“Đóng cửa” giữ môi trường

Cuối tháng 10.2017, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Cty CP Đường Bình Định (BISUCO) dừng hoạt động “để khắc phục tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường”. Văn bản 5767/UBND-KT do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu ký, giao UBND huyện Tây Sơn giám sát, Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) đôn đốc, kiểm tra việc khắc phục tình trạng gây ô nhiễm của doanh nghiệp. BISUCO không được sản xuất vụ mới cho đến khi đáp ứng đòi hỏi do cơ quan quản lý môi trường đưa ra.

BISUCO có nhiều vấn đề về xử lý môi trường. Ảnh: Dân trí

Đây là kết cục được báo trước, khi từ tháng 5.2017, Đường Bình Định từng bị UBND tỉnh “chiếu tướng”. Doanh nghiệp bị buộc phải hoàn thiện, đánh giá hiệu quả hệ thống xử lý nước thải đầu ra theo QCVN 40:2011/BTNMT; lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải; phân loại, bố trí khu vực lưu chứa chất thải nguy hại theo quy định…

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở TNMT Bình Định Huỳnh Quang Vinh, tại cuộc kiểm tra ngày 11.9 mới đây, Cty CP Đường Bình Định chỉ mới thực hiện báo cáo giám sát môi trường tháng 5.2017; kê khai phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Dù BISUCO đã liên hệ đơn vị tư vấn lấy mẫu đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống xử lý nước thải, nhưng kết quả cho biết: “chưa đạt quy chuẩn cho phép”.

Ngoài ra, nhiều nội dung bị doanh nghiệp “treo nợ” như chưa bố trí khu vực lưu chứa đảm bảo và hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; chưa bố trí khu vực chứa bã mía, khu vực chứa tro đảm bảo không thất thoát ra môi trường; chưa cải tạo hệ thống mương thoát nước mưa đảm bảo thu gom toàn bộ nước mưa trên mặt bằng không để nước thải lẫn vào…

Thời hoàng kim, BISUCO từng quy hoạch vùng nguyên liệu 16.000 ha, lên tới đông Gia Lai. Năm 2006, hơn 90% CP BISUCO được bán cho nhà đầu tư Ấn Độ với giá 93 tỉ đồng. Nhiều năm kinh doanh có lãi nhưng BISICO bị người lao động phản ứng do nợ lương, BHXH. Đây là đơn vị có tên trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường từ năm 2011.

Ông Đỗ Văn Sỹ – Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn – bức xúc: “Nhà máy đường Bình Định xả thải ra sông Côn làm ô nhiễm nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của người dân. Không riêng Tây Sơn, các địa phương phía hạ nguồn cũng không loại trừ bị ảnh hưởng. Để đánh giá, cần khảo sát, đo lường cụ thể, trước mắt từng có trường hợp cá chết nhiều nghi do ô nhiễm”.

Nguồn: