Du lịch nông nghiệp: Bao giờ “gà đẻ trứng vàng”?

Sự tự phát và thiếu tính liên kết khiến việc giải bài toán “bao giờ gà đẻ  trứng vàng” vẫn là thách thức lớn đối với du lịch nông nghiệp.

Du khách nước ngoài rất thích thú với loại hình du lịch nông nghiệp ở Việt Nam

Có tiềm năng nhưng “đụng đâu khó đó”

Tại hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm của du lịch nông nghiệp theo ông Tuấn, đó có thể là trang trại, đồng ruộng, làng nghề truyền thống, sản vật tự nhiên, ẩm thực truyền thống…

Được biết, mỗi ngày làng rau Trà Quế (TP Hội An, Quảng Nam) đều đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về nghề trồng rau độc đáo duy trì từ hàng trăm năm qua. Tại khu vực miền Tây Nam bộ, hàng loạt mô hình tham quan miệt vườn sông nước, những tour trải nghiệm tát mương, bắt cá… cũng đã được tổ chức và mang lại hiệu ứng tốt với du khách trong và ngoài nước.

Ở TP HCM, Hà Nội, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc… hàng loạt mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao gắn kết với du lịch đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cải thiện đáng kể đời sống, thu nhập của người nông dân. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp các vùng miền trải dài từ Bắc tới Nam đã được hình thành đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.

Dù có những lợi thế như trên nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn cho rằng, hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu.

Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng chỉ ra rằng, làng nghề truyền thống đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện hoạt động du lịch làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, một số địa phương có quy hoạch làng nghề với du lich nhưng quy hoạch làng nghề còn rời rạc, thiếu thực tiễn và không được thực hiện nghiêm chỉnh. Việc quản lý làng nghề còn chồng chéo, không thống nhất, dẫn đến không có người chịu trách nhiệm cụ thể.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, đại diện Vidotour Hà Nội cho rằng, việc  khai thác các hoạt động nông nghiệp, dịch vụ có liên quan đến nông nghiệp như là một sản phẩm du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, việc quảng bá, xây dựng thương hiệu còn chưa được quan tâm đúng mức, sản phẩm còn đơn điệu, tính sáng tạo chưa cao.

Cùng quan điểm này, ông Trần Ngọc Tiến – Giám đốc Công ty Du lịch ngôi sao Ninh Bình cũng cho rằng, nguồn nhân lực chính trong phát triển du lịch chủ yếu dựa vào sự tham gia của người dân địa phương. Song sự hạn chế về trình độ ngoại ngữ của người dân khiến cho chất lượng phục vụ du khách không được đảm bảo. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn đang là vấn đề lớn gây cản trở việc phát triển du lịch nông nghiệp.

Hiến kế…

Để phát triển du lịch nông nghiệp trong giai đoạn tới, theo  ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), Việt Nam cần có những định hướng và bước đi mới, trong đó cần phải có quy hoạch sản xuất phù hợp, lâu dài, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Mỗi địa phương có điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng, do vậy trong quá trình thực hiện cần phải hết sức linh hoạt, uyển chuyển thì mới có thể thành công được.

Đồng thời cũng rất cần phải có vai trò của chính quyền địa phương trong việc tạo cơ chế, có chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Ngoài ra, các khâu liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cần có chiến lược cụ thể. Đồng thời, phải có sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

Đối với du lịch làng nghề, theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các cơ  quan liên quan cần tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của làng nghề như bảo tồn tục thờ cúng tổ nghề, các lễ hội gắn liền với các sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tinh thần của làng nghề, thị trường, mẫu mã, vốn, trình độ quản lý và vấn đề ô nhiễm môi trường.

Đại diện Vidotour Hà Nội kiến nghị, Tổng cục Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước để hỗ trợ quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng và hỗ trợ bà con nông dân trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Phía Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist thì cho rằng, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các DN du  lịch về du lịch nông nghiêp và đào tạo kiến thức du lịch cho nông dân. Bên cạnh đó, cần học hỏi mô hình du lịch nông nghiệp đã thành công ở các nước trên thế giới và ở các tỉnh, thành trong nước.

Nguồn: