Phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo: Còn nhiều vướng mắc

Là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, tuy nhiên việc đầu tư cho lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân là tính kinh tế của nguồn năng lượng tái tạo chưa thực sự hấp dẫn, cùng với đó là những vướng mắc liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện và trình độ áp dụng công nghệ…

Cần xây dựng các cơ chế khuyến khích phù hợp để phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Hải Anh

Tiềm năng lớn

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 đến 3.000 giờ với nhiệt độ bình quân năm trên 21 độ C. Ngoài ra còn có tiềm năng lớn về các dạng năng lượng tái tạo khác như: Gió, sinh khối, địa nhiệt… Đây là những nguồn năng lượng sạch, quý giá, cần được khai thác hợp lý. Trên thế giới, năng lượng tái tạo có 3 dạng chính là năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Là quốc gia nhiệt đới gió mùa, bờ biển dài hơn 3.260km, gió biển quanh năm nên Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh này để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với công nghệ hiện đại, chỉ cần tốc độ gió 5m/s trở lên, tua bin đã có thể phát ra điện. Ước tính, điện gió trên đất liền của Việt Nam có thể tạo ra khoảng 40-50 nghìn MW. Nếu tính thêm tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng trên 100 nghìn MW.

Cùng với đó, bức xạ mặt trời tại Việt Nam cũng được coi là nguồn năng lượng vô tận. Mức độ bức xạ mặt trời tính bình quân có thể đạt khoảng 3-5 kWh/m2/ngày, số giờ nắng bình quân hằng năm khoảng 2.500-3.000 giờ. Việt Nam có thể lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời ở bờ biển, trên hồ nước, đồng bằng, rừng núi, trên mái nhà… Nếu lấy trung bình khoảng 1 héc ta thu được 1 MW điện mặt trời, Việt Nam có thể sản xuất ra hàng chục nghìn MW công suất từ bức xạ năng lượng mặt trời.

Cần chính sách ổn định

Thuận lợi là vậy, nhưng trong quá trình triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn – Hiệu quả – Bền vững”, do các bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức cuối năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với những khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng… những dự án năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều vướng mắc khác như quy hoạch mới chỉ đề cập đến quy mô công suất theo vùng, theo khu vực, chưa xác định được địa điểm cụ thể, gây khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện. Công suất phát của các dự án năng lượng tái tạo không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, bức xạ mặt trời…

Cùng với đó là hệ thống tiêu chuẩn chuyên ngành/tiêu chuẩn thiết kế, vận hành… đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo còn thiếu và chưa đồng bộ. Để giải quyết những khó khăn này, ông Nguyễn Văn Vy cho rằng, Nhà nước cần xây dựng chính sách ổn định, lâu dài cho phát triển năng lượng tái tạo, tăng độ tin cậy cho các nhà đầu tư, đồng thời xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình nguồn điện từ năng lượng tái tạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, để thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, Bộ đã nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc sử dụng năng lượng tái tạo cho sản xuất điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII điều chỉnh) tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016.

Theo đó, đã khẳng định ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mục tiêu là đạt tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và hơn 10% vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng các cơ chế khuyến khích phù hợp, trong đó tập trung vào cơ chế giá hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt; có chính sách hỗ trợ về đầu tư, thuế để phát triển năng lượng tái tạo; tăng cường hợp tác với các nước thực hiện cơ chế phát triển sạch dưới hình thức phát triển năng lượng tái tạo…

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đang triển khai và chuẩn bị đầu tư 23 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 3.100MW. Cụ thể, EVN đã xác định địa điểm và lập quy hoạch 4 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 575MW. Bên cạnh đó, EVN đang triển khai nghiên cứu quy hoạch 2 dự án (Phước Trung, Ninh Thuận 50MW; Lộc Ninh 1, Bình Phước 200MW). Các tổng công ty trực thuộc EVN đang triển khai 17 dự án, tổng công suất khoảng 1.700MW.

Về điện gió, EVN đang quản lý vận hành nhà máy điện gió với công suất 6MW trên đảo Phú Quý. Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình đã đưa vào vận hành 1 dự án 24MW và đang nghiên cứu phát triển 4 dự án với tổng công suất khoảng 570MW.