92 con cá heo Irrawaddy cuối cùng ở Mê Công có thể không sống sót

Các chuyên gia lo ngại rằng cá heo sông Mê Công không đủ khả năng tồn tại trong quá trình hiện đại hóa của Campuchia khi một con đập mới được lên kế hoạch.

Tại phòng bán vé xem cá heo, có một tờ áp phích rách nát dán trên tường kêu gọi độc giả cứu cá heo – một phần của “di sản thiên nhiên tuyệt vời của Campuchia”.

Tờ áp phích cho rằng “xây đập sẽ phá hủy sinh cảnh” và liệt kê các mối đe dọa đối với cá heo, bao gồm cả ô nhiễm và lưới rê (lưới hình chữ nhật thả chắn đường di chuyển của cá hoặc thả chắn ngang dòng chảy – ND).

Cá heo Irrawaddy là loài cực kỳ nguy cấp. Nhóm lớn nhất trong số năm quần thể còn lại sống ở đây, trên một đoạn sông Mê Công gần Kratie thuộc phía đông bắc Campuchia.

Chính phủ Campuchia và WWF ước tính hiện có 92 con cá heo sống ở đó – một sự gia tăng nhẹ trong đà suy giảm dần đều so với con số 200 con kể từ lần ước tính đầu tiên vào năm 1997.

Chúng nổi lên như những chiếc tàu ngầm khi mặt trời lặn, biến bầu trời thành màu đỏ và vàng. Chúng phụt nước qua lỗ phun, nghe như những con ngựa bất kham.

Nhiễu loạn tiếng ồn vẫn tiếp diễn đến ngày nay khi những chiếc thuyền du lịch đông nghịt trên mặt sông nơi quần thể cá heo ở Kratie kiếm ăn.

“Khi nhìn thấy thuyền, cá heo sẽ lao vù đi!”, lái thuyền Sun Kung bắt chước một con cá heo đang bay lên.

Một số hướng dẫn viên du lịch hiện giờ coi chèo thuyền kayak như một sự thay thế an toàn hơn.

Dieb Socheat, được biết đến với cái tên “Lucky”, sở hữu một công ty cung cấp tour bằng thuyền kayak ở Kratie.

“Khi tôi còn trẻ vào những năm 1980, mọi người đều có súng và chả ai bảo vệ cá heo,” anh nói. “Mọi người săn chúng bằng súng và thuốc nổ làm thức ăn và lấy dầu”.

Lucky cho biết sự gia tăng số lượng cá heo từ 80 đến 92 cá thể trong hai năm qua là do các chiến dịch nâng cao nhận thức của các NGO và chính phủ.

“Họ khuyến khích mọi người không ném thuốc nổ vào nước hoặc sử dụng lưới rê”.

Tuy nhiên, một số người vẫn sử dụng ắc quy trực tiếp trong nước để đánh cá bằng điện khiến Savuth Dong, Giám đốc Sở Môi trường của tỉnh Kratie, lo ngại.

“Chúng tôi đã tăng cường lực lượng bảo vệ sông”, ông nói. “Họ trông chừng những ngư dân vẫn đánh cá bằng điện, WWF cũng [tuần tra] một hoặc hai lần một tuần”.

Dong nói rằng Sở Môi trường Kratie đang thực hiện một chương trình khuyến khích mọi người “chỉ bắt cá để làm thức ăn” và tránh việc kéo lưới vét để bán cá. “Vì vậy, sẽ vẫn còn cá cho cá heo ăn”.

Nhưng theo các nhà phân tích, sẽ không có cá cho cá heo hoặc người dân địa phương nếu một con đập được xây dựng ở phía bắc Kratie.

Một con cá heo Irrawaddy, còn được gọi là cá heo sông Cửu Long, bơi trên đoạn sông thuộc làng Kampi ở tỉnh Kratie (Ảnh: Chor Sokunthea/Reuters)

Đập thủy điện Sambor hiện đang trong giai đoạn lập kế hoạch do liên doanh của chính phủ Campuchia và Công ty lưới điện Nam Phương Trung Quốc thực hiện.

Đập sẽ tạo ra một hồ chứa dài 82 km, rộng 18 km và chia đôi “cuộc di cư sinh khối cá có lẽ là lớn nhất trên hành tinh”, theo báo cáo của Viện Di sản Tự nhiên Hoa Kỳ (NHI), cơ quan được giao nhiệm vụ đánh giá các phương án thay thế đập.

Con đập có khả năng tạo ra 2.600 MW điện, vượt quá mức tiêu thụ hiện tại của cả nước Campuchia.

