Thách thức hiện thực hóa VPA/FLEGT – Kỳ 1: “Thần chú” VPA/FLEGT mở cửa các thị trường lớn

Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được ký kết vào tháng 10 vừa qua. Hiệp định được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực kinh tế – xã hội – môi trường, nổi bật là mở rộng thị trường xuất khẩu (XK), cải thiện thể chế về quản lý rừng, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam.

Cơ hội đẩy mạnh XK gỗ

Indonesia là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới đạt được bước cấp giấy phép FLEGT vào tháng 11/2016. Kể từ đó, trên 40.000 lô hàng gỗ có giấy phép FLEGT với giá trị trên 1,2 tỷ USD đã được XK sang EU. Bài học thành công của Indonesia cũng được kỳ vọng sẽ đến với Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia Tổ chức Forest Trends nêu quan điểm, VPA/FLEGT cốt lõi là nâng quản trị rừng, chứ không phải nâng thương mại. Dù vậy, VPA/FLEGT tạo ra những kỳ vọng và chắc chắn sẽ tác động đến các thị trường XK khó tính.

Hiệp định VPA/FLEGT được kỳ vọng sẽ giúp tăng xuất khẩu đồ gỗ

Với dân số hơn 500 triệu người và quy mô kinh tế lớn, ổn định, nhu cầu về các mặt hàng gỗ của toàn EU khoảng 85 tỷ USD/năm, chiếm 1/4 thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam mới chỉ XK khoảng 700-800 triệu USD sản phẩm gỗ sang thị trường này. Khi VPA/FLEGT có hiệu lực, dự kiến kim ngạch XK gỗ của Việt Nam sang EU sẽ đạt 1 tỷ USD/năm và có nhiều tiềm năng để mở rộng thị trường trước các đối thủ cạnh tranh khác.

Tại tọa đàm trực tuyến về thực thi VPA/FLEGT diễn ra ngày 31/10, ông Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – nhận định, Hiệp định này sẽ tạo cho Việt Nam vị thế lớn khi tham gia thị trường và chuỗi giá trị đồ gỗ toàn cầu. Cạnh đó, chúng ta còn có cơ hội áp dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm gỗ đẹp hơn, có giá trị cao hơn. Ví dụ, gỗ thành phẩm bình thường chỉ có giá 1.400-1.800USD/m3, song nếu áp dụng công nghệ cao giá thành sẽ lên tới 4.000 USD/m3 gỗ thành phẩm.

Trong thế giới toàn cầu hóa như ngày nay, các thị trường nhập khẩu (NK) gỗ lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đã có luật pháp đòi hỏi tính hợp pháp của gỗ hoặc đang dần hướng đến điều này. Như vậy, DN Việt cần nhìn xa hơn thị trường EU. Thực hiện đầy đủ Hiệp định VPA/FLEGT thì các thị trường này cũng sẽ là mục tiêu dễ dàng để Việt Nam chinh phục.

Tạo thói quen sử dụng nguyên liệu hợp pháp

Theo ông Tô Xuân Phúc, VPA/FLEGT không chỉ tác động đến DN xuất/NK gỗ hay gỗ bất hợp pháp, mà còn là câu chuyện của thị trường nội địa. Cốt lõi trong VPA/FLEGT chính là đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam XK sang EU phải có nguồn gốc hợp phápvà sẽ được xác minh bất kể NK hay khai thác trong nước…

Vì vậy, thị trường nội địa sẽ bị tác động không nhỏ. Từ đây, DN sẽ có động lực để thay đổi phương thức quản trị, cụ thể là các phương thức để tiết kiệm nguyên liệu khi giá gỗ hợp pháp luôn cao hơn gỗ lậu. Xa hơn, sự thay đổi này sẽ giúp nâng cao nhận thức và thói quen sử dụng sản phẩm gỗ nguồn gốc minh bạch. Tiêu dùng văn minh sẽ giúp quan tâm nhiều hơn đến công nghiệp trồng rừng đang phát triển mạnh trong nước.

Ký kết VPA/FLEGT và hệ thống truy xuất lâm sản sẽ tạo ra động lực phát triển cho ngành gỗ Việt. Ông Huỳnh Văn Hạnh – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) – cho rằng: Ngoài ý nghĩa về kinh tế, hiệp định này sẽ giúp ngành gỗ nâng cao uy tín với thế giới, cho thấy sự quan tâm của cộng đồng với việc sử dụng gỗ có trách nhiệm. Những rằng buộc từ sân chơi quốc tế đưa chúng ta vào thế “muốn làm xấu cũng không được”.

Tại Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản XK mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh – nhấn mạnh: Thị trường chính của ngành gỗ là các nước phát triển, người tiêu dùng các nước này ngày càng quan tâm tới các tiêu chuẩn môi trường và đòi hỏi các sản phẩm gỗ NK phải được sản xuất từ nguồn gỗ hợp pháp. Do đó, các DN cần nhận thức rõ vấn đề này, phối hợp với Chính phủ thực hiện VPA/FLEGT, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ ở bất kỳ thời điểm nào. Đây là vấn đề có tính quyết định với ngành gỗ Việt Nam trong mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp và uy tín của thế giới.

Phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT mới chỉ là bước đầu tiên của tiến trình này, việc thực thi là bước quan trọng thứ 2. Nhưng khởi động quá trình thực hiện là một cột mốc quan trọng hơn của mối quan hệ hợp tác này.