Biện pháp chống thất thu hiệu quả

Bộ Công thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03, việc kiểm soát nguồn thu từ khoáng sản đã được thực hiện chặt chẽ hơn

Theo đó, trong 2 năm thực hiện Chỉ thị 03, số thu thuế tài nguyên và số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tăng, số nợ đọng giảm nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, kiểm soát nguồn thu khai thác khoáng sản.

Chủ động phối hợp quản lý nguồn thu

Báo cáo cho biết, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03, việc kiểm soát nguồn thu từ khoáng sản đã thực hiện chặt chẽ hơn thông qua sản lượng khai thác thực tế của các các tổ chức, cá nhân. Để tăng cường giám sát về sản lượng tài nguyên khai thác, chống thất thu thuế đối với khoáng sản khai thác, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên, quy định cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan hải quan. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan thuế, tài chính, tài nguyên và môi trường, kho bạc nhà nước và các cơ quan liên quan phối hợp đối chiếu, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác, sản lượng khoáng sản xuất khẩu, sản lượng khai thuế để phát hiện chênh lệch làm căn cứ thanh tra, kiểm tra thu thuế tài nguyên. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)  để theo dõi, đôn đốc số thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản và chỉ đạo các cục thuế địa phương đôn đốc thu kịp thời.

Báo cáo cũng cho biết, hiện nay còn khoảng 2.037 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tạm chưa thu trong giai đoạn từ 1/7/2011 đến 31/12/2013, đến nay đang phải báo cáo các cấp có thẩm quyền tạm hoãn chưa thu vào NSNN. Nguyên nhân do đây là khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phát sinh khi Luật Khoáng sản có hiệu lực (1/7/2011). Tuy nhiên, đến năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/1/2014 quy định phương pháp xác định, quản lý thu vào NSNN khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, quy định hồi tố thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong thời gian từ 1/7/2011 đến 31/12/2013, nên gặp khó khăn tài chính cho doanh nghiệp khi thực hiện và cơ quan thuế trong quản lý thu…

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn phối hợp với Bộ TN&MT ban hành Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC quy định chi tiết một số điều của Nghị định 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, thông tư hướng dẫn cụ thể về xác định giá khởi điểm, bước giá, phương pháp tính tiền, phương thức thu, quản lý tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Về tổ chức quản lý, giám sát nguồn thu từ khoáng sản, Bộ Tài chính đã tổ chức phân công các đơn vị chức năng thường xuyên rà soát việc khai thuế, nộp thuế chấp hành nghĩa vụ thuế; hướng dẫn, giải đáp cơ chế chính sách thuế, nghiên cứu, đề xuất về cơ chế, chính sách thuế đặc thù đối với doanh nghiệp thuộc diện quản lý. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra những đơn vị có dấu hiệu rủi ro, qua đó kiểm soát việc kê khai thuế, nộp thuế, sử dụng hóa đơn, chứng từ để hạn chế thất thoát tài nguyên, khoáng sản. Tổng số thu về thuế tài nguyên năm 2015 là 11.138 tỷ đồng; năm 2016 là 14.754 tỷ đồng.

Về kiểm soát việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Bộ Tài chính và Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ, bằng nhiều biện pháp đôn đốc, kiểm soát, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tăng lên qua các năm (năm 2014 là 846 tỷ đồng, năm 2016 là 3.705 tỷ đồng); số nợ đọng giảm, năm 2016 số phải thu chỉ còn khoảng 1/3 so với năm 2015.

Kiến nghị mạnh tay với DN chây ỳ 

Báo cáo cho biết, việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ gặp khó khăn do chưa có quy định việc hoàn trả số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn lại nếu doanh nghiệp không khai thác hết trữ lượng khoáng sản đã đóng tiền cấp quyền khai thác.

Về xử lý nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, theo quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Quản lý thuế, trách nhiệm của cơ quan thuế là thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện việc thu hồi, chấm dứt giấy phép khai thác ( Điều 80, Điều 81 Luật Khoáng sản). Theo đó, cơ quan thuế chỉ có thể đôn đốc thu, tính tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp thực hiện nộp thuế không đúng quy định. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp xử lý chậm nộp nhưng không hiệu quả. Đối với các trường hợp này, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ TN&MT cần có biện pháp xử lý mạnh sau khi cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp xử lý về thuế như thu hồi giấy phép khai thác để đảm bảo nguồn thu của NSNN và quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản.

Qua báo cáo, Bộ Công thương kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dứt điểm đối với số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đang tạm hoãn chưa thu vào NSNN giai đoạn từ 1/7/2011 đến 31/12/2013. Bộ Công thương cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế tài đối với doanh nghiệp chây ỳ, nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thu hồi quyết định cấp quyền khai thác khoáng sản.