Đáng lo số phận Nam Cực

Kế hoạch thành lập khu bảo tồn rộng 1,8 triệu km2 ở Nam Cực vừa bị Trung Quốc, Nga, Na Uy bác bỏ tại Hội nghị Thượng đỉnh Ủy ban Bảo tồn Tài nguyên Sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR) tại TP Hobart – Úc, gây lo ngại cho số phận của khu vực này trong tương lai.

Báo The Guardian (Anh) hôm 3-11 cho biết đề xuất thành lập khu bảo tồn nói trên được 22 thành viên khác của CCAMLR ủng hộ. Mục đích của bước đi này là cấm hoạt động đánh bắt tại biển Weddell và các khu vực thuộc bán đảo Nam Cực, qua đó bảo vệ một số loài như chim cánh cụt, cá voi sát thủ, hải cẩu báo và cá voi xanh.

Thành viên chiến dịch Bảo vệ Nam Cực của Tổ chức Hòa bình Xanh, bà Frida Bengtsson, cho rằng đây là cơ hội lịch sử để tạo ra khu bảo tồn lớn nhất thế giới ở Nam Cực nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và cải thiện “sức khỏe” của các đại dương trên toàn cầu. “Các đề xuất khoa học nghiêm túc để bảo vệ biển khẩn cấp bị cản trở bởi sự can thiệp gần như không liên quan gì đến khoa học” – bà Bengtsson phản ứng.

Chim cánh cụt ở biển Weddell Ảnh: SHUTTERSTOCK

Cũng theo nhà hoạt động này, 3 nước phản đối nói trên không đưa ra lập luận trên cơ sở khoa học mà thực hiện “chiến thuật trì hoãn như sửa đổi và chỉnh sửa kế hoạch”, dẫn đến không đủ thời gian để bàn về các biện pháp cần thiết bảo vệ Nam Cực.

Trên trang web chính thức, CCAMLR chỉ thông báo họ đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận xung quanh đề xuất thành lập khu bảo tồn biển mới và sẽ xem xét một lần nữa trong cuộc họp vào năm tới. Bước lùi này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng về sự tàn phá mà con người gây ra cho môi trường. Tuần này, các nhà khoa học hàng đầu cảnh báo con người đã xóa sổ 60% quần thể động vật hoang dã kể từ năm 1970, đe dọa ngược lại tương lai của nhân loại. Còn vào tháng rồi, Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới chỉ còn 12 năm để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.