Các dòng sông thế giới đang bị đe dọa

Chúng ta sẽ nghe nhiều hơn về các dòng sông trong những năm tới. Hầu như tất cả các tuyến đường thủy mà nền văn minh của chúng ta hình thành từ đó – và hiện nay vẫn còn phụ thuộc vào – đang bị đe dọa trong Kỷ Nhân Sinh, từ sông Nile và Euphrates đến sông Hằng, sông Dương Tử và sông Murray.

Các nhân vật phản diện chính trong lời than thở của Brian Eyler về dòng sông quan trọng nhất Đông Nam Á – Last Days of the Mighty Mekong (Những ngày cuối cùng của sông Mê Công) – không phải là những người gây ô nhiễm công nghiệp hay các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch đã góp phần làm biến đổi khí hậu và tan chảy sông băng trên cao nguyên Tây Tạng mà là những người xây đập thủy điện ở Trung Quốc và Lào.

Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson (Stimson Center) ở Washington kết luận kể cả về mặt sinh thái và thương mại thì thủy điện đang nhanh chóng trở thành một “công nghệ lỗi thời”.

Eyler đi dọc sông Mê Công, gặp gỡ những người sống trên sông và không nghi ngờ gì về việc những con đập cản trở sự di cư của những loài cá khổng lồ cung cấp phần lớn chất đạm cho người Campuchia. Hồ Tonle Sap của Campuchia được nuôi dưỡng trong năm thiên niên kỷ qua bởi một dòng nhánh sông Mê Công có thể chảy ngược lên xuống theo nhịp gió mùa của dòng chính, tạo ra nửa triệu tấn cá mỗi năm – nhiều hơn tất cả các hồ và sông ở Bắc Mỹ.

Sẽ thật may mắn nếu chúng ta được thấy lại những con cá tra dầu Mê Công mà ngư dân Thái Lan bắt được vào năm 2005 dài tới 2,7 m, nặng 293 kg và là loài cá nước ngọt lớn nhất từng được ghi nhận.

Sông Mê Kông (Ảnh: The National)

Trung Quốc, vốn không ngần ngại khai thác cho riêng mình thượng nguồn của các con sông lớn châu Á bắt nguồn ở Tây Tạng, đã vận hành 10 con đập trên thượng nguồn sông Mê Công và thêm 9 đập nữa sẽ hoàn thành vào năm 2030. Lào lên kế hoạch cho 9 con đập trên dòng chính của sông Mê Công và thêm 130 đập ở các dòng nhánh như là một phần của nỗ lực xuất khẩu điện và trở thành “cục pin của Châu Á”.

Nỗi ám ảnh của loài người với các con đập không phải là mới. Trong cuốn Unruly Waters (Những dòng nước bất kham), Sunil Amrith, giáo sư nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Harvard, xem xét vấn đề nan giải từ góc độ lịch sử, nghiên cứu tỉ mỉ các nỗ lực của con người từ thời thuộc địa và hậu thuộc địa để kiểm soát các dòng sông trong khu vực. Amrith cho biết sau khi giành độc lập vào năm 1947, Ấn Độ đã xây dựng 3.500 đập lớn, còn Trung Quốc là 22.000. Và ở khu vực sông Mê Công thuộc Đông Nam Á, như Eyler thừa nhận, “người ta chưa bao giờ khỏe mạnh hơn, có học thức hơn hoặc giàu có hơn so với ngày nay”.

Tuy nhiên, các con đập gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho các dòng sông cũng như vai trò trong việc lưu thông nước và độ phì nhiêu của đất mà bây giờ chúng ta chỉ mới bắt đầu coi trọng, đó là lý do tại sao (cùng với thực tế là các địa điểm tốt nhất cho thủy điện đã bị chiếm hữu hết) các nước giàu và một số quốc gia đang phát triển nói không với việc xây dựng đập mới.

Ngoài ra, việc khai thác quá mức nước cho nông nghiệp phục vụ dân số thế giới ngày càng tăng cũng làm cạn kiệt hàng ngàn con sông ở châu Á, trong khi sự lắng đọng phù sa sau các bức tường đập, cùng với tình trạng mực nước biển dâng cao, đe dọa các vùng đồng bằng sông màu mỡ ở sông Hằng, sông Ấn và sông Mê Công qua các hiện tượng xói mòn, sụt lún và xâm nhập mặn.

Một vấn đề đương đại cũng đáng để nghiên cứu thêm là sự căng thẳng giữa các quốc gia thượng nguồn xây đập – ở châu Á thường là Trung Quốc vì nước này kiểm soát Tây Tạng – và các quốc gia hạ nguồn phụ thuộc. Eyler đã sống nhiều năm ở Côn Minh, Trung Quốc, trích dẫn nhiều người và nghiên cứu học thuật phê phán chính sách nước của Trung Quốc nhưng trong cuốn sách chủ yếu mang tính giai thoại của mình, ông khá miễn cưỡng phân tích các chính sách này một cách chi tiết hoặc đưa ra kết luận về những gì Trung Quốc thực sự muốn làm.

Cuốn Tan chảy ở Tây Tạng của Michael Buckley xuất bản 2014 cáo buộc Trung Quốc “hủy diệt sinh thái” – nhưng mức độ nghiêm trọng và đa dạng của những mối đe dọa đối với các con sông mà hàng trăm triệu người Trung Quốc, Ấn Độ và những người châu Á khác phụ thuộc cho thấy rằng cần đi và nghiên cứu nhiều hơn nữa dọc theo các dòng sông của thế giới.

Nhật Anh (Theo ft.com)

Nguồn: