Nhiệt độ các tỉnh phía bắc sẽ giảm sâu

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, từ ngày 16-12, do tác động của khối không khí lạnh có cường độ mạnh cho nên nhiệt độ các tỉnh phía bắc sẽ đồng loạt giảm sâu. Không khí lạnh liên tục được bổ sung, gây ra tình trạng rét đậm, rét hại diện rộng, vùng núi cao có thể xuất hiện băng giá. Nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở trung du và đồng bằng xuống còn 7 đến 11oC, vùng núi dưới 7oC, vùng núi cao dưới 3oC.

Trạm bơm Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) luôn bảo đảm nguồn nước phục vụ công tác đổ ải vụ đông xuân 2017-2018.

* Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường khiến nhiệt độ nhiều nơi ở tỉnh Lào Cai đồng loạt giảm, ở các vùng núi rét đậm, rét hại.

Các trạm khí tượng trong khu vực quan trắc được nhiệt độ thấp nhất ở một số nơi như thành phố Lào Cai 15,3oC; Phố Ràng huyện Bảo Yên 14,7oC; vùng núi Bắc Hà 10,4oC; Sa Pa 7,2oC.

* Tổng cục Thủy lợi dự kiến, sẽ có ba đợt xả nước các hồ thủy điện để phục vụ công tác đổ ải vụ đông xuân 2017 – 2018 các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du, miền núi phía bắc. Trong đó, đợt xả nước lần thứ nhất sẽ kéo dài bốn ngày, từ ngày 16 đến 19-1-2018. Tổng cục Thủy lợi đề nghị các tỉnh cần tranh thủ lấy nước nhiều nhất từ sông Hồng vào hệ thống thủy lợi để tưới dưỡng cho lúa. Đồng thời chuẩn bị phương tiện, thiết bị tại các công trình đầu mối, nạo vét hệ thống kênh dẫn, bảo đảm công tác lấy nước nhanh, tiết kiệm và hiệu quả.

* Trong các ngày từ 11 đến 14-12, Bộ Tài chính làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm về tình hình bồi thường bảo hiểm tại một số địa phương bị thiệt hại do bão số 12. Theo báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm, tại 13 địa phương bị thiệt hại, ước tính tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm là 1.514 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường đợt đầu gần 60 tỷ đồng. Đến hết tháng 12, Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt sẽ bồi thường 500 tỷ đồng, góp phần giúp các địa phương sớm khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất.

* Ngày 12-12, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn 6971/UBND-KTTH hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán các nguồn kinh phí khắc phục hậu quả do mưa, lũ năm 2017. Cụ thể, mức hỗ trợ người chết, người mất tích bảy triệu đồng/người; người bị thương nặng ba triệu đồng/người. Gia đình có nhà ở bị đổ sập, trôi được hỗ trợ kinh phí làm nhà 40 triệu đồng/nhà. Gia đình có nhà bị hư hỏng nặng không ở được (thiệt hại hơn 70% giá trị nhà ở) được hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà. Công văn cũng quy định rõ các mức hỗ trợ các hộ sản xuất bị thiệt hại trực tiếp do mưa, lũ năm 2017.

* Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh Hải Dương dự báo, trong thời gian đổ ải gieo cấy lúa đông xuân 2017 – 2018, trên địa bàn sẽ xuất hiện năm đợt triều cường để các địa phương có thể tận dụng đổ ải tự chảy. Đỉnh triều cao nhất có khả năng từ 1,5 đến 1,6 m. Vì vậy, các địa phương khu vực hạ lưu sông như Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà… tranh thủ thời điểm triều cường đổ ải tự chảy để tiết kiệm chi phí.

* UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật xây dựng công trình xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê hữu sông Cầu Chày, đoạn từ K6 đến K9+400, xã Thọ Thắng, huyện Thọ Xuân. Theo đó, tỉnh bố trí hơn 13 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư phân bổ năm 2017. Dự án được thực hiện trong năm 2017 và năm 2018, nhằm sớm đưa công trình vào phục vụ công tác phòng, chống lụt bão.

* Hiện nay, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế có khoảng 30 km bờ biển bị sạt lở; trong đó, có 10 km với mười điểm bị sạt lở nặng, tốc độ xâm thực mỗi năm sâu vào đất liền từ 10 đến 15 m. Tỉnh đề nghị các địa phương trước mắt chủ động bố trí kinh phí, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tổ chức sửa chữa, nạo vét các tuyến đê điều, kênh mương nội đồng bị hư hỏng, bồi lấp để chuẩn bị bước vào sản xuất vụ đông xuân 2017 – 2018.

Thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi

Ngày 12-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị”, lấy ý kiến các chuyên gia nhằm xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, xây dựng chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2016 – 2020. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi; thực hiện liên kết chuỗi sẽ giúp cải thiện dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, về chính sách xây dựng chuỗi, phần thua thiệt vẫn đang đứng về phía người chăn nuôi, do vậy, cần có chính sách tốt hơn, mọi thành viên trong chuỗi đều được chia sẻ.