Tây Nguyên: Hàng nghìn ha cây trồng trước nguy cơ hạn hán

Chiều 1/3, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh dẫn đầu đã có buổi làm việc tại tỉnh Gia Lai, kiểm tra công tác phòng, chống hạn hán và bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh và đoàn công các của Tổng cục Thủy lợi đi kiểm tra hồ chứa nước Vụ Bổn, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk đang bị thiếu nước nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 28/2, đoàn công tác đã làm việc với Sở NN-PTNT Đắk Lắk.

Sau khi kiểm tra trực tiếp tại hồ Kanak thuộc công trình Thủy điện An Khê – Kanak, tỉnh Gia Lai, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, trong bối cảnh lượng nước giảm như hiện nay, ngành nông nghiệp và ngành điện cần phối hợp hiệu quả trong việc điều tiết nước; cần xả nước theo nhu cầu phía hạ du, tuy nhiên, phải tính toán hợp lý để giảm ảnh hưởng đến các công ty thủy điện. Song, khi xảy ra tình trạng cạn kiệt nước, các hồ thủy điện phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, tỉnh Gia Lai phải nắm chắc dự báo tình hình mưa, hạn để có phương án xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, tỉnh cần khoanh vùng khu vực có khả năng cao xảy ra hạn hán, trên cơ sở nguồn nước để khuyến cáo người nông dân trong việc canh tác nông nghiệp, tránh tình trạng thiệt hại do hạn hán; ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, sau cùng mới đến lúa.

“Riêng với các hồ thủy điện Kanak, từ tháng 1/3 – 20/3, lượng nước còn nhiều, ban ngày xả 6 m3/s, ban đêm 4 m3/s; từ 21/3 – 30/4, lượng nước ít, cần phải giảm xuống lượng xả còn 4m3/s. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể, cần điều chỉnh lượng nước xả, thậm chí có thể giảm lượng nước xả hơn nữa. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phải làm việc với 8 huyện, thị xã của tỉnh thuộc vùng hạ du sông Ba để có phương án sử dụng nước một cách có hiệu quả”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh nhấn mạnh.

Tại Gia Lai, đến cuối năm 2018 có 344 công trình thủy lợi kiên cố; trong đó, có 113 công trình hồ chứa, 189 công trình đập dâng, 42 công trình trạm bơm với năng lực thiết kế tưới gần 55.000 ha lúa, rau màu và cây công nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài và không có mưa, sẽ có hơn 1.200 ha diện tích cây trồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh có khả năng thiệt hại.

Nguy cơ hạn hán rất cao tại Đắk Lắk

Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết: Hiện nay các công trình thủy lợi của tỉnh có tổng dung tích khoảng 650 triệu m3, đáp ứng tưới  trực tiếp cho 144.575ha. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2018 cơ bản đạt cao trình thiết kế, tuy nhiên một số hồ tại phía Đông của tỉnh không đạt do lượng mưa thấp.

Đến thời điểm hiện tại mực nước tại các hồ chứa chỉ còn khoảng 50% so với dung tích thiết kế, đặc biệt đã có 9 hồ đập cạn kiệt. Do vậy dự báo đến cuối vụ đông xuân, các huyện Ea Kar, Krông Bông, Krông Păk, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana có thể xuất hiện hạn hán trên diện rộng.

Theo ông Dũng, trong vụ đông xuân năm nay người dân đã gieo sạ vượt kế hoạch lên tới 7.000ha (kế hoạch gieo trồng 32.000ha nhưng thực tế người dân xuống giống 39.000ha) nguyên nhân là do cuối vụ một số vùng có mưa nên người dân đã tự ý mở rộng diện tích, do vậy cuối vụ nguy cơ hán hán rất cao. Ngoài ra diện tích cà phê toàn tỉnh là 204.000ha nhưng mới chủ động nước được trên 56.000ha. Nếu hạn hán kéo dài thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến loại cây trồng này của tỉnh.

Trước nguy có hạn hán có thể xảy ra tại nhiều địa phương của Đăk Lăk, ông Nguyễn Văn Tỉnh đánh giá cao tỉnh Đăk Lăk đã có chỉ đạo các sở ban ngành và các địa phương chủ động phương án chống hạn ngay từ đầu vụ.

Với thực tế các công trình thủy lợi mới đáp ứng được khoảng 20% diện tích tưới cho cây trồng, còn lại 80% lấy nước từ ao hồ song suối và nước ngầm, do vậy để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, ông Tỉnh đề tỉnh tập trung sửa chữa, xây dựng các công trình mới, hoàn thiện hệ thống kênh mương để đưa nước về đồng ruộng.

“Bên cạnh đó Sở NN-PTNT phải thường xuyên bám sát tình hình, đặc biệt đối với những công trình thủy lợi giao cho địa phương quản lý thì chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thường xuyên đến hiện trường để xem tình hình nguồn nước để giúp người dân chống hạn. Từ nay đến hết mùa khô phải chủ động khoanh vùng hạn, ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, nước phục vụ chăn nuôi, sau đó mới  đến các loại cây trồng và khi hạn hán xảy ra thì huy động tổng lực hệ thống chính trị vào cuộc để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại. Đối với những vùng thiếu nước tưới thì tuyệt đối không trồng lúa mà chuyển sang các loại cây trồng cạn có giá trị cao hơn đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng các biện phát tưới tiết kiệm, tiên tiến…”, ông Tỉnh nói.