TPHCM sẽ cấm xe máy như thế nào?

Nếu đề án được thông qua, TPHCM sẽ hạn chế và tiến tới cấm môtô, xe máy 2-3 bánh tại một số khu vực trung tâm như: quận 1, 3, 5, 10, Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm… vào giai đoạn 2025-2030.

Hiện TPHCM có khoảng 8-8,5 triệu xe máy.

Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng Sở GTVT TPHCM tổ chức buổi phản biện đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố”.

Tại hội nghị, chuyên gia, nhà khoa học bày tỏ sự đồng tình với ý nghĩa, mục tiêu của đề án, song băn khoăn về các giải pháp của đề án, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn người dân thành phố sử dụng phương tiện cá nhân và chủ yếu là xe gắn máy.

Theo đề án, hiện nay số liệu phương tiện tiếp tục phát triển quá sức chịu đựng cửa hạ tầng, hiện TPHCM có khoảng 8-8,5 triệu xe máy, ôtô từ 300.000 – 350.000 chiếc.

Trong bối cảnh đó, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) được xem là một trong các yếu tố quyết định hạn chế lưu thông xe cá nhân lại có chiều hướng thụt lùi.

Mạng lưới xe buýt hiện nay chưa hợp lý, phương tiện không đa dạng, sản lượng vận chuyển liên tục suy giảm, hiện chỉ đáp ứng được khoảng 4,3% nhu cầu giao thông đô thị.

Vì vậy, hạn chế nhu cầu lưu thông bằng phương tiện cá nhân là cần thiết và chỉ triển khai khi hệ thống VTHKCC cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Từ đó, đề án của Sở GTVT nêu mục tiêu: Đến năm 2020, thị phần VTHKCC toàn TPHCM đảm nhận 15 – 20% nhu cầu di chuyển của người dân. Đến năm 2025 đạt 20,5 – 26,6% và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên 29,3 – 36,8%.

TPHCM muốn kéo người dân đi xe buýt để hạn chế xe cá nhân

Để thực hiện kịch bản nêu trên, đề án đề xuất 36 giải pháp được sắp xếp theo từng nhóm, lộ trình thực hiện theo 3 giai đoạn: từ nay đến năm 2020, 2021-2025 và 2026-2030.

Việc triển khai được sắp xếp thành từng nhóm theo nguyên tắc “kéo – đẩy”, tức kéo giảm lượng người sử dụng phương tiện cá nhân và đẩy mạnh hành khách tham gia phương tiện công cộng, bảo đảm 2 nhóm giải pháp có thể tiến hành song song để đạt hiệu quả cao nhất.

Đề án cũng khẳng định việc phát triển VTHKCC là điều kiện để hạn chế xe cá nhân và thực hiện đồng bộ với các giải pháp hành chính, kinh tế trong việc kiểm soát xe cá nhân.

Trong nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, việc hạn chế lưu thông môtô, xe máy sẽ được thực hiện theo lộ trình.

Đầu tiên là phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực tại trung tâm TP (các quận 1, 3, 5, 10), khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, sau đó mở rộng ra các khu vực lân cận.

Đến giai đoạn 2025-2030 sẽ ngưng hoạt động của môtô, xe máy ở một số quận trung tâm.

Tuy nhiên, điều kiện phải đạt được trước đó là hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe máy… phải bảo đảm nhu cầu đi lại và hoạt động VTHKCC có cự ly tiếp cận trung bình đối với hành khách dưới 500 m.

Cùng với việc hạn chế môtô, xe máy, đề án cũng nêu rõ các giải pháp thực hiện song song là giai đoạn 2020-2025, TP sẽ thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm, đồng thời kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với tất cả phương tiện để phân vùng hoạt động theo các mức điều kiện an toàn và thu phí ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, hạn chế ôtô đăng ký mới, xe có biển số tỉnh lưu thông vào trung tâm và phát triển xe đạp, xe máy điện công cộng… để kết nối hỗ trợ các phương thức công cộng khác.