Thực hiện Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020” tại tỉnh Đắc Lắc: Cần gỡ khó về nhân lực và nguồn kinh phí

Thực hiện Quyết định số 763/QĐ-TTg, ngày 21-5-2013, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020”, việc thực hiện đề án tại tỉnh Đắc Lắc đã đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên hiện đề án đang gặp khó do thiếu nhân lực và kinh phí.

Trao đổi với chúng tôi về kết quả thực hiện đề án tại tỉnh Đắc Lắc, ông Phạm Văn Láng, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc cho biết: “Năm 2013, UBND tỉnh Đắc Lắc phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắc Lắc đến năm 2020” với tổng kinh phí 85 tỷ đồng, trong đó 60% do Trung ương hỗ trợ, 40% ngân sách tỉnh và nguồn tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Cụ thể hóa dự án trên, UBND tỉnh Đắc Lắc giao 200ha đất lâm nghiệp và rừng khộp tái sinh tại Tiểu khu 462, thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc xây dựng khu hành chính, khu chăm sóc cứu hộ với với kinh phí 18,5 tỷ đồng”.


Các nài voi Đắc Lắc điều khiển 2 con voi nhà chăm sóc voi hoang dã bị thương và thả lại rừng.

Được biết, hiện đàn voi nhà của tỉnh Đắc Lắc còn 44 con, giảm 458 con so với năm 1980; trong đó huyện Buôn Đôn còn 25 con và huyện Lắc còn 19 con. Nhằm hỗ trợ bảo tồn voi nhà, hằng năm Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc tiến hành khám, chữa bệnh định kỳ một lần cho đàn voi với kinh phí 90 triệu đồng. Đồng thời thường xuyên theo dõi, khi phát hiện voi nhà bị thương, mắc bệnh, trung tâm kịp thời cứu hộ, chữa trị. Chẳng hạn, trong tháng 6-2017, trung tâm cứu hộ 6 con voi nhà bị thương do voi hoang dã tấn công. Đồng chí Nguyễn Công Chung, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc (phụ trách bảo tồn voi nhà) cho biết: Trung tâm đã nghiên cứu chu kỳ sinh sản và tiến hành cho 5 cặp voi giao phối. Hiện nay, trung tâm tiếp tục nghiên cứu, theo dõi 8 cá thể voi cái trong độ tuổi sinh sản để áp dụng biện pháp cho giao phối trong thời gian tới.

Trong bảo tồn voi hoang dã, theo nghiên cứu, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có 5 đàn voi hoang dã với khoảng 60-80 cá thể (gồm voi đực, voi cái, voi trưởng thành và voi con), sinh sống trong khu vực rừng thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn và rừng của các công ty lâm nghiệp Ya Mơ, Ya Lốp, huyện Ea Súp. Hiện tại, tỉnh Đắc Lắc đã thành lập được 9 tổ bảo vệ voi hoang dã tại các huyện: Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’leo, đây là địa bàn đàn voi hoang dã thường xuyên xuất hiện, di chuyển và kiếm ăn. Các tổ bảo vệ voi hoang dã cùng với trung tâm bảo tồn voi tổ chức theo dõi, nắm bắt tình hình di chuyển của đàn voi, hỗ trợ xua đuổi khi voi xâm nhập khu vực sản xuất, khu dân cư; hạn chế xung đột giữa voi với người; phát hiện và tham gia cứu hộ khi voi bị thương. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc đã cứu hộ thành công 3 cá thể voi hoang dã bị thương. Trong đó, năm 2013 cứu hộ và thả lại rừng voi con 5 tuổi bị thương ở chân; năm 2015 cứu hộ voi con 3 tuổi bị thương nặng, nay vết thương đã ổn định và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc; năm 2016, cứu hộ voi 3 tháng tuổi bị rơi xuống giếng cạn, hiện voi đã hơn 1 tuổi, phát triển bình thường và đang tiến hành cho nhập đàn.

Bảo tồn đàn voi nhà góp phần phát triển du lịch và lễ hội truyền thống Tây Nguyên.

Mặc dù trong quá trình thực hiện Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020”, tỉnh Đắc Lắc đã có nhiều biện pháp phòng tránh xung đột giữa người với voi hoang dã và giữa voi hoang dã với voi nhà, song do nhiều nguyên nhân mà những xung đột trên vẫn ở mức đáng lo ngại, gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, từ năm 2011 đến 2016 có 2 người chết và 1 người bị thương khi bị voi hoang dã tấn công. Năm 2016 có 1 voi nhà bị chết do xung đột với voi hoang dã; 4 con voi con hoang dã bị chết do sa xuống nước khi đi kiếm ăn; năm 2017 có 6 voi nhà bị thương do xung đột với voi hoang dã.

Về định hướng lâu dài, nhằm bảo tồn đàn voi, hiện nay Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc kiến nghị UBND tỉnh Đắc Lắc lập vùng sinh cảnh cho voi, có diện tích 173.000ha rừng và đất rừng thuộc khu vực Vườn Quốc gia Yok Đôn và huyện Ea Súp với chi phí 20 tỷ đồng; đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường nguồn nhân lực bảo đảm cho công tác bảo tồn voi. Theo đề án bảo tồn voi Đắc Lắc, nhân lực của Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc là 50 người, nhưng hiện mới có 16 người, do đó cần huy động thêm nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác bảo tồn voi. Hiện tại so với nhu cầu, nguồn kinh phí bảo đảm cho thực hiện đề án còn quá thiếu. Mỗi năm Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc chỉ được cấp 2 tỷ đồng, trong đó 1 tỷ đồng chi trả lương, còn lại 1 tỷ đồng dành cho các hoạt động bảo tồn voi nên không đáp ứng nhu cầu thực tế. Để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020”, tỉnh Đắc Lắc rất cần Trung ương hỗ trợ kinh phí và bổ sung thêm nguồn nhân lực.