đến năm 2020 vẫn không hề được UBND xã Sró nhắc đến trong báo cáo gửi UBND H. Kông Chro. Thậm chí, UBND xã Sró lại báo cáo về UBND huyện: “cơ bản tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng đã tương đối ổn định”.

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Ẩn- Phó Chủ tịch UBND H. Kông Chro cho biết: Ngay sau khi xảy ra vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại làng Bya, huyện cũng xác định vụ việc khai thác rừng trái phép này là do các đối tượng từ nơi khác đến câu kết với các đối tượng ở địa phương, chúng lén lút khai thác đưa đi cất giấu rồi tìm những thời điểm thích hợp để vận chuyển trái phép ra khỏi địa phương.

Ông Ẩn lý giải: “Tiểu khu 805 được chúng tôi xác định là khu vực trọng điểm nên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tổ chức mật phục, canh giữ cánh rừng nơi đây. Tuy nhiên, rất tiếc khi vẫn để xảy ra vụ việc phá rừng ngay tại đây”.

Trở lại câu chuyện cánh rừng phòng hộ bị các đối tượng khai thác trái phép thì theo cơ quan chức năng nhận định, gỗ sau khi được khai thác trái phép đều được đưa về làng Bya, cách trụ sở UBND xã Sró chỉ vài cây số. Điều lạ hơn, đây cũng là con đường độc đạo để các đối tượng vận chuyển lâm sản đi ra trước trụ sở UBND xã cũng như Trạm kiểm lâm cửa rừng Đăk Pơ Kơ (thuộc Hạt Kiểm lâm H. Kông Chro). Thế nhưng, việc phát hiện, ngăn chặn thực sự chưa hiệu quả.

Trong tháng 6-2019, 2 cán bộ kiểm lâm tại Trạm đã bị đình chỉ công tác khi để 2 xe ô-tô chở gỗ lậu lọt trạm. Trước những dấu hiệu bất bình thường này, ông Huỳnh Ngọc Ẩn cũng đặt vấn đề: “Chúng tôi cũng đặt dấu hỏi cho các ngành chức năng về vấn đề này, tuy nhiên anh em báo về các đối tượng lâm tặc thường lén lút khai thác cũng như lợi dụng các thời điểm anh em lơ là để vận chuyển lâm sản đi nơi khác… Trước mắt, chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo UBND xã Sró, Hạt Kiểm lâm huyện viết bản kiểm điểm để chúng tôi xem xét, sau khi có kết quả điều tra, chúng tôi sẽ có kết quả xử lý cụ thể”.

Qua tìm hiểu của P.V, hàng năm UBND xã Sró được nhận hàng trăm triệu đồng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, trong đó có nguồn phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Như năm 2018, UBND xã Sró được nhận 385 triệu đồng với diện tích trên 2.000ha rừng được giao địa phương này quản lý, bảo vệ. Thế nhưng, “máu rừng” vẫn chảy trong sự bất cập về công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây.

Minh Tân