Liên minh cứu sông Mê Công (Save the Mekong) ngày hôm nay đã đưa ra tuyên bố tẩy chay quy trình tham vấn trước của Ủy hội sông Mê Công (MRC) đối với đập Pak Lay – con đập thứ tư được lên kế hoạch xây dựng trên dòng chính sông Mê Công ở Lào.
Lý do được Save the Mekong đưa ra là vì cho đến nay những quan ngại nghiêm trọng đối với các đập dòng chính đã trải qua quá trình này – như đập Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng – vẫn chưa được giải quyết. Hơn nữa, quy trình tham vấn đối với đập Pak Lay được bắt đầu từ 8/8/2018 tức chỉ sau một ngày Chính phủ Lào công bố đình chỉ các dự án thủy điện mới sau thảm họa vỡ đập Xe Pian-Xe Nam Noy.
Wora Suk thuộc Tổ chức Thai ETO-Watch (thành viên Save the Mekong) giải thích: “Các cuộc tham vấn trước đây được thực hiện chỉ nhằm để đối phó với các nghĩa vụ tham vấn cộng đồng. Trên thực tế, các quy trình này không đếm xỉa gì đến những mối quan tâm của cộng đồng cả”.
Giám đốc điều hành Tổ chức Focus on the Global South, Shalmali Guttal, cũng nhấn mạnh: “Thảm họa Xe Pian-Xe Nam Noy cho thấy rõ những rủi ro lớn từ các dự án thủy điện đối với cuộc sống, sinh kế, môi trường và kinh tế ở các khu vực xung quanh dự án cũng như phía hạ lưu và xuyên biên giới quốc gia. Vào thời điểm này, lẽ ra MRC nên giúp chính phủ Lào giải quyết những lỗ hổng trong quá trình tham vấn trước đây và thực hiện các khuyến nghị của Nghiên cứu Hội đồng, chứ không phải bắt tay vào quá trình tham vấn cho dự án thủy điện mới”.
Theo Save the Mekong, một trong những mối đe dọa lớn nhất từ Pak Lay là tích lũy tác động của các đập hiện tại trên dòng chính Mê Công. Những con đập này được cho là sẽ gây thiệt hại không thể đảo ngược với sinh kế và văn hóa của hàng chục nghìn người sống dọc theo dòng chính và các dòng nhánh, những người mà cuộc sống và truyền thống gắn liền với con sông cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú của nó.
Tongsuk Intavong, Trưởng làng Huay Leuk ở huyện Chiang Khong, tỉnh Chiang Rai, phía thượng nguồn đập Pak Beng, cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với cộng đồng người Thái và Lào ở cả hai bên sông Mê Công để phục hồi sinh cảnh cho cá và bảo tồn cá. Nếu kế hoạch xây dựng các con đập trên dòng chính được tiến hành, sinh kế và nghề cá của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng to lớn”.
“Chúng tôi phụ thuộc trực tiếp vào sông Mê Công và sẽ mất tất cả mọi thứ”, ngư dân địa phương Por Bun bày tỏ lo lắng.
Mối quan ngại của người dân ven sông hoàn toàn có cơ sở bởi Nghiên cứu Hội đồng của MRC công bố vào tháng 2 năm nay cho thấy chuỗi 11 đập thủy điện lớn trên dòng chính ở hạ lưu Mê Công và 120 đập dòng nhánh được lên kế hoạch xây dựng từ nay đến năm 2040 sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe sinh thái, sức sống kinh tế và an ninh lương thực khu vực.
Trước những đánh giá quan ngại đó, Nghiên cứu của MRC đề xuất cần xem xét các công nghệ năng lượng mới nổi có thể cạnh tranh với thủy điện, chẳng hạn như thái dương năng và phong điện. Và trong tuyên bố ngày hôm nay, Liên minh Save the Mekong cũng khuyến nghị MRC thay vì bắt tay vào một quá trình tham vấn trước đầy khiếm khuyết thì nên hỗ trợ chính phủ Lào đánh giá lại các kế hoạch cho các đập tiếp theo, trong đó, ưu tiên các nguồn năng lượng thay thế và nguồn thu khác từ phát triển.
“Lưu vực hạ Mê Công có tiềm năng lớn cho các công nghệ điện năng tái tạo và phi tập trung”, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển và Sáng tạo xanh (Green ID), người đoạt giải thưởng môi trường Goldman năm 2018 cho biết. “Bằng cách áp dụng các chính sách năng lượng quốc gia theo hướng khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, chính phủ các nước hạ Mê Công có thể mở ra một kỷ nguyên tăng trưởng bền vững thực sự, đặt ưu tiên cao nhất cho các con sông khỏe mạnh, cho sự an toàn và an sinh của các cộng đồng ven sông”.