Mất cơ hội chọn việc do sạt lở bờ biển

Dù không thích, nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long buộc phải bươn chải tìm việc ở các thành phố do sạt lở bờ biển “ngoặm” đất sản xuất.

Năm 2017, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh mất 14.790m2 rừng phòng hộ do triều cường và bão số 12.

Đơn côi gánh vác việc nhà, việc xã hội

Ở tuổi xấp xỉ 50, từ nhiều năm nay, bà Phạm Thị Ngọc Mạnh, sống gần Biển Đông, buộc phải làm quen với cuộc sống hàng ngày thiếu vắng chồng và hai con đầu. Bởi ba người thân yêu nhất phải bươn chải ở các thành phố lớn để có tiền hỗ trợ bà Mạnh nuôi hai con út đi học ở xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Đi làm xa, ba bố con cũng không ở gần nhau. Chồng bà làm bảo vệ ở thành phố Hồ Chí Minh và hai con đầu phục vụ nhà hàng ở Bình Dương. Thời gian người phụ nữ chất phác phải một mình gánh vác mọi chuyện đối nội, đối ngoại của gia đình ngày càng dài khi sạt lở bờ biển gia tăng ở mảnh đất cách nhà bà vài bước chân.

“Trước kia, lâu lâu, hai con đầu của tôi mới đi làm. Từ ngày sạt lở, chúng đi làm suốt. Chồng tôi cũng phải đi làm,” bà Phạm Thị Ngọc Mạnh vừa nói vừa tất bật cho gà ăn và sau đó, vội dắt trâu về chuồng. “Anh ấy đi làm từ Tết, đến tháng 5, mới về được mấy ngày”.

Bà Phạm Thị Ngọc Mạnh sống ngay sát đê quốc gia ở xã Hiệp Thạnh.

Ông Lê Viết Khôi, chồng bà Mạnh, luôn cảm thấy buồn khi phải sống thui thủi một mình nơi xứ người. Song khi về nhà, người đàn ông gầy gò chỉ biết đi lòng vòng từ nhà ra biển và từ biển lại về nhà, không biết làm gì để có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. “Vài năm về trước chưa sạt lở, còn trồng được hoa màu, giờ sạt lở thì chỉ có thể trồng cỏ, mà cỏ cũng không sống nổi,” ông Khôi trăn trở: “Tôi cũng buồn, không thích đi làm xa nhưng ở nhà không có việc.”

Từ năm 2005 đến nay, sạt lở thường xuyên diễn ra ở tuyến đê biển Hiệp Thạnh. Đoạn bờ biển ở xã Hiệp Thạnh có tốc độ xói lở mạnh (từ 30-100m/năm), theo báo cáo tháng 5 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bất chấp những nỗ lực đắp đê ngăn sóng của chính quyền và người dân, sóng biển hung dữ phá nát mọi chướng ngại chắn đường. Hậu quả là, rừng phi lao dày 100m chỉ còn lưa thưa vài cây. Ba động cát ngăn cách biển và đất liền chìm vĩnh viễn trong nước. “Hiệp Thạnh có ba động cát, mỗi động cát cao khoảng 10-15m, kèo dài từ 1.000-1500m. Đến thời điểm này, ba động cát không còn nữa,” ông Nguyễn Văn Khiêm, Chánh văn phòng UBND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết.

Xã Hiệp Thạnh có tốc độ xói lở bờ biển mạnh (từ 30-100m/năm), theo báo cáo tháng 5 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Con đường bờ biển cách nhà dân hơn 1km cũng bị xóa sổ. “Ở ấp Chợ, sóng biển đã đến sát nhà dân. Ở ấp Bào, đã đến đê quốc phòng,” ông Lê Minh Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, cho biết: “Khi nước biển tràn vào, bà con không trồng trọt hay chăn nuôi được, thu nhập cũng bị ảnh hưởng. Một số bỏ địa phương đi làm ở các thành phố.”

Không có đất sản xuất, không có việc làm đủ sống ở quê nhà, nhiều nông dân như ba bố con ông Khôi không còn lựa chọn khác. Họ buộc phải gạt sang những mong muốn cá nhân, hạnh phúc gia đình để chạy theo áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” và di cư đến các khu đô thị phía Nam.

Thực tế này không chỉ có ở xã Hiệp Thạnh mà phổ biến ở các địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Báo cáo tháng 5/2018 của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết xói lở bờ biển đang diễn biến hết sức phức tạp với tốc độ 300 ha/năm. Cả nước có 16 vị trí bờ biển sạt lở đặc biệt nghiêm trong, tổng chiều dài 84km.

Di cư tự phát và hệ quả buồn

Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT nhận định nguyên nhân chủ yếu gây xói lở bờ sông, biển là do hiện tượng tự nhiên địa chất và sự bồi lắng xảy ra ở những đoạn sông cong, việc quản lý chưa tốt hành vi xâm chiếm bãi, lòng sông để xây công trình và nhà ở. Thứ hai, nạn khai thác cát trái phép và phương tiện đường thủy chở quá tải cũng là nguyên nhân chính dẫn đến làm gia tăng nguy cơ gây xói lở ở nhiều địa phương. Ngoài ra, PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho rằng sạt lở gia tăng mạnh do sự gia tăng của biến đổi khí hậu (nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão mưa thất thường), “đói phù sa” khi các đập thủy điện được xây dựng dọc sông Mekong, và xây đê bao ngăn lũ làm cho dòng chảy bị thu hẹp.

PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ

Do đó, vựa lúa cả nước có tỷ lệ lao động di cư cao nhất cả nước, trong hai thập kỷ qua. Nhà nghiên cứu Lê Văn Sơn, Đại học Huế, nhận định, trong Tạp chí Khoa học Xã hội số 1/2014, Đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng đột biến về lao động di cư, tăng gần 3,5 lần chỉ sau một thập niên, từ 211.000 người (1999) lên 734.000 người (năm 2012). Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015, vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ di cư cao nhất nước, chiếm 29,3%.

Trong 10 năm trở lại đây, mức tăng này tiếp tục tăng theo chiều thẳng đứng khi Tiến sĩ Văn Phạm Đăng Trí và nhà nghiên cứu Alex Chapman đưa ra con số có hơn 1,7 triệu người đã di cư khỏi các cánh đồng, kênh rạch và con sông của khu vực này, vào tháng 1/2018, theo TheConversation.com (trang tin chuyên công bố các kết quả nghiên cứu và công trình học thuật quốc tế). Hai nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu đang gây ra khủng hoảng di cư ở ĐBSCL.

Khi nhận thấy dễ dàng tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn, những người di cư ngày càng kéo dài thời gian làm việc xa nhà. Thậm chí, có những người, đặc biệt là người trẻ, quyết định bám trụ mảnh đất mới dù mục tiêu ban đầu di cư tạm thời để kiếm sống hoặc học tập. “Vùng nông thôn cơ giới hóa ngày càng nhiều, người nông dân lên thành phố làm thuê lúc nông nhàn. Thu nhập từ việc làm thuê cao hơn tiền kiếm được ở nông thôn. Nhiều người sẵn sàng bán đất để lên thành phố định cư,” PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ: “Nhiều người trẻ lên học ở thành phố cũng ở lại vì có nhiều cơ hội việc làm hơn ở đây.”

Nhiều ngôi nhà gần Biển Đông ở xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh bị bỏ hoang do gia đình chủ nhà di cư lên thành phố làm việc

Số lượng người đổ về tự phát dẫn đến sự quá tải của các đô thị lớn do không có sự chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất và nguồn lực. “Tất cả đã dẫn đến quá tải hạ tầng, nhà ở, trường học, bệnh viện, xuất hiện nhà ổ chuột, lấn chiếm, không phép và tệ nạn rất nan giải,” PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư (Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ vào tháng 1/2018.

Bên cạnh đó, lao động ồ ạt rời bỏ quê hương cũng gây ra sự thiếu hụt nhân lực ở nơi họ đi. “Điều đáng lo nhất chính là tình trạng di dân kéo dài đến một lúc nào đó các tỉnh ĐBSCL khi có dự án sử dụng nhiều lao động thì… không thu hút được.” TS. Võ Hùng Dũng, nguyên giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh TP Cần Thơ, trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ vào tháng 1/2018: “Người dân miền Tây đã di cư (đến TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ) diễn ra trong hơn 12 năm qua thì không còn là quy luật bình thường”.

Bà Lê Thị Kim Định, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa

Di cư còn góp phần gia tăng tỉ lệ hôn nhân tan vỡ và trẻ em thất học. Đơn cử như ở xã Trường Long Hòa, một điểm sạt lở bờ biển nghiêm trọng của tỉnh Trà Vinh, một vài gia đình đã “tan đàn xẻ nghé” sau khi có người làm việc ở xa nhà. “Ban đầu, người đàn ông lên thành phố và gửi tiền về. Sau không thấy có tin, người vợ mang con đi tìm và không thấy. Tôi gọi điện mới biết chị ấy ở lại làm việc. Tôi hỏi sao không gửi con (học lớp 2 – PV) cho ông bà ngoại,” bà Lê Thị Kim Định, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, cho biết: “Chị ấy bảo ông bà ngoại già rồi, không gửi được, đành phải dắt đi”.

Theo báo cáo công bố tháng 5 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại ĐBSCL đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149km (bờ sông 26 vị trí, tổng chiều dài 65km; bờ biển 16 vị trí, tổng chiều dài 84km).

Tổng số kinh phí cần đầu tư xử lý sạt lở đất vào khoảng 6.990 tỷ đồng. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý hỗ trợ 1.500 tỉ đồng (tương ứng 21,4% so với đề xuất) từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu.