Không đánh đổi dự án FDI với môi trường

ThienNhien.Net – Cùng với việc xác định được thủ phạm gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, đã có những lỗ hổng trong việc thẩm định, giám sát dự án đầu tư, trong đó có thẩm định, giám sát những tác động tới môi trường. Điều này cũng đặt ra vấn đề xem xét, kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn các dự án đầu tư với những ngành sản xuất có khả năng cao trong việc gây ô nhiễm.

Từ kinh nghiệm bài học Formosa, các cơ quan chức năng cần cân nhắc, chặt chẽ trong quá trình phê duyệt dự án để tránh được những thảm họa về môi trường

 Quản lý lỏng lẻo 

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư:

“Những dự án có ảnh hưởng môi trường và các yếu tố bất lợi khác phải hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn và yếu tố này phải được đặt lên hàng đầu. Môi trường phải được đặt lên đầu tiên, bên cạnh đó là yếu tố an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Ít và tinh còn hơn nhiều mà không có chất lượng”.

Cuối tháng 6-2016, trong khi sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung chưa tìm được thủ phạm thì cơ quan chức năng đã quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH giấy Lee & Man (tỉnh Hậu Giang) sau khi đã có nhiều phản ánh về việc ô nhiễm môi trường do công ty này gây ra đang bức tử sông Hậu. Ngược dòng thời gian, đã có khá nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường do các dự án FDI ở các ngành sản xuất như sắt thép, giấy, dệt nhuộm, mỳ chính, điện… gây ra. Liệu chúng ta đã có lỗ hổng trong quản lý, dẫn đến đánh đổi môi trường cho mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế? Liệu sau Formosa, thảm cảnh về môi trường có tiếp diễn không khi hiện nay đã và đang có hàng loạt dự án tương tự được triển khai trên cả nước?

Trên thực tế, sau khi sự cố môi trường xảy ra tại Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng cũng đã thừa nhận những lỗ hổng liên quan đến thẩm định dự án cũng như giám sát việc vận hành dự án này. Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 1-7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được đối với ngành công nghiệp gang thép với lượng nước thải lớn, cần phải tính toán xây dựng như thế nào cho hợp lý và phải bao quát được các thông số. Trong giai đoạn dự án vận hành thử nghiệm cũng chưa có cơ quan nào vào giám sát và đây chính là lỗ hổng về mặt pháp luật trong quá trình thẩm định giai đoạn vận hành, dẫn đến không kiểm soát được ngay từ đầu các chất nguy hiểm.

Không chỉ ở khâu giám sát dự án khi đi vào vận hành, những sự cố môi trường liên quan đến các DN FDI trong thời gian qua cho thấy, công tác “tiền kiểm” của chúng ta đang có vấn đề. Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, chúng ta có quá nhiều lỏng lẻo trong quản lý. Lấy dẫn chứng việc phê duyệt cho phép dự án Formosa đặt nhà máy tại Vũng Áng, ông Đặng Hùng Võ cho rằng đáng lẽ chúng ta cần xem xét lịch sử của công ty này đã từng gây ra nạn ô nhiễm môi trường đến đâu thì chúng ta lại chào mời hơi quá mức cần thiết, thiếu suy xét chi tiết, cụ thể. Hơn nữa, khi đi vào thực hiện, đánh giá tác động môi trường và giải pháp môi trường là vấn đề lớn, nhưng chúng ta lại có biểu hiện quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm và đây là kinh nghiệm rất lớn. Ông Võ cho biết, trước đó, phương án xả thải của dự án này là xả ra sông Quyền sau đó mới tiếp tục có thể cho ra biển hay không cho ra biển. Tuy nhiên, sau đó một Thứ trưởng của Bộ TNMT lại ký quyết định đồng ý cho phép Formosa xả thải ra biển, trong khi chúng ta biết rằng quy trình phê duyệt đánh giá tác động môi trường và giải pháp môi trường là quy trình rất chặt chẽ, cần phải lấy ý kiến người dân địa phương, ý kiến chuyên gia, hội đồng thẩm định nhiều bậc nhiều lần…

Phân luồng để kiểm soát dự án

Sự cố đáng tiếc về môi trường từ Formosa khiến chúng ta giật mình vì đã có một thời gian dài chúng ta “trải thảm đỏ” để mời gọi các dự án đầu tư, “bùi tai” với những hứa hẹn và dành cho họ những ưu đãi, thậm chí vượt khung mà chưa soát xét kỹ những tác động tiêu cực do các dự án này mang lại. Không phủ nhận những hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư nước ngoài, song sự trả giá về ô nhiễm môi trường, kéo theo thiệt hại về kinh tế cho thấy chúng ta đã vội vàng khi tiếp nhận các dự án này. Vì vậy, theo các chuyên gia, từ kinh nghiệm bài học Formosa, đã đến lúc chúng ta cần hết sức cân nhắc, chặt chẽ trong quá trình phê duyệt dự án để tránh được những thảm họa đáng tiếc.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT, chúng ta phải soát xét lại hệ thống quy trình cấp phép, siết chặt khâu cấp phép. Nền kinh tế chúng ta hiện nay không phải như 20 năm trước mà đã lớn mạnh hơn nhiều, do đó phải chú ý đến cả sự lấn át của DN FDI với các DN trong nước.

Về việc thẩm định, lựa chọn dự án đầu tư, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng, tới đây những ngành sản xuất liên quan đến ô nhiễm môi trường nặng nề như thép, giấy, dệt nhuộm.. cần kiểm soát chặt chẽ hơn. Hiện một số địa phương vì không kiểm soát được nên họ không chấp nhận những dự án FDI ở những lĩnh vực này vào địa phương họ, như  vậy là hơi cực đoan nhưng nó phản ánh hệ thống kiểm soát của chúng ta có vấn đề.  Ông Nguyễn Văn Toàn cũng cho rằng, cần áp dụng phương pháp kiểm soát giống như ngành Hải quan (có luồng Xanh, luồng Đỏ và luồng Vàng) khi thẩm định, lựa chọn dự án FDI. Với những quốc gia, DN có tiêu chuẩn môi trường thấp hoặc có lai lịch gây ô nhiễm môi trường thì sẽ phân vào luồng Đỏ, kiểm tra kiểm soát rất chặt chẽ từ khi thẩm định dự án, triển khai dự án cũng như khi đi vào vận hành. Ngược lại, với các nhà đầu tư làm ăn chân chính, đến từ các quốc gia có tiêu chuẩn môi trường cao, chưa từng gây ra ô nhiễm môi trường… thì nên mở rộng cửa, kiểm soát họ với mức độ khác.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng hiện nay là phải rà soát lại toàn bộ quá trình quản lý phát triển của Việt Nam theo xu hướng phát triển bền vững. Trước hết, cần phải xem lại câu chuyện quy hoạch. GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, chúng ta hiện có 30 khu kinh tế ven biển, nhưng cần làm rõ chúng ta sẽ làm gì với từng khu công nghiệp, ngành công nghiệp gì bố trí ở đâu. Ví dụ, với công nghiệp thép, gần như trên thế giới không có nơi nào bố trí ngay ven biển, ven sông. “Cần xem lại cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát  trong đó có giám sát của các cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và giám sát trực tiếp của người dân. Tôi cho rằng đây là cơ chế mà chúng ta đang làm rất yếu và cần đẩy mạnh hơn nữa. Hơn nữa, trong phê duyệt dự án, cần xem xét việc sử dụng công cụ đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường như thế nào, điều này rất quan trọng”, GS. Đặng Hùng Võ kiến nghị.