Nên thận trọng với quyết định đổ bùn thải ra biển

ThienNhien.Net – Theo Dự án xây dựng cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đơn vị tư vấn, mới đưa thêm phương án xử lý 40 triệu m3 bùn đất nạo vét là đổ thẳng ra biển, gây ra mối quan ngại về một thảm họa cho môi trường biển.

Biển Cát Bà (Ảnh: Năng lượng mới)

Tuy Bộ GTVT và UBND thành phố thống nhất phương án xử lý đổ bùn thải vào năm 2011 là đổ vào khu đê chắn sóng và KCN Đình Vũ, nhưng tư vấn JICA cho rằng, nếu đổ bùn ra biển, cự ly từ điểm hút đến vị trí xả bùn ở phía nam Cát Bà chỉ 16 km, lại không phải xây dựng đê bao và hố trung chuyển, không phải nạo vét luồng công vụ nên tiết kiệm cả thời gian và chi phí. Điều đáng lo ngại cả Bộ GTVT và UBND thành phố Hải Phòng lại nhanh chóng đồng ý với phương án này, dù Hải Phòng luôn xác định biến Cát Bà thành điểm du lịch hấp dẫn, phát triển nuôi trồng thủy sản có quy hoạch… bảo đảm cho Cát Bà phát triển bền vững.

Theo các nhà khoa học, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà không chỉ là nơi lưu giữ và phát triển nguồn gen quý của vịnh Bắc Bộ, mà còn có nhiều loài động, thực vật có giá trị kinh tế cao. Với 2320 loài động, thực vật, trong đó có gần 60 loài được coi là đặc hữu, quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới cùng 193 loài thuộc lớp san hô, Cát Bà được coi là nơi có số lượng sinh vật đa dạng bậc nhất ở các vùng đảo phía Bắc nước ta.

Các chuyên gia khoa học rất lo ngại rằng việc đổ 40 triệu m3 bùn ra biển sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái động thực vật đáy biển, thậm chí các lớp san hô, các loại rong, tảo biển quý hiếm sẽ bị tiêu diệt. Bùn đất nạo vét cảng Lạch Huyện phần lớn là bùn lỏng, hạt nhỏ, sức liên kết yếu nên rất dễ phát tán trong nước, nếu không có tuyến đê bao thì môi trường xung quanh đương nhiên bị tác động xấu, các khu du lịch biển lân cận như Đồ Sơn hay Vịnh Hạ Long về lâu dài sẽ bị ô nhiễm, đời sống của hàng vạn người dân sẽ bị ảnh hưởng. Lượng bùn thải này sẽ làm thay đổi dòng chảy, thay đổi chế độ sóng và thủy triều của khu vực biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Không loại trừ khả năng vài năm sau, lượng bùn thải này sẽ bị đẩy ngược về chính… Lạch Huyện. Đáng lưu ý là Hải Phòng đang cần một lượng rất lớn vật liệu để tôn tạo, san lấp các công trình, riêng KCN Đình Vũ cần tới 600 triệu m3.

Hiện nay JICA đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình Hội đồng thẩm định của Việt Nam xem xét mức độ ảnh hưởng nhưng rõ ràng khi chưa trả lời được các câu hỏi như: Đổ ra biển sẽ có hậu quả gì? Bao nhiêu năm sau thì khắc phục được? Số tiền để bỏ ra khắc phục hậu quả là bao nhiêu?… thì rất cần các cơ quan quản lý và những người có trách nhiệm hết sức thận trọng khi quyết định.