Giật mình chuyện nợ tiền ký quỹ phục hồi môi trường

12 dự án tại Yên Bái chưa triển khai dù được phê duyệt từ 2010.

Khai thác khoáng sản trong hầm. Ảnh minh họa

Mới đây, Yên Bái đã có báo cáo về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007 – 2017. Các con số và cách lý giải khiến không ít người giật mình về lỗ hổng trong quản lý khai thác khoáng sản.

Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh ký cho thấy, địa phương này có nhiều loại khoáng sản khác nhau và có nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác khoáng sản.

Tính đến ngày 31/12/2017, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 139 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh cấp. Trong số đó, có 70 giấy phép đang hoạt động, 12 giấy phép chưa khai thác, 22 giấy phép dừng khai thác, 34 giấy phép hết hạn khai thác, 1 giấy phép khai thác tận thu, 39 điểm mỏ đã được phê duyệt đề án đóng cửa mỏ.

Tính đến hết năm 2017, các đơn vị đã thực hiện tại Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái trên 41,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 46%. Một số đơn vị chậm hoặc chưa ký quỹ cải tạo phục hồi là do chưa tiến hành xây dựng mỏ hoặc giá quặng xuống thấp, một số mỏ không đủ năng lực về tài chính…

Các dự án (dự án) khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều có biện pháp, dự toán kinh phí cải tạo phục hồi môi trường được lồng ghép trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản kế hoạch bảo vệ môi trường trước đây, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tổng số tiền ký quỹ của các dự án là 244,2 tỷ đồng. Trong đó, dự toán cải tạo phục hồi môi trường từ 2007 – 2017 là 91,1 tỷ đồng. Số tiền các đơn vị đã nộp ký quỹ phục hồi môi trường là 41,9 tỷ đồng.

Vẫn còn tình trạng nhiều dự án chưa hề nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường như: dự án khai thác mỏ quặng sắt phía Bắc Núi 300 xã Hưng Thịnh; dự án khai thác và chế biến đá vôi và đá cát bộ kết thôn 7A Đồng Phú, dự án khai thác mỏ đá vôi dạng khối Nặm Ngập, dự án khai thác mỏ đá hoa trắng Mông Sơn VII; dự án khai thác mỏ graphit xã Yên Thái, dự án khai thác mỏ sét thôn 2 và thôn 3 Cổ Phúc.

Cũng theo thống kê, đến nay có 12 dự án chưa triển khai dù có dự án được phê duyệt từ 2010. Điển hình như: dự án khai thác mỏ đá vôi Vực Tuần 1 của Cty Cổ phần (CP) An Lộc Phát, dự án khai thác và chế biến mỏ Khe Cam xã An Lương của Cty CP Khoáng sản Thiên Bảo, dự án khai thác đá vôi trắng Cốc Há III thị trấn Yên Thế của Cty CP Khoáng sản Yên Bái VPG, dự án khai thác mỏ đá hoa Minh Tiến I của Cty CP Thiết bị điện và khoáng sản Yên Bái, dự án khai thác mỏ đá vôi Mông Sơn VIB của Cty CP Xi măng và khoáng sản Yên Bái… Tổng số tiền phải ký quỹ của 12 dự án này là 28,4 tỷ đồng. Chỉ có riêng Cty TNHH Hiệp Phú chủ dự án khai thác cát sông Chảy, xã Động Quan, xã Tô Mậu và xã Tân Lĩnh là nộp trên 454 triệu đồng.

Trên địa bàn, có 22 dự án dừng khai thác theo quy định. Tổng số tiền phải ký quỹ của các dự án là 45,1 tỷ đồng; số tiền đã ký quỹ chỉ là 2,8 tỷ đồng.

Đến cuối 2017, có 68 điểm mỏ thuộc đối tượng phải lập hồ sơ đóng cửa. UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ đối với 39 điểm mỏ, trong đó có 28 điểm đã đóng cửa như: dự án khai thác mỏ quặng sắt thôn 10 xã Minh Chuẩn, dự án khai thác mỏ quặng sắt Plech của Cty CP Hà Quang, dự án khai thác và chế biện quặng sắt Làng Phát của Cty CP Đầu tư và chế biến khoáng sản Đại Sơn…

Trong 10 năm kể từ 2007, UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức 111 cuộc thanh tra, kiểm tra có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của 309 tổ chức, cá nhân. Qua đó đã lập biên bản và ban hành 144 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3,8 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Địa chất khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, khó khăn vướng mắc lớn nhất trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực này là có sự không thống nhất về nội dung công trình bảo vệ môi trường giữa báo cáo đánh giá tác động môi trường khi lập thẩm định với sau khi được phê duyệt. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Khoáng sản thì đối với các trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác đã phá sản hay giải thể, việc lập và tổ chức thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản phải qua hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, việc đấu thầu đóng cửa mỏ chưa được quy định chi tiết, nhất là đối với doanh nghiệp chưa phá sản hay giải thể nhưng không có khả năng thực hiện đóng cửa mỏ.

UBND tỉnh Yên Bái đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong việc thẩm định, phê duyệt các hồ sơ, thủ tục về môi trường, trong đó có việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền của Hội đồng Phê duyệt khoáng sản quốc gia nhằm hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp đầu tư vào khai thác khoáng sản; hướng dẫn thực hiện đóng cửa mỏ đối với các doanh nghiệp được cấp phép mà phá sản, giải thể…

Ninh Bình: Điều chỉnh thời gian ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường

Đó là một trong những kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Bình khi báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Lý giải cho đề nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Chung Phụng cho biết, theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ các lần tiếp theo trước ngày 31/1 của năm ký quỹ, việc nộp tiền ký quỹ hàng năm phải tính đến yếu tố trượt giá và được xác định bằng số tiền ký quỹ hàng năm nhân với chỉ số giá tiêu dùng của năm trước đó.

Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 31/1 hàng năm, Cục Thống kê và Chi cục Thống kê tỉnh chưa có công bố chính thức về chỉ số giá tiêu dùng của năm trước đó. UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh lại thời gian ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường hàng năm phù hợp với thời điểm ban hành chỉ số giá tiêu dùng.

Đơn vị này cũng đề nghị Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thông tin kịp thời về ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Bởi lẽ, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được lựa chọn ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam không thông tin kịp thời việc ký quỹ này, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi các đơn vị thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

Theo thống kê của UBND tỉnh Ninh Bình, trên địa bàn hiện có 75 giấy phép khai thác còn hiệu lực với tổng diện tích là 987,5ha; có 65 mỏ đang khai thác. Có 70/75 mỏ đã lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định trong đó có 5 phương án do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Tổng số giấy phép đã hết hạn khai thác là 49. Trên toàn tỉnh có 165 cán bộ quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường làm việc trong các cơ quan chuyên môn.