Sẽ thanh tra toàn diện các cơ sở xử lý chất thải rắn vi phạm

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong thời gian tới, sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý chất thải rắn (CTR) trên toàn quốc. Nếu đơn vị nào vi phạm thì quyết định thanh tra toàn diện, và nếu sai phạm nặng nề, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ đề nghị đóng cửa.

Sẽ thanh tra toàn diện các cơ sở xử lý CTR vi phạm.

Quản lý CTR chưa được quan tâm đúng mức

Việt Nam cũng như các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức lớn trong vấn đề quản lý CTR. Mỗi năm, tổng lượng CTR sinh hoạt là gần 16 triệu tấn. Tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom tại các đô thị đạt 85,5%, khu vực nông thôn khoảng 40-50%.

Trong đó, 28,9% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 71,1% chôn lấp trực tiếp, còn 6% chôn sau khi đốt, tổng lượng chôn lấp 77,5%. Trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1ha, mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Những bãi chôn rác tại các thành phố thường trực nguy cơ gây ô nhiễm nước và không khí. Trong khi đó, năng lực quản lý, kỹ thuật, công nghệ cũng như nguồn lực tài chính cho xử lý CTR còn hạn chế.

Trong khi đó, công tác quản lý CTR tại nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức từ chính quyền, các đoàn thể, tổ chức và người dân.

Đến nay, hầu hết các địa phương, kể cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vẫn xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức phổ biến là chôn lấp. Các địa phương và chủ đầu tư chưa lựa chọn được công nghệ nào phù hợp với rác thải sinh hoạt tại Việt Nam, nên không xử lý triệt để và để phát sinh ô nhiễm thứ cấp ra môi trường. Để giải bài toán về rác thải sinh hoạt, Chính phủ cần có chế tài mạnh hơn như đóng cửa các bãi rác gây ô nhiễm, không chỉ định các công ty môi trường xử lý rác, mà cần xã hội hóa công tác xử lý rác, ưu tiên các công nghệ không phát sinh ô nhiễm thứ cấp và giảm khối lượng đến 85 – 90%…

Theo kế hoạch quản lý CTR, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý Nhà nước về CTR; giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

Kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý CTR trên toàn quốc

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, bộ đã khẩn trương tiến hành rà soát các văn bản pháp luật, các quy định hiện hành về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý CTR để đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan nhằm thống nhất quản lý Nhà nước về CTR; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đề xuất một số phương án khắc phục các bất cập trong lĩnh vực này.

Đồng thời, đề nghị Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị trong bộ tổ chức thêm các hội thảo về các mô hình quản lý, công nghệ xử lý; tổ chức các đoàn công tác làm việc với các địa phương để kiểm tra, rà soát, đánh giá công tác quản lý Nhà nước của các địa phương.

Đặc biệt, trong thời gian tới, bộ sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý CTR trên toàn quốc. Nếu đơn vị nào vi phạm thì quyết định thanh tra toàn diện và nếu sai phạm nặng nề, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ đề nghị đóng cửa.

Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng, nghiên cứu triển khai mô hình đấu thầu cung cấp dịch vụ xử lý CTR trên toàn quốc dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy chuẩn, kỹ thuật do Nhà nước ban hành, từ đó có thể công bố công khai hệ thống các dự án xử lý CTR đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật, để các địa phương lựa chọn được dự án xử lý CTR phù hợp cả về công nghệ và giá cả trên địa bàn mình quản lý.

Ngoài vấn về quản lý CTR, thì rác thải nhựa cũng là một vấn đề nhức nhối hiện nay với Việt Nam. Bộ TN&MT cũng đề nghị, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 09 của Chính phủ, cần có thêm những quy định để kiểm soát, ngăn chặn việc phát tán rác thải nhựa, kể cả những loại rác thải nhựa siêu nhỏ, để thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn, quản lý tốt hơn và toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, thực hiện tốt những công việc trên sẽ đánh giá lại toàn bộ hiện trạng quy hoạch các đơn vị xử lý chất thải, thu gom, vận chuyển, quản lý CTR. Từ thực trạng đó sẽ chỉ đạo các địa phương có những chính sách quản lý cho phù hợp, về lâu dài sẽ đề xuất những lộ trình khắc phục và đưa ra những giải pháp về công nghệ phù hợp với tình hình mỗi địa phương.

“Điều này sẽ kiện toàn lại và đưa ra những giải pháp về lâu dài, xây dựng được cơ sở dữ liệu đồng bộ về quản lý CTR, đồng thời góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, công nghệ trong công tác quản lý CTR”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.