7 điểm sáng về năng lượng sạch năm 2017

Ấn phẩm ScienceAlert đã xếp hạng 7 điểm sáng về năng lượng sạch trong năm 2017.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng sạch vào năm 2050 – Ảnh: EAST NEWS

Mặc dù việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là cấp bách hơn bao giờ hết, nhưng chúng ta cũng mừng vì thấy rằng trong năm 2017, năng lượng tái tạo đã có bước nhảy vọt về chất lượng.

Ấn phẩm ScienceAlert đã xếp hạng 7 điểm sáng về năng lượng sạch trong năm 2017.

1. Vượt cả ước mơ của những người soạn thảo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Cứ với đà phát triển năng lượng sạch như trong năm 2017, theo nghiên cứu gần đây, 3/4 các quốc gia trên thế giới sẽ hoàn toàn từ bỏ nhiên liệu hóa thạch sau 32 năm nữa. Hầu hết các quốc gia sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng sạch vào năm 2050.

Khoảng 132 quốc gia trên thế giới vào giữa thế kỷ XXI sẽ chỉ sản xuất năng lượng hoàn toàn từ gió, mặt trời, nước và nhiên liệu sinh học. Điều này thậm chí còn vượt cả ước mơ của những người soạn thảo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

2. Một tỉnh của Trung Quốc đã hoàn toàn dùng năng lượng tái tạo trong vòng 1 tuần

Trung Quốc từ lâu đã phải  gánh chịu những  hậu quả về môi trường do một số lượng quá lớn các xí nghiệp công nghiệp, xe hơi động cơ đốt trong và các nhà máy điện than. Do đó, đất nước này đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng sạch. Kết quả là mùa hè 2017, tỉnh Thanh Hải với dân số 5,6 triệu người đã có thể sống cả tuần chỉ với năng lượng xanh.

3. California “chơi khăm” tổng thống Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận sự ấm lên toàn cầu, nhưng điều này không có nghĩa là nước Mỹ cũng như vậy. Vào tháng 5.2017, California đã phá kỷ lục về việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, chiếm 62,7% tổng số năng lượng tiêu thụ. Còn nếu tính cả các nhà máy thủy điện thì tỷ lệ đó lên tới 80%.

4. Ấn Độ từng bước từ bỏ than

Ấn Độ, một trong những quốc gia lớn nhất thế giới đang dần dần hướng tới năng lượng tái tạo. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng mặt trời ở Ấn Độ mà ngành công nghiệp than không còn sinh lợi. Chẳng hạn, Công ty Coal India, đã phải công bố kế hoạch đến tháng 3.2018, đóng cửa 37 mỏ than, chiếm khoảng 9% tổng số mỏ than của công ty.

5. Costa Rica sống 300 ngày bằng năng lượng sạch

Đất nước Trung Mỹ với dân số 5 triệu dân này đã dùng các nguồn năng lượng tái tạo trong 300 ngày. Trước đó, năm 2016, Costa Rica lập kỷ lục 250 ngày chỉ dùng năng lượng sạch so với mốc 299 ngày trong năm 2015.

6. Đức biến mỏ than thành một trạm trữ năng lượng

Các mỏ than bị đóng cửa ở Đức vẫn có thể được tận dụng. Cụ thể, Đức đã biến một mỏ sâu 600m ở thành phố Bottrop thành một ắc quy điện khổng lồ công suất 200MW. Công suất này đủ dùng cho 400 nghìn hộ. Nó sẽ hoạt động theo nguyên tắc của ắc quy và tích lũy năng lượng dư thừa từ các tấm pin mặt trời và các trạm điện gió.

7. Trung Quốc xây dựng nhà máy điện mặt trời hình gấu trúc khổng lồ

Nhà máy điện mặt trời độc đáo này nằm ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây và trong 25 năm tới sẽ sản xuất 3,2 tỉ kilowatt giờ điện. Hy vọng sẽ xuất hiện thêm nhiều gấu trúc như vậy.