Ngày 8/3, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến được ký kết tại Chile. Hiệp định này về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của Hiệp định TPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
CPTPP cũng là một FTA tiêu chuẩn cao
Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại v.v… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước…
Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.
Nhận thức rõ tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của Hiệp định này nên ngay từ khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp với các nước TPP tìm hướng đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong thời gian sớm nhất trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam. Sau khi các nước đã thống nhất được toàn bộ các nội dung đàm phán và hoàn tất quá trình rà soát pháp lý, Bộ Công Thương đã công bố toàn văn Hiệp định CPTPP (lời văn tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt) lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương để tạo điều kiện cho công chúng và cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nội dung của Hiệp định này.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn tất quy trình pháp lý trong nước để chuẩn bị cho lễ ký kết Hiệp định sẽ diễn ra vào ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile. Sau khi được ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua và đưa vào thực hiện.
Để bảo đảm Hiệp định CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tiến hành tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới công chúng. Thêm vào đó, Chính phủ cũng tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Với những giải pháp này cùng với sự chủ động của doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để làm ăn quy mô và dài hạn trong tương lai, Chính phủ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại để tiếp tục phát triển vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.
Tham gia CPTTP đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam
Mặc dù không còn Hoa Kỳ nhưng Hiệp định CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây. Dự kiến, Hiệp định sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia. Với Việt Nam, chúng ta cũng trông đợi ở Hiệp định này ở nhiều khía cạnh.
Về chính trị – đối ngoại, CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Phần quan trọng khác chính là việc giúp ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư – kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.
Hiệp định CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Ngoài các nội dung chính thức trên, cũng như với Hiệp định TPP trước đây, các nước dự kiến cũng ký một số Thư trao đổi về liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mỗi nước khi Hiệp định CPTPP được ký chính thức.
Sau khi được ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình để Quốc hội xem xét, thông qua và quyết định việc đưa vào thực hiện theo lộ trình được các nước tham gia CPTPP thống nhất.