Ngày mới trên Đầm Chuồn giành giải nhất cuộc thi bảo tồn đất ngập nước

Vượt qua gần 400 tác phẩm gửi tham dự Cuộc thi ảnh với chủ đề “Đất ngập nước: Bảo tồn và Phát triển,” tác phẩm “Ngày mới trên Đầm Chuồn” đã giành giải nhất cuộc thi, vừa trao giải sáng nay (25/8), tại thành phố Hà Nội.

Cuộc thi ảnh với chủ đề “Đất ngập nước: Bảo tồn và Phát triển” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Câu lạc bộ càphê ảnh tổ chức, được phát động từ ngày 16/7 đến 15/8/2018.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai hoạt động truyền thông của dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” thực hiện tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Thái Bình, nhằm tăng cường nhận thức của các bên liên quan về vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái đất ngập nước.

Các tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm. (Nguồn ảnh: Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường)

Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tài trợ, được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2018, với mục tiêu dài hạn là hướng tới thiết lập các khu bảo tồn đất ngập nước mới và tạo dựng năng lực cho việc quản lý hiệu quả các khu bảo tồn nhằm giảm thiểu những mối đe dọa hiện tại.

Các tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm. (Nguồn ảnh: Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường)

Đến nay, qua một tháng tổ chức đã nhận được gần 400 bức ảnh dự thi từ hơn 100 nhiếp ảnh gia trên cả nước. Tất cả các bức ảnh đều là những những tác phẩm có chất lượng cao, ẩn chứa đậm nét nghệ thuật, đã truyền tải những thông điệp về vẻ đẹp, vai trò của đất ngập nước đối với đời sống xã hội và cộng đồng dân cư.

Trong đó, Ban Tổ chức đã lựa chọn 50 tác phẩm tiêu biểu trưng bày tại triển lãm và trao giải thưởng cho 10 tác phẩm đặc sắc nhất, gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, cuộc thi ảnh về bảo tồn và phát triển đất ngập nước đã mang lại những kết quả tốt đẹp, phản ánh chân thực, khách quan, chính xác thực trạng đất ngập nước và các tồn tại cần quan tâm giải quyết.

“Tôi hy vọng rằng, các thông điệp mang lại từ những bức ảnh sẽ có tác động tích cực, lan tỏa rộng rãi đến các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và toàn thể xã hội, góp phần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đất ngập nước,” ông Dung nhấn mạnh.

Việt Nam có tới hơn 10 triệu hécta đất ngập nước (chiếm khoảng 30% diện tích), phân bố ở hầu khắp các vùng sinh thái trên cả nước. Công ước Ramsar đã phân loại có 42 dạng đất ngập nước trên thế giới, trong đó Việt Nam có 39 dạng đất ngập nước (bao gồm tự nhiên và nhân tạo, ở cả vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn).

Các hệ sinh thái đất ngập nước của Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với an ninh lương thực, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế của nhiều ngành khác nhau như: nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, giao thông đường thuỷ, dịch vụ du lịch, khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động khai hoang của con người, biến đất ngập nước thành nơi nuôi trồng thủy sản, khai thác thuỷ – hải sản, sản xuất nông nghiệp.