Các con sông ở Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng!

Sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ… hầu hết các con sông, mương, tiêu thoát của Hà Nội đều đang ở trong tình trạng bị ô nhiễm. Một số nơi còn bị nhiễm bẩn hữu cơ và chất rắn lơ lửng, đặc biệt là vào mùa khô.

Hà Nội: Tất cả các dòng sông đều bẩn

Có thể khằng định rằng cho đến thời điểm hiện nay hầu hết các con sông chảy trong nội thành và một số con sông ở ngoại thành Hà Nội đang lâm vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Tốc độ đô thị hóa, quy hoạch xây dựng thiếu đồng bộ, cộng với sự thiếu ý thức của người dân sống gần các con sông đã tạo ra sự ô nhiễm nặng nề. Chưa cần nói đến chuyện phải update dữ liệu, số liệu – vì chúng ta có thể nhận thấy ngay bằng trực giác về màu nước của một số con sông được “liệt” vào mức độ ô nhiễm tiêu biểu…

Sông Tô Lịch là nơi tiếp nhận chính nước mưa và đủ loại nước thải chưa qua xử lý của thành phố (nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp…) và cả nước bẩn từ sông Kim Ngưu, sông Lừ nhập vào. Con sông thơ mộng ngày xưa ấy nay đã thành một dòng nước thải nồng nặc mùi xú uế. Màu nước quanh năm suốt tháng đen đục. Bị ô nhiễm nặng nhất là đoạn sông chạy dọc đường Láng xuống đến Ngã Tư Sở: Hàng ngày đoạn sông này vẫn phải hứng chịu một khối lượng lớn nước thải của rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp, các chợ quanh đó đổ ra. Ngoài gần chục nhánh sông nhỏ từ các phường trong nội thành, còn có nước thải của các hộ dân sinh sống ở các phường ngày đêm chảy ì ạch, len lỏi qua các đường ống dẫn nước chằng chịt đổ ra sông.

Con sông Sét, đoạn chảy qua phường Bách Khoa và Trương Định cũng chịu chung cảnh “hấp hối” như sông Tô Lịch. Suốt một đoạn sông dài này phải len lỏi, chảy qua 2, 3 khu trường đại học lớn và hàng loạt các khu chợ cho nên lượng rác thải, nước thải ở các khu tập thể, khu chợ được coi là…“vô địch” đã được đổ vào lòng sông. Gọi là sông chứ thực ra đây chỉ như một kênh nước nhỏ bởi nó đã bị những người dân thiếu ý thức sống quanh đó vô tư xả rác xuống lòng sông. Sau nhiều năm, lòng sông đã dần trơ ra, nước thì cạn, màu đen đặc quánh, lúc nào cũng bốc mùi ôi thối nồng nặc…

Gắn bó gần hết cuộc đời bên bờ sông Nhuệ, cụ bà Lê Thị Hà, trú tại thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm chưa bao giờ thấy nước sông Nhuệ đáng sợ như vài năm trở lại đây. Cụ chẳng biết nước ô nhiễm từ những đâu, chỉ thấy ngay tại trung tâm thị trấn, có một cơ sở lớn chuyên nghiên cứu và sản xuất hóa học. Nước và các phế thải khác của cơ sở này đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân nơi đây. Chính quyền thị trấn góp ý mãi nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Cứ vào mùa cạn và những ngày hè oi bức, nước sông khó tiêu thoát và bốc mùi hóa chất…

Giải pháp nào…?

Các số liệu thống kêcho biết, lượng nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường của Hà Nội đến nay mới chỉ đạt khoảng 6% tổng lượng nước thải của thành phố. Ngoài ra, nước thải sản xuất công nghiệp, nước thải của các bệnh viện và các cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất ô nhiễm phần lớn chưa qua xử lý cũng là yếu tố trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước của các con sông.

Các thông tin cập nhật cho biết, toàn thành phố mới có 40 cơ sở sản xuất công nghiệp, 29 cơ sở dịch vụ và 5 bệnh viện có trạm xử lý nước thải. Và con số các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường thành phố đã xấp xỉ con số 500. Một trong những chất thải gây ô nhiễm nặng nhất là nguồn nước thải. Điều đáng nói là đến tận thời điểm này, vẫn chỉ có hơn 10% trên tổng số những nhà máy có lượng nước thải lớn là có trạm xử lý, mặc dù cũng không đạt tiêu chuẩn quy định.

Một nguyên nhân nữa cũng được coi là thủ phạm gây ra tình trạng ô nhiễm đó là ý thức vô trách nhiệm của không ít những người dân sinh sống gần các con sông đó. Ở rất nhiều điểm bên cạnh các con sông chảy qua như khu vực Cống Mọc ở phường Nhân Chính – Thanh Xuân, hay khu vực phường Kim Giang, Trương Định, Kim Ngưu, Bách Khoa… chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những đống rác thải, phế thải to đùng của người dân đổ vô tội vạ xuống sông.

Bác Trương Thị Mận – Một người bán hàng nước gần khu vực phường Kim Giang thở dài cho biết: “Ý thức của một số hộ dân sống gần khu vực này và nhất là ý thức của tầng lớp thanh niên hiện nay là rất kém. Mặc dù xe của công ty môi trường hàng ngày vẫn đi thu gom rác thải nhưng những hộ dân ở đây cứ vô tư đổ rác thải ra mé bờ sông… Thế là những thứ rác thải ấy chỉ chờ có mưa xuống là hòa cùng vào dòng nước chảy đi… rồi thối rữa, ô nhiễm… thật kinh khủng!…”.

Đã đến lúc chúng ta cần phải hành động ngay để cứu các con sông này. Trước tiên là cần có sự liên kết giữa các ban ngành chức năng có liên quan mà ở đây là sở Tài Nguyên & Môi Trường Nhà Đất và Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường thành phố Hà Nội. Điều quan trọng là cần tìm ra những giải pháp tích cực để cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các con sông. Bên cạnh đó Công ty môi trường đô thị cũng cần có những chiến dịch nạo vét, tu sửa, thu gom rác thải…Và cần nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho những hộ dân sống gần các con sông về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ nguồn nước.