Ô nhiễm không khí đe dọa các đô thị

Theo một bản nghiên cứu mới công bố hôm 5/3, Ấn Độ là đất nước có tới 7 trong tổng số 10 thành phố có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. Trong khi đó, nhiều thành phố của Trung Quốc có chất lượng không khí được cải thiện đáng kể.

7/10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều thuộc về Ấn Độ.

Ấn Độ vẫn lọt top

Gurugram, một vùng ngoại ô của thủ đô New Delhi (Ấn Độ) hiện là thành phố ô nhiễm nhất thế giới – theo báo cáo của 2 Tổ chức Hòa bình Xanh và AirVisual. Báo cáo chỉ ra rằng, chỉ số ô nhiễm không khí trung bình của thành phố này là 135,8 – gấp gần 3 lần so với mức an toàn theo tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đưa ra.

Trong 2 tháng của năm 2018, chỉ số AQI (đo lường bằng mức độ tập trung các loại hạt siêu vi độc hại có tên là PM2.5) ở Gurugram là 200. Theo EPA, đây là mức độ “cực kỳ nguy hiểm” và cảnh báo rằng “mọi người có thể hứng chịu nhiều triệu chứng nghiêm trọng về sức khỏe” nếu tiếp xúc với không khí ở mức độ này.

Theo báo cáo mới, ô nhiễm không khí sẽ cướp đi sinh mạng của khoảng 7 triệu người lớn trên toàn thế giới trong năm tới, và ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu.

“Ô nhiễm không khí sẽ cướp đi sự sống và tương lai của chúng ta”- Yeb Sano, Giám đốc điều hành tổ chức Hòa bình Xanh khu vực Đông Nam Á, cho hay- “Ngoài tổn thất về nhân mạng, ô nhiễm không khí ước tính gây tổn thất 225 tỷ USD do nhân lực giảm, và hàng nghìn tỷ USD trong chi phí thuốc men. Nó ảnh hưởng tới cả sức khỏe và ví tiền của chúng ta”.

Vấn đề ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Nam Á. 18 trong tổng số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, trong đó có cả những thành phố đông dân bậc nhất như Lahore, Delhi và Dhaka – lần lượt xếp thứ 10, 11 và 17 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trong năm ngoái.

Biến đổi khí hậu “đang tạo ra nhiều hiệu ứng đối với ô nhiễm không khí, làm tình trạng này trầm trọng hơn bằng cách thay đổi các điều kiện khí hậu, làm tăng mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng”- báo cáo mới cho hay, thêm rằng các nhân tố khác ảnh hưởng đến ô nhiễm còn có tình trạng nóng lên toàn cầu, đốt nhiên liệu hóa thạch…

“Điều dễ nhận thấy là, chính việc đốt nhiên liệu hóa thạch – gồm than đá, dầu khí và khí tự nhiên – đã làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm” – ông Sano nhận định.

Vấn đề toàn cầu

Dù các quốc gia ở khu vực Nam Á, và cả Trung Quốc, chịu ảnh hưởng lớn nhất, nhưng ô nhiễm không khí luôn là một vấn đề toàn cầu. Trong số 3.000 thành phố được đo đạc trong báo cáo, khoảng 64% có mức ô nhiễm không khí vượt quá ngưỡng an toàn về PM2.5 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra.

Được biết, PM2.5 bao gồm các nhân tố ô nhiễm như Sulfate, Nitơ và Carbon đen…có thể thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch ở người. Tiếp xúc với các loại hạt này có thể khiến con người bị mắc các chứng rối loại tim mạch và tổn hại phổi; ảnh hưởng tới chức năng nhận thức và miễn dịch.

Mỗi thành phố ở khu vực Trung Đông và châu Phi có tên trong bản báo cáo năm nay đều có chỉ số PM2.5 vượt quá ngưỡng an toàn của WHO. 99% thành phố ở Nam Á, 95% thành phố ở Đông Nam Á và 89% thành phố ở Đông Á cũng trong tình trạng tương tự.

“Do có nhiều thành phố không công bố thông tin mới cập nhật về chất lượng không khí, nên con số thành phố đưa ra trong bản báo cáo này chắc chắn thấp hơn so với thực tế”- Báo cáo đưa ra cảnh báo.

Trong năm qua, điểm sáng hiếm hoi chính là Trung Quốc. Đất nước này từng là “điểm đen” của vấn đề ô nhiễm không khí, nhưng báo cáo mới chỉ ra rằng mức độ tập trung các hạt gây ô nhiễm ở các thành phố của nước này đã giảm 12% trong khoảng năm 2017-2018, trong khi thủ đô Bắc Kinh giờ thoát khỏi danh sách 100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Thành phố ô nhiễm nhất của Trung Quốc trong năm 2018, theo báo cáo mới, chính là Hòa Điền, nằm ở phía Tây nước này. Thành phố Bảo Định, Hà Bắc từng có thời điểm trong top những nơi ô nhiễm nhất thế giới giờ ở vị trí thứ 33.

Nhưng trong khi Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện dần chất lượng không khí, thì nhiều quốc gia lân cận lại chứng kiến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng, điển hình là Indonesia, Thái Lan. Tháng 1 vừa qua, chính quyền Bangkok đã phải triển khai nhiều máy bay có khả năng tạo mưa để giảm bớt ô nhiễm ở thành phố này.