Tam giác vàng: Thú rừng chết vì du khách săn tìm

Khách du lịch từ Trung Quốc được cho là nhân tố chính thúc đẩy việc buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã ở vùng Tam giác vàng.

Ngày 2-11, Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết các loài thú quý hiếm nguy cấp như hổ, voi, gấu và tê tê là bốn loài trong 10 loài thú bị buôn bán nhiều nhất tại khu vực Tam giác Vàng (nơi giáp ranh giữa Lào, Thái Lan và Myanmar).

Tê giác, sơn dương, chim hồng hoàng mỏ sừng, bò tót, báo và rùa cũng nằm trong số loài nguy cấp bị bày bán ngang nhiên tại các địa điểm buôn bán động thực vật hoang dã ở vùng biên giới nói trên.

Vảy của tê tê thường được săn lùng tại Trung Quốc và Việt Nam nên loài thú này trở thành loài bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Ảnh: TRUNG THANH

Danh sách 10 loài bị buôn bán nhiều nhất nói trên được xác định dựa vào kết quả nghiên cứu của WWF, của Tổ chức TRAFFIC và Mạng lưới Giám sát buôn bán các loài động thực vật hoang dã.

Theo khảo sát của các tổ chức nói trên, khách du lịch từ Trung Quốc là nhân tố chính thúc đẩy việc buôn bán bất hợp pháp này.

“Du khách thường đến các khu vực MongLa và Tachilek tại Myanmar, khu vực biên giới như Boten và Đặc khu kinh tế Tam giác vàng tại Lào – những điểm nóng buôn bán động thực vật hoang dã bất hợp pháp” – báo cáo của WWF thể hiện.

Rùa cũng là một trong nhóm loài buôn bán nhiều ở vùng Tam giác vàng. Ảnh: TRUNG THANH

Cũng theo WWF, rất nhiều hổ nuôi nhốt và hổ hoang dã của châu Á bị buôn bán tại khu vực Tam giác vàng. Số phận của chúng sẽ kết thúc tại các bàn tiệc hoặc được sử dụng để ngâm rượu, làm thuốc và các đồ trang sức xa xỉ.

Quần thể voi châu Á và châu Phi cũng đang bị đe dọa do việc buôn bán da voi ngày càng tăng, cùng với nhu cầu không hề giảm về ngà voi.

Ông Chrisgel Cruz, cố vấn kỹ thuật chương trình Chống buôn bán các loài hoang dã của WWF-Greater Mekong, bày tỏ: “Các khu vực biên giới như Tam giác vàng là nơi các hoạt động buôn bán này phát triển mạnh. Việc buôn bán bất hợp pháp đang đẩy hàng trăm loài hoang dã, không chỉ ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong mà còn trên toàn thế giới vào tình trạng nguy hiểm”.