Điều này tạo ra thặng dư năng lượng cho xuất khẩu – một cỗ máy in tiền tốt cho quốc gia có thu nhập trung bình thấp này.

Tuy nhiên, sự gián đoạn đối với bãi đẻ của cá và “thu giữ hầu hết các trầm tích và chất dinh dưỡng duy trì và bổ sung địa mạo cho đồng bằng sông Cửu Long cũng như nuôi dưỡng lưới thức ăn”, có thể gây ra tác động tàn phá, báo cáo của NHI cho biết.

Sẽ có “sự suy giảm tích lũy khoảng 45% sinh khối có thể thu hoạch được ở phía dưới đập”. Còn đối với cá heo, “quần thể có thể bị tuyệt chủng cục bộ trên sông Mê Công”, báo cáo cho biết thêm.

Cá chiếm khoảng 20% khẩu phần ăn và 80% lượng protein động vật của Campuchia, theo WWF.

Đối với kinh tế – xã hội, thiệt hại ước tính từ đập Sambor và những con đập khác được lên kế hoạch ở Lào có thể sẽ lên tới hàng tỷ USD.

Neth Pheaktra, người phát ngôn của Bộ Môi trường, từ chối bình luận về đập Sambor.

Savuth Dong, người từng là ngư dân, chỉ có thể chờ đợi quyết định đưa ra từ cấp cao hơn.

“Con đập sẽ tác động đến cá và cá heo”, ông nói và cho biết thêm rằng mình thích cách khác để tạo ra điện hơn.

NHI đã đưa ra giải pháp thay thế cho đập Sambor bằng năng lượng mặt trời lên chính phủ Campuchia như một phần của báo cáo. Nhưng giám đốc Gregory Thomas nói rằng giải pháp bị chặn lại.

Các nhà đầu tư sẽ cần nhận được biểu giá cao hơn để bảo đảm cho khoản đầu tư vào nhà máy điện mặt trời, ông nói.

“Biểu giá hiện tại là 6,9 US cent mỗi kWh. NHI ước tính rằng việc bổ sung năng lượng mặt trời thì biểu giá sẽ tăng lên thành khoảng 7,5 cent”.

Và thứ hai, Electricite du Cambodge, cơ quan sẽ mua năng lượng từ các chủ sở hữu Trung Quốc, tỏ ra nghi ngại.

“[Họ] lo ngại về tác động của việc tích hợp năng lượng này đối với sự ổn định của lưới điện quốc gia”, Thomas nói.

Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia (MME) đang điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể ngành điện để Thủ tướng Hun Sen phê duyệt vào đầu năm 2019.

Giải pháp thay thế bằng điện mặt trời “có thể sẽ không nằm trong quy hoạch tổng thể sửa đổi đó”, Thomas nói thêm.

Victor Jona, Tổng giám đốc của MME, nói rằng chính phủ đang đưa ra “sự xem xét thích đáng các khía cạnh môi trường” liên quan đến đề xuất về đập Sambor.

“NHI đã đưa ra một khuyến nghị về năng lượng mặt trời thay thế cho con đập nhưng các nhà phát triển đập có những lập luận khác nhau. Chúng tôi sẽ cân nhắc nhu cầu phát triển và các quan ngại về môi trường.”

Thuật ngữ “phát triển” có thể có nghĩa rất khác ở Campuchia.

Các NGO và Liên hợp quốc đánh đồng thuật ngữ này với các giá trị dân chủ tự do như trao quyền cho phụ nữ, cải thiện giáo dục. Chính phủ và các nhà đầu tư coi đó là tạo cho Campuchia tài sản và lối sống như ở các quốc gia phát triển.

“Có một sự phân chia sâu xa giữa quản lý tài nguyên có trách nhiệm và giảm nghèo”, Courtney Work, Phó Giáo sư thuộc Khoa Dân tộc học tại Đại học quốc gia Chính trị, Đài Bắc nói. “Điều này gây tổn thất nặng nề cho cá heo nước ngọt và tất cả các thành viên phi nhân loại trong quần thể của chúng ta – vốn không được chúng ta đưa vào tính toán”.

Các lái thuyền ở Kratie tính tổng số chuyến trong ngày. Họ đã đưa 20 chuyến du khách ra sông xem cá heo. Bây giờ mùa mưa đã kết thúc.

Đàn cá heo đang trú ẩn trong một vài vực sâu dưới đáy sông khi mùa khô đến, đốt nóng bờ và làm đảo lộn dòng sông.

Nhật Anh (Theo Aljazeera.com)

Nguồn: