Cháy rừng ở Australia có thể là nguyên nhân khiến tầng ozone suy giảm nghiêm trọng

Các nhà nghiên cứu phát hiện khói từ các đám cháy rừng bay lên tầng cao của khí quyển có thể đã khiến tầng ozone giảm 1%.

Thời gian qua, cháy rừng đã gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí The Lancet, việc tiếp xúc với khói, bụi từ các đám cháy rừng là nguyên nhân gây ra hơn 30.000 ca tử vong mỗi năm tại 43 quốc gia. Tại Mỹ, thiệt hại hằng năm do cháy rừng gây ra dao động từ 71 tỷ đến 347,8 tỷ USD. Theo Trung tâm Cứu hỏa liên ngành quốc gia Mỹ, riêng chi phí cho hoạt động chữa cháy tại Mỹ đã tăng 170% trong một thập niên, lên đến 1,9 tỷ USD vào năm 2020.

Cháy rừng đã cướp đi mạng sống, cũng như phá hủy môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã, đẩy một số loài đến nguy cơ tuyệt chủng.

Đám cháy rừng vào mùa Hè 2019-2020 đã thiêu rụi hơn 17 triệu ha đất rừng khắp miền Đông Australia.

Ngày 1/3, tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) cũng đã công bố kết quả của một nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu phát hiện khói từ các đám cháy rừng bay lên tầng cao của khí quyển có thể đã khiến tầng ozone giảm 1%. Với mức độ này, tầng ozone sẽ phải mất một thập kỷ mới có thể phục hồi tự nhiên.

Theo Hội đồng Quản lý dịch vụ khẩn cấp và cứu hỏa của Australia và New Zealand (AFAC), các đám cháy rừng vào mùa Hè 2019-2020 đã thiêu rụi hơn 17 triệu ha đất rừng khắp miền Đông Australia. Ước tính các đám cháy rừng đã thải ra 270 triệu tấn CO2 chỉ trong 4 tháng.

Bà Clare Murphy, Giám đốc Trung tâm Hóa học khí quyển tại Đại học Wollongong, cho biết đây là lần đầu tiên các nhà khoa học định lượng tác động của khói đối với tầng ozone. Bà nhận định những đám cháy rừng dữ dội này được dự báo gia tăng trong vài thập kỷ tới do tình trạng biến đổi khí hậu, có nguy cơ làm giảm tốc độ phục hồi của tầng ozone. Nhiều nhà khoa học có xu hướng cho rằng lỗ thủng tầng ozone tập trung ở Nam Cực, song khói bốc lên từ các đám cháy có nguy cơ hủy hoại tầng ozone ở gần nơi con người sinh sống hơn. Điều này sẽ khiến người dân Australia tăng nguy cơ tiếp xúc với tia cực tím cũng như nguy cơ mắc ung thư da trong tương lai.

Tuy nhiên, bà Murphy cho rằng các đám cháy rừng chỉ gây ra tác động nhỏ so với hậu quả của hành động tàn phá thiên nhiên khác đối với các tầng thấp của khí quyển. Do đó, con người cần xem xét tác động của các đám cháy trong bối cảnh rộng lớn hơn.

Theo Cơ quan Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu (EU), các vụ cháy rừng trong năm 2021 đã thải 1,76 tỷ tấn carbon vào bầu khí quyển Trái Đất, nhiều hơn gấp 2 lần lượng phát thải khí CO2 hằng năm của Ðức.

Ðể hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy rừng, UNEP đề nghị chính phủ các nước cần có những phương án chuẩn bị. Theo đó, 2/3 các khoản chi nên dành cho việc lập kế hoạch, phòng ngừa, chuẩn bị và phục hồi, và 1/3 còn lại sẽ dùng để triển khai các biện pháp ứng phó khi cháy rừng xảy ra. Công thức này có thể được điều chỉnh cho phù hợp với từng khu vực hay quốc gia. Hiện nay, hoạt động ứng phó trực tiếp với cháy rừng thường chiếm hơn một nửa các khoản chi liên quan, trong khi công tác lập kế hoạch chỉ nhận được chưa đến 1%.

Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen (I.An-đơ-xen) nhấn mạnh: “Chúng ta phải giảm nguy cơ xảy ra cháy rừng nghiêm trọng bằng cách chuẩn bị tốt hơn, cụ thể là đầu tư nhiều hơn vào công tác giảm rủi ro, phối hợp chặt chẽ với các cộng đồng địa phương và tăng cường cam kết toàn cầu về chống biến đổi khí hậu”.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) từng cảnh báo, cánh cửa cơ hội để ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang đóng lại nhanh chóng, song vẫn chưa quá muộn để hành động. Nguy cơ cháy rừng ngày càng lớn là lời cảnh báo để các quốc gia tăng tốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cũng như bảo vệ rừng, “lá phổi xanh” của Trái Đất.