Khai thác ti tan làm lấp đường dân sinh, gây xâm thực đất rừng

Mặc dù Cty TNHH Khoáng sản Thành An được cấp phép khai thác sa khoáng ti tan làm sạch môi trường Khu Phi thuế quan (Khu Kinh Nhơn Hội, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), nhưng quá trình khai thác chưa thực hiện đầy đủ cam kết về bảo vệ môi trường và làm lấp đường dân sinh, cát xâm thực vào đất trồng rừng của người dân trong khu vực.

Khu vực Cty Khoáng sản Thành An khai thác ti tan tại thôn Hội Lợi, xã Nhơn Hội. Ảnh: NP

UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 13, ngày 14/4/2015 cho phép Cty Khoáng sản Thành An khai thác sa khoáng ti tan với diện tích hơn 18ha đất với công suất 14.475 tấn sản phẩm/năm, thời hạn khai thác trong vòng 3 năm kể từ ngày ký giấy phép.

Nội dung giấy phép khai thác khoáng sản nêu rõ, trong quá trình khai thác, Cty phải thực hiện các biện pháp che chắn, san gạt mặt bằng và trồng cây xanh chống cát bay; đảm bảo các điều kiện khác như đã cam kết trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo phục hồi môi trường đã phê duyệt; đồng thời thực hiện đúng và đầy đủ các phương án, quy trình kỹ thuật bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn trong hầm mỏ theo quy định.

Tuy nhiên, Cty không thực hiện đầy đủ những cam kết theo nội dung ghi trong giấy phép, cụ thể: Khu vực khai thác sa khoáng ti tan không có biện pháp che chắn, không có cây xanh chống cát bay khi gặp gió to.

Bên cạnh đó, Cty dùng cát san lấp một con đường dân sinh và con đường dân sinh thứ hai Cty dùng phục vụ thi công, nên người dân và phương tiện không thể qua lại hai con đường này.

Cty Khoáng sản Thành An tự lấp đường dân sinh ở thôn Hội Lợi. Ảnh: NP

Phản ánh với chúng tôi, một người dân địa phương bức xúc: “Mặc dù khu vực thôn Hội Lợi nơi Cty Khoáng sản Thành An đang khai thác ti tan đã bị giải tỏa, các hộ dân trong thôn di dời về sinh sống tại khu tái định cư Nhơn Phước (Nhơn Hội). Thế nhưng, do tàu, thuyền hành nghề mưu sinh của hàng trăm hộ dân thôn Hội Lợi và Nhơn Phước, cũng như một số người dân xã Nhơn Hải đang neo đậu tại đầm Phương Mai nên hàng ngày người dân đều phải qua con đường dân sinh ở Hội Lợi để đưa tàu, thuyền đi đánh bắt thủy, hải sản hoặc sửa chữa tàu, thuyền; nay thì không thể đi được”.

Việc khai thác ti tan làm sạt lở, sụt lún đất. Ảnh: NP

Không chỉ có vậy, việc khai thác ti tan còn gây xâm thực, sụt lún hơn 1ha đất trồng rừng của gia đình ông Châu Văn Thơ (thôn Hội Lợi), buộc ông phải kiến nghị lên Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế tỉnh Bình Định.

Sau khi tổ chức kiểm tra hiện trường, BQL Khu kinh tế Bình Định nhận thấy Cty Khoáng sản Thành An đang sử dụng 3 bè víp để khai thác ti tan thuộc khu vực dự kiến khai thác đợt 3 (đã ký hợp đồng thuê đất nhưng chưa được bàn giao mốc giới). Vị trí này cách nhà ở của ông Châu Văn Thơ khoảng 300m, nhưng sát với ranh giới thửa đất RTS của hộ ông đang sử dụng mà chưa thực hiện bồi thường, hỗ trợ… BQL Khu kinh tế yêu cầu Cty chấm dứt việc khai thác ti tan tại khu vực chưa được BQL bàn giao mốc giới. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các nội dung còn tồn tại khác trong quá trình khai thác ti tan theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khai thác khoáng sản.

Hơn 1ha đất rừng của ông Châu Văn Thơ bị cát phủ lấp. Ảnh: NP

Ông Ngô Văn Tổng, Phó Trưởng BQL Khu kinh tế Bình Định cho biết, Ban đã yêu cầu Cty Khoáng sản Thành An ngừng hoạt động khai thác ti tan và cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra tình hình theo người dân phản ánh.

Song, theo phản ánh của người dân, Cty Khoáng sản Thành An vẫn tiếp tục tiến hành hoạt động khai thác ti tan tại khu vực này, gây bức xúc trong dư luận.