Liên minh Khoáng sản kiến nghị dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê và đóng cửa mỏ

Dựa trên kết quả nghiên cứu và khảo sát thực địa kết hợp tham vấn chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản, ngày 17/1/2019, Liên minh Khoáng sản gửi văn bản kiến nghị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng bộ, ban, ngành về việc dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê và đóng cửa mỏ.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, có trữ lượng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2009, Công ty sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập và bắt đầu thử nghiệm khai thác lộ thiên bằng thiết bị cơ giới, song do nhiều nguyên nhân nên từ năm 2011, hoạt động khai thác mỏ bị tạm dừng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Gần đây, Công ty TIC có kế hoạch xin Nhà nước cho phép tái khởi động việc khai thác mỏ sắt này. Tuy nhiên, dựa trên bằng chứng nghiên cứu và khảo sát thực địa kết hợp tham vấn các chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản, Liên minh Khoáng sản khẳng định việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê không chỉ đi ngược căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học mà còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về kinh tế, môi trường và xã hội.

Ảnh: PanNature

Về căn cứ pháp lý, Quyết định số 2427/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ nêu rõ “Quặng sắt: Triển khai thăm dò đối với các mỏ có tiềm năng tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Quảng Ngãi. Hoạt động khai thác phải gắn với địa chỉ sử dụng, phục vụ dự án sản xuất gang, thép trong nước, không xuất khẩu quặng sắt” (Điểm 4, Khoản b, Điều 1) và “Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản nhằm bảo vệ môi trường và không gây lãng phí tài nguyên”. Đặc biệt, Khoản 6 Điều 3 Luật Khoáng sản cũng nhấn mạnh “Nhà nước khuyến khích dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế – xã hội”. Đối với dự án mỏ sắt Thạch Khê, trong trường hợp mỏ được khai thác với sản lượng 8-10 triệu tấn/năm trong khi công nghệ luyện gang thép của Việt Nam vẫn còn lạc hậu và không thể tạo ra sản phẩm có giá trị cao thì sẽ gây lãng phí rất lớn, đặc biệt, nếu tiến hành xuất khẩu Thạch Khê do cung vượt cầu thì còn vi phạm điều cấm trong Chiến lược khoáng sản Việt Nam.

Về cơ sở khoa học, các bằng chứng nghiên cứu của Liên minh Khoáng sản và nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Bộ Tài nguyên & Môi trường đều khẳng định dự án tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về kinh tế, xã hội, môi trường.

Về rủi ro trong giữ ổn định bờ mỏ, do tầng đất phủ rất dày, được cấu thành từ cát bở rời nên khi mở moong khai thác lộ thiên, việc giữ ổn định bờ mỏ rất khó. Sau mỗi trận mưa, đặc biệt là mưa bão, những dòng chảy mặt lại cuốn trôi cát, sét xuống lấp moong mỏ, tạo nên những bãi bồi tích mới ở chân bờ mỏ hoặc cuốn ra biển, mặt đất bị biến dạng sâu làm mất cân bằng tự nhiên, gây tốn thêm kinh phí để nạo vét moong mỏ.

Về rủi ro chống ngập và tháo khô mỏ, toàn bộ thân quặng sắt của mỏ Thạch Khê đều nằm dưới mực nước ngầm của cồn cát và dưới mực nước biển, từ âm 40 m đến độ sâu hơn 500 m. Khi mở moong lộ thiên, nước ngầm từ xung quanh vận động về phía moong mỏ và nước do mưa tạo dòng chảy mặt đổ vào, làm cho moong mỏ lúc nào cũng chứa nhiều nước. Trong mùa mưa, nhất là vào thời kỳ mưa bão miền Trung, moong mỏ bị ngập sâu. Theo tính toán địa chất thủy văn, lượng nước mặt và nước ngầm chảy vào mỏ trung bình đến 3.171.800m3/ngày đêm, để thoát nước và tháo khô mỏ cần tốn nhiều kinh phí. Trong khi khai trường nằm sát biển, việc đổ thải nước ngọt ra biển với lưu lượng rất lớn như vậy sẽ góp phần giảm đáng kể các nguồn nước ngọt cấp cho sản xuất công-nông nghiệp và dân sinh trong toàn bộ khu vực.

Về rủi ro gặp hang động karst ngầm, kết quả Báo cáo địa chất kết quả công tác thăm dò mỏ sắt Thạch Khê – Nghệ Tĩnh năm 1985 (trang 206) đã phát hiện hang karst ở độ sâu âm 100 m tại dải đá hoa ở phía Đông trải rộng ra phía biển. Chính vì vậy, khả năng rất cao là các hang karst thông từ biển vào, gây ra hiện tượng nước biển chảy vào mỏ. Bên cạnh đó, Công ty TIC cũng chưa nghiên cứu và đo địa vật lý để xác định việc phân bố các đới nước ngầm hang karst, chưa đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn mỏ trong quá trình khai thác; chưa lập phương án cụ thể về các biện pháp phòng chống, ứng cứu sự cố trôi trượt, sạt lở nền tầng, ngập mỏ do mưa lớn, lũ, thâm nhập nước ngầm, nước biển dâng cao do bão (đặc biệt lưu ý khi có sự cố hang karst liên thông với biển) và các sự cố khác. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ bục nước khi khai thác quặng, dẫn đến hiểm họa chết người và hư hại thiết bị mỏ rất cao.

Về thảm họa môi trường do đổ thải ra biển, đất đá thải sẽ được đổ ra biển với tổng khối lượng 171.890.000 m3, tạo nên một bãi thải dọc bờ, từ đường đẳng sâu âm 10 m, đến bề mặt bãi có cao trình +25 m. Đây sẽ là bãi đất đá thải mỏ đổ ra biển lớn nhất Việt Nam. Tuy có xây đê bao tốn rất nhiều tiền nhưng liệu bãi thải này có thể chống chịu dòng hải lưu hướng Bắc – Nam, cùng với các cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào miền Trung có gió mạnh (cấp 13-14), sóng to (cao 5-6m); trong trường hợp bãi thải bị vỡ tràn ra biển thì có nguy cơ gây ra thảm họa môi trường lần thứ 2 (sau FORMOSA) trên vùng biển Hà Tĩnh và vùng biển lân cận.

Về rủi ro tiêu thụ quặng sắt, thị trường tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê hiện chưa có. Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh – nhà sản xuất thép rất lớn, cách mỏ Thạch Khê 40 km từ chối mua loại quặng này. Các công ty thép nhỏ trong nước thì không đủ sức tiêu thụ sản lượng 8-10 triệu tấn quặng/năm. Giá thành sản xuất cao, không có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, không có hợp đồng tiêu thụ quặng lâu dài, rất dễ bị ép giá và thua lỗ. Đây là rủi ro lớn nhất khi khai thác và tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê.

Đối với rủi ro về kinh tế mỏ, trước đây, nhiều Tập đoàn khai thác mỏ lớn trên thế giới đã vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê, trong đó có Mitsubishi (Nhật), Croup (Đức), Gensor (Nam Phi) trong giai đoạn những năm 1991 – 1997; Nga năm 2004 – 2007. Họ đã nghiên cứu bổ sung, khoan, lấy mẫu, đánh giá thân quặng, đánh giá mỏ Thạch Khê kết hợp phân tích tài chính và kết luận hàm lượng kẽm (Zn) trong quặng cao, chi phí tuyển luyện tốn kém hơn; điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình phức tạp, kinh phí khắc phục lớn, do đó, các tập đoàn đều rút lui, không đầu tư tiếp. Ngược lại, Công ty TIC Hà Tĩnh cho rằng hiệu quả kinh tế (NPV, IRR) của dự án Thạch Khê điều chỉnh được phê duyệt năm 2014 là khả thi. Tuy nhiên, đó là do TIC chưa tính hết các hạng mục đầu tư lớn khác như: chi phí đầu tư nhà máy nước, đầu tư cảng biển, đê chắn sóng với chiều dài hơn 9 km, đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, mở rộng khu vực giải phóng mặt bằng, lắp đặt các trạm quan trắc, chi phí đầu tư ứng phó các rủi ro nêu trên… Nếu tính đúng, tính đủ thì thì vốn đầu tư sẽ tăng cao rất nhiều và dự án Thạch Khê không có hiệu quả kinh tế.

Liên quan đến vấn đề môi trường do đổ thải, khối lượng chất thải từ “đại công trường” mỏ sắt Thạch Khê đổ ra môi trường rất lớn, gồm nước thải mỏ và đất đá thải. Do tầng đất cát phủ trên mỏ Thạch Khê rất dày nên lượng đất, đá thải rất nhiều. Trong giai đoạn 2009-2011, Công ty TIC đã bốc xúc đất phủ đem đổ 12,7 triệu m3 ra bãi thải phía Bắc, tạo thành quả đồi diện tích 125 ha, cao 50 m. Nếu tiếp tục khai thác thì sẽ tiếp tục đổ thải đạt đến cao trình 90 m, với tổng khối lượng chất thải là 194.970.000 m3. Bãi thải này gây ra vấn nạn bụi cát vào mùa khô và cát trôi, cát chảy vào mùa mưa, bồi lấp ruộng vường của cư dân địa phương.

Về vấn đề nhiễm mặn vùng ven biển Thạch Hà, khu vực mỏ sắt Thạch Khê phía Đông cách biển khoảng 550 m, phía Tây giới hạn bởi sông Hạ Vàng là sông nước lợ mặn. Đất đai chủ yếu là đất cát và cồn cát, trong đó tầng chứa nước ngầm ngọt có quan hệ cân bằng động với nước mặn bao quanh. Mực nước ngầm dao động từ mặt đất vào mùa mưa, hạ thấp đến âm 5 – 6m vào mùa khô. Người dân sinh sống và canh tác nông nghiệp nhờ vào nguồn nước ngọt từ cồn cát, được bổ cập do nước mưa vào 4 tháng mùa mưa. Từ khi Công ty TIC mở moong khai thác, liên tục đào sâu 20 – 40 m và bơm hút nước mỏ đổ ra biển, mực nước ngầm tại xã Thạch Đỉnh hạ thấp rất nhanh. Trên cơ sở khoa học dự báo rằng nếu đào moong sâu xuống hàng trăm mét, mở rộng biên mỏ gấp 4 – 5 lần và bơm hút tháo khô mỏ để khai thác quặng thì nước mặn từ biển Đông và từ phía sông Hạ Vàng sẽ xâm nhập vào và dần thay thế khối nước ngọt trong đất cồn cát, làm cho vùng đất ven biển Thạch Hà bị nhiễm mặn, cây lúa và rau màu không thể phát triển, người dân lâm vào cảnh không có đất canh tác và tình cảnh đói nghèo sẽ xảy ra.

Đối với nguy cơ hoang mạc hóa vùng cồn cát ven biển, trước kia, trên cồn cát tồn tại thảm thực vật tự nhiên bản địa, chủ yếu là cây tràm gió và lùm bụi cây có gai, thích nghi với điều kiện khô hạn, có tác dụng tốt là chống cát bay, cát trôi, đồng thời chống bốc hơi, giữ nước trong cồn cát để cung cấp cho cư dân phía nội đồng. Khi khai thác và tháo khô moong mỏ, khối nước ngọt cạn kiệt, đất đai bị nhiễm mặn, hệ sinh thái thực vật tự nhiên và cây trồng nông nghiệp sẽ tàn lụi dần và hệ sinh thái vốn có sẽ không còn tồn tại nữa. Hệ lụy tất yếu là vùng đất cồn cát ven biển Thạch Hà sẽ trở thành một vùng hoang mạc.

Về vấn đề tái định cư diện rộng, do khai thác lộ thiên quặng sắt Thạch Khê chiếm diện tích đất rất lớn nên cư dân của 6 xã thuộc huyện Thạch Hà buộc phải di dời đến các khu tái định cư. Tháng 10/2008 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt vốn tái định cư 3.478 tỷ đồng để di dời 3.950 hộ dân, bắt đầu đối với cư dân xã Thạch Đỉnh. Mỗi hộ dân nhận được tiền đền bù khoảng 1,0- 1,4 tỷ đồng và được cấp 300 m2 đất tại khu tái định cư, tuy nhiên các hộ không được cấp đất nông nghiệp để canh tác, cũng không thể chuyển sang ngành nghề khác. Vì thế, cuộc sống của người dân xã Thạch Đỉnh ngày càng khó khăn.

Đặc biệt, do khai thác mỏ sắt Thạch Khê trên diện tích rộng gồm 6 xã trong thời gian dài, gây tác động và rủi ro lớn nên chính quyền và cộng đồng địa phương Hà Tĩnh đều không ủng hộ dự án, thậm chí UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ cho dừng dự án khai thác Mỏ sắt Thạch Khê.

Nguồn: