Cây gỗ quý giáng hương 100 năm tuổi bị bứng trộm, người thu mua có bị xử lý?

Nói về vụ việc, luật sư Đặng Đình Thịnh cho biết: “Nếu người thu mua cây gỗ quý giáng hương 100 năm tuổi với giá 60 triệu đồng biết cây là tài sản trộm cắp nhưng vẫn đồng ý thu mua thì sẽ bị xử theo tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Ngày 30/9, thông tin từ chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh tìm thấy cây gỗ quý giáng hương hơn 100 năm tuổi trên địa bàn. Hiện, công an đang tiến hành kiểm tra cây giáng hương để lập hồ sơ, chờ xử lý các đối tượng đã bứng trộm cây.

Trước đó, sau khi cây gỗ quý hiếm giáng hương 100 năm tuổi bị bứng trộm, ngày 25/9, cơ quan chức năng phát hiện tại khu đất nhà ông Trần Minh Tích (32 tuổi, thuộc tổ 5, ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đang trồng cây giáng hương cổ thụ bị mất trộm trên để làm cảnh. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm tỉnh Tây Ninh phối hợp với công an và VKSND huyện Tân Châu đã đến lập hồ sơ thu hồi cây giáng hương. Theo lời khai của ông Tích, ngày 11/8, ông Tích đã mua cây giáng hương trên từ ông Đỗ Văn Kỹ với giá 60 triệu đồng để làm cảnh.

Cây gỗ quý hiếm 100 năm tuổi giáng hương đã được chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh thu hồi về.

Liên quan đến vụ việc này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Đình Thịnh (đoàn Luật sư TP.HCM), ông cho biết: “Cây giáng hương là một loại gỗ quý hiếm thuộc nhóm IIA cần được bảo tồn. Tuy nhiên, trong phương diện pháp luật cần xử đúng người đúng tội. Tôi tin rằng, trong quá trình điều tra, trích xuất camera truy tìm cây giáng hương, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng nhận thấy ai là chủ mưu trong vụ việc trộm bứng cây giáng hương để xử lý”.

“Ông Trần Minh Tích đã mua lại cây giáng hương với giá 60 triệu đồng cũng có thể bị xử lý theo hai hướng. Một, nếu ông Tích biết cây giáng hương này là tài sản trộm cắp nhưng vẫn đồng ý mua thì sẽ bị xử theo tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại Điều 323, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hai, ông Tích không biết đây là tài sản trộm cắp mà vô tình mua lại của kẻ gian, sẽ bị tịch thu tang vật là cây giáng hương, không bị xử lý hình sự. Như vậy, tùy thuộc vào kết luận điều tra mà ông Tích có bị xử hình sự hay không…”, luật sư Thịnh chia sẻ.

Trước đó, ngày 24/8 người dân ấp Con Trăn, xã Tân Hòa (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) gửi đơn đến chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh kèm tài liệu, hình ảnh phản ánh việc cây giáng hương tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị một số đối tượng đào bứng. Sau khi nắm được sự việc, chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn điều tra làm rõ vụ việc.

Theo người dân địa phương, cây giáng hương kể trên bị phát hiện bứng trộm ngày 11/8. Đây là cây rừng tự nhiên, nằm sát bên bờ hồ Dầu Tiếng, huyện Tân Châu, cao trên 15m, tuổi đời khoảng 100 năm tuổi. Còn theo bảng kê lâm sản do ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng xác định cây giáng hương này có khối lượng hơn 3,6m3, thuộc gỗ quý hiếm nhóm IIA. Điều người dân bức xúc là việc bứng trộm một cây rừng to như vậy mà lực lượng chức năng không phát hiện. Sau vụ bứng trộm cây giáng hương, ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng phối hợp với hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng tổ chức kiểm tra và lập biên bản hiện trạng cây giáng hương điều tra vụ việc.