Sau những con số kỷ lục về đầu tư nước ngoài

Năm 2017, con số thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong 10 năm qua; vốn thực hiện cũng xác lập một kỷ lục mới. Quan trọng hơn, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn có sự chuyển biến rõ rệt về chất và cũng dần tạo được tác động lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có một chiến lược thu hút ĐTNN hoàn toàn mới, phù hợp bối cảnh mới để dòng vốn này đạt hiệu quả và sức lan tỏa cao hơn trong những năm tiếp theo.


Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Samsung Việt Nam (Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Tăng cả lượng và chất

Những dấu hiệu xấu từ đầu năm như việc Mỹ đơn phương rút khỏi TPP hay sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ tại nhiều nước đã khiến thu hút ÐTNN trong năm 2017 được nhiều người ví như một bức tranh ảm đạm. Tuy nhiên, thực tế, thu hút ÐTNN trong năm qua đã đạt kết quả rất ấn tượng. Theo công bố của Cục ÐTNN (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), trong năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ÐTNN lên tới 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so cùng kỳ năm 2016. Ðây là mức tăng cao nhất trong mười năm qua. Vốn thực hiện các dự án FDI cũng “san phẳng” kỷ lục vừa được lập trong năm 2016 (15,8 tỷ USD), đạt mốc 17,5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, FDI năm 2017 còn có nhiều đóng góp quan trọng cho xuất khẩu. Tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn ÐTNN đạt 155,24 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2017 tăng 21,1% so với năm 2016 và cũng là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cùng với đó, chất lượng và hiệu quả của FDI năm 2017 tiếp tục được cải thiện. Nhiều dự án có quy mô lớn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết bị điện tử…, đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung, đưa tăng trưởng cả năm vượt mục tiêu 6,7% đề ra. Ðặc biệt, năm 2017 nhiều dự án lớn của nhiều tập đoàn đa quốc gia (Multinational Corporation – MNC) như Samsung, Bosch hay Panasonic,… đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, góp phần gia tăng sức lan tỏa của khu vực ÐTNN. GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ÐTNN (VAFIE) nhấn mạnh: Ðây là cánh cửa để đất nước tiếp cận tốt hơn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy năng suất hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thách thức đến từ nội tại

Với vị thế ngày một nâng cao trong khu vực và thế giới, chính trị cũng như kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư ngày càng chuyển biến tích cực, Việt Nam rõ ràng đang là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà ÐTNN. Cùng với đà hồi phục của kinh tế và thương mại thế giới, các chuyên gia dự báo, thu hút FDI của Việt Nam chắc chắn tiếp tục duy trì đà tăng ít nhất đến năm 2020. Tuy nhiên, những bất ổn từ căng thẳng trong tranh chấp địa chính trị giữa các nước lớn, chính sách bảo hộ mậu dịch ngày một rõ nét tại mọi cấp độ cùng cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt giữa các quốc gia là những yếu tố có thể gây tác động xấu đến thu hút FDI của Việt Nam. Khi đó, sức cạnh tranh của môi trường đầu tư mỗi nước sẽ quyết định thành tựu thu hút đầu tư của nước đó. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn nội tại chưa được khắc phục, như nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, cơ sở hạ tầng và dịch vụ yếu kém so với nhiều nước trong khu vực, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, còn có khoảng cách giữa chính sách cũng như việc thực thi và nhất là năng suất lao động còn thấp.

Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI của Việt Nam cũng đang có không ít hạn chế. Ðó là việc vẫn xuất hiện những dự án có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Cụ thể, trong năm qua, có ba dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện than với số vốn khoảng từ sáu đến bảy tỷ USD. Trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu thì thu hút FDI vào lĩnh vực này cũng cần xem xét cẩn trọng. Nhiều cảnh báo đã chỉ rõ, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì cơ cấu kinh tế như hiện nay, khí thải ô nhiễm phát ra, nhất là trong ngành năng lượng, sẽ tăng gấp đôi chỉ trong 10 năm tới. Ðây là bất lợi khi Việt Nam đang thuộc danh sách những nước có nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu. “Do đó, trong khi các nước đang có một làn sóng đầu tư rầm rộ vào lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thì vì sao chúng ta vẫn tiếp tục thu hút những dự án điện than?”, GS, TSKH Nguyễn Mại trăn trở.

Thứ hai, số dự án nhỏ (vốn đầu tư dưới một triệu USD) được các địa phương “trải thảm đỏ” đón nhận còn nhiều. Nếu các dự án nhỏ này được đầu tư vào các ngành dịch vụ như du lịch, tư vấn công nghệ hay luật pháp thì rất đáng được hoan nghênh; nhưng nếu vào những lĩnh vực DN trong nước đã đủ sức gánh vác thì cần cân nhắc kỹ hơn. Thực tế DN trong nước đang bị DN FDI “lấn sân” đã làm nảy sinh không ít nghi ngại. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Ðình Thiên phân tích: Sự lệch pha giữa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho thấy có sự chênh lệch không nhỏ giữa “phần ngoại” và “phần nội”, trong đó “phần ngoại” đang tăng lên còn “phần nội” đang giảm xuống. Dường như chúng ta đang chú trọng tìm cách thu hút FDI để tăng trưởng kinh tế nhiều hơn so với việc hỗ trợ DN trong nước mạnh lên. Cũng theo ông Trần Ðình Thiên, tăng trưởng GDP và xuất khẩu ngày một gia tăng lệ thuộc vào khu vực FDI, còn sản xuất của khối DN trong nước lại gặp rất nhiều khó khăn.

Thách thức cơ bản nhất của dòng vốn ngoại vẫn là tác động lan tỏa chưa như kỳ vọng, chưa tạo ra hỗ trợ rõ nét để DN trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu với tỷ lệ chỉ đạt 21% số DN, thua xa con số 30% của Thái-lan và 46% của Xin-ga-po. Phát biểu ý kiến tại một hội thảo khoa học được tổ chức gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ cũng băn khoăn: Chúng ta nói phải chọn lọc nhà đầu tư FDI, chọn FDI có công nghệ cao, thân thiện môi trường, có chuỗi giá trị sẵn sàng kết nối với DN trong nước, làm cho DN trong nước mạnh lên. Tuy nhiên, vấn đề là kết nối như thế nào khi thời gian qua hai khu vực này chưa kết nối và phát triển đồng đều.

Nguyên nhân khó khăn trong việc thúc đẩy mối liên kết chưa bền chặt giữa DN “nội” với khối DN FDI, theo ông Nguyễn Mạnh Linh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) là đến từ cả hai phía. Trước hết, rất ít DN trong nước đủ khả năng cung ứng sản phẩm đầu vào cho DN FDI do công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý, chủng loại sản phẩm cung ứng của DN Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cao từ phía khách hàng; thiếu các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, thúc đẩy liên kết từ phía Chính phủ và các cơ quan hỗ trợ DN. Ngược lại, DN FDI cũng chưa chủ động, tích cực kết nối để hỗ trợ DN “nội” tham gia vào chuỗi sản xuất của họ. Việc thực hiện những cam kết hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật của DN FDI dường như bị bỏ ngỏ, dẫn đến nguy cơ DN FDI sẽ dễ dàng đến và đi tùy theo độ hấp dẫn của thị trường.

Cần một chiến lược hoàn toàn mới

Nếu chỉ tập trung vào số vốn, thu hút FDI “bằng mọi giá”, sẽ đưa đến nhiều hệ lụy. Ðó là hủy hoại môi trường, suy kiệt tài nguyên, nguồn lực đất nước hay thậm chí kìm hãm sự phát triển của DN trong nước. Trước những thách thức nêu trên, theo các chuyên gia, khi chúng ta đã có đủ điều kiện thực thi một cách nghiêm túc hơn quyền được lựa chọn của nước nhận đầu tư như hiện nay, đã đến lúc cần hình thành định hướng và chính sách mới về thu hút ÐTNN. Ðặc biệt, trong bối cảnh đất nước cũng cần nhanh chóng bắt nhịp với những thay đổi ngày càng mạnh mẽ do cuộc CMCN 4.0 mang lại.

Trước hết, ngành nghề ưu tiên trong chiến lược thu hút FDI mới cần được thay đổi để ưu tiên nhiều hơn cho công nghệ xanh, hiện đại và càng tiếp cận với công nghệ CMCN 4.0 càng tốt. Cùng với đó là sự thay đổi của chính sách ưu đãi. Nếu từ trước đến nay, chúng ta thường coi thuế là công cụ ưu đãi chủ yếu thì nay cần phải gắn với hiệu quả của các dự án ÐTNN, theo hướng mới về thu hút FDI. GS, TSKH Nguyễn Mại kiến nghị: Chúng ta phải xem xét lại toàn bộ chính sách ưu đãi dành cho DN FDI từ trước đến nay để đưa ra những thay đổi cơ bản theo hướng những dự án nào mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít ảnh hưởng môi trường, tiếp cận tốt với định hướng mới thì ưu đãi nhiều hơn, chứ không chỉ dựa vào quy mô hay số lượng việc làm tạo ra như cách làm trước đây. Tiếp đó, cần tổ chức lại toàn bộ quá trình từ xúc tiến đầu tư cho đến thẩm định, cấp phép, triển khai hay đánh giá hiệu quả của các dự án FDI. Cụ thể, với “điểm cộng” đã được thực chứng bằng việc nhiều tập đoàn đa quốc gia (MNC) đang tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để tìm đến các MNC khác phù hợp định hướng thu hút FDI mới. Cơ hội để các MNC đầu tư vào Việt Nam sẽ rộng mở nếu xúc tiến đầu tư có địa chỉ, có chiến lược tập trung chứ không dàn trải như hiện nay. Việc thẩm định cũng cần thay đổi theo hướng không chỉ vì lợi ích trước mắt của từng vùng, từng địa phương mà phải coi trọng lợi ích lâu dài chung của đất nước; đánh giá hiệu quả phải coi tác động lan tỏa là yếu tố chủ chốt. Chỉ như vậy, dòng vốn ÐTNN mới thật sự mang lại những giá trị bền vững cho Việt Nam trong thời gian tới.