Nâng cao năng lực phòng chống bão, lũ cho người dân

Quảng Bình là địa phương thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, nhất là mưa bão và lũ lụt, gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Gia đình ông Hoàng Văn Tám ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có ngôi nhà kiên cố, cao ráo, không còn lo lắng cảnh chạy lũ (Ảnh: Võ Dung/Báo Tin Tức)

Nhằm hỗ trợ các hộ nghèo được tiếp cận với những giải pháp phòng chống thiên tai, Chính phủ đã ban hành các chương trình, dự án hỗ trợ phục hồi sau thiên tai, thảm họa. Một trong những chương trình phát huy hiệu quả thiết thực với người dân Quảng Bình là chương trình hỗ trợ xây dựng nhà chống bão, lũ.

Những hình ảnh trong trận lũ kép lịch sử tháng 10/2016 vẫn ám ảnh người dân Quảng Bình bởi những tổn thất mà mưa lũ gây ra. Toàn tỉnh đã có 25 người chết, 39 người bị thương, trên 200 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và bị lũ cuốn trôi; gần 93.000 ngôi nhà bị nhấn chìm trong biển nước; hàng ngàn hecta lúa và hoa màu bị thiệt hại, hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm bị chết… Nhằm hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, tháng 3/2017, dự án “Cứu trợ phục hồi sau lũ tháng 10 năm 2016 cho nhân dân tỉnh Quảng Bình” do Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc tài trợ thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được triển khai thực hiện có hiệu quả tại 7 xã, thuộc 5 huyện trên địa bàn toàn tỉnh.

Với tổng kinh phí hỗ trợ trên 4,5 tỷ đồng, dự án đã triển khai xây dựng 83 căn nhà chống bão, lũ lụt cho các hộ nghèo của tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại nặng trong trận lũ kép lịch sử năm 2016. Dự án được triển khai thực hiện với hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (từ tháng 3 – 6/2017) hỗ trợ xây dựng 41 căn nhà tại các xã Phù Hóa, Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch); xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa) và giai đoạn 2 (từ tháng 5 – 9/2017) xây dựng 42 căn nhà tại các xã Hạ Trạch, Bắc Trạch (huyện Bố Trạch); xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy). Đến nay, những ngôi nhà mới nằm trong dự án đã được bàn giao cho các hộ gia đình thuộc đối tượng hưởng lợi. Từ khi có nhà mới kiên cố, nỗi lo chạy lụt bão không còn, nhiều gia đình đã yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế và có hộ đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Gia đình anh Trần Ngọc Hưng, ở thôn Trường Xuân là một trong những hộ nghèo của xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch. Anh Hưng cho hay: Anh có 4 người con đang tuổi ăn học, cuộc sống hàng ngày của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Vợ chồng anh còn phải chăm nuôi người em gái bị thiểu năng trí tuệ, không có khả năng lao động. Trận lũ lịch sử năm 2016, ngôi nhà của gia đình bị ngập sâu gần 2m. Sau khi nước rút, toàn bộ tài sản ít ỏi cũng đã bị nước lũ cuốn trôi. Cả gia đình phải leo lên nóc nhà tránh lũ. Sau khi được địa phương xét duyệt đủ điều kiện thuộc đối tượng được hưởng lợi từ dự án, đến nay, cả gia đình anh Hưng an tâm sống trong căn nhà mới vững chãi, kiên cố.

Ban điều hành dự án, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Hội chữ thập đỏ các cấp, chính quyền địa phương được hưởng lợi triển khai thực hiện đúng quy trình. Việc bình xét, lựa chọn hộ hưởng lợi được triển khai nghiêm túc và chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng.

Theo đó, 100% gia đình đều là hộ nghèo thuộc khu vực nguy cơ cao với bão, lụt theo quy định và tiêu chí hiện hành. Các hộ dân này thuộc đối tượng trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân xã quản lý và được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017. Hộ có nhà bị sập hoặc hư hỏng nặng do lũ lụt tháng 10/2016 nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ về làm nhà ở hoặc hộ gia đình nghèo nằm trong vùng có nguy cơ cao chưa có nhà ở kiên cố dễ bị thiệt hại do lụt, bão.

Nhà của bà Hà Thị Hồng ở xã Mai Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình do dự án“Cứu trợ phục hồi sau lũ tháng 10 năm 2016 cho nhân dân tỉnh Quảng Bình” tài trợ. (Ảnh: Võ Dung/Báo Tin Tức)

Ban điều hành dự án đã phối hợp với Sở Xây dựng Quảng Bình thống nhất và ban hành các mẫu thiết kế nhà phòng, tránh bão, lũ cho các hộ nghèo phù hợp với từng địa bàn. Cùng với đó, cử các kỹ sư có chuyên môn, kinh nghiệm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng nhà phòng, tránh bão, lũ cho các chủ hộ và đội thợ xây do hộ hưởng lợi hợp đồng.

Ông Cao Quang Cảnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình cho biết: Dự án này rất có ý nghĩa đặc biệt với những hộ nghèo sống trong vùng tâm bão, lũ. Dự án đã hướng tới hỗ trợ, xây dựng những ngôi nhà an toàn cho các hộ dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai thuộc các đối tượng người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng dễ bị tổn thương. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực sống an toàn, giúp dân kiên cố hóa nhà ở, yên tâm sản xuất, xây dựng cộng đồng an toàn, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới; chủ động giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Dự án cũng đã tạo động lực, nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ bộ Hội các cấp trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ nhân dân. Bên cạnh đó, dự án cũng mang lại những bài học kinh nghiệm để Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình có những căn cứ xây dựng, hoàn chỉnh cuốn tài liệu về quá trình thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão cho nhân dân.

Dự án “Cứu trợ phục hồi sau lũ tháng 10 năm 2016 cho nhân dân tỉnh Quảng Bình” cùng với các chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng, tránh bão, lũ đã góp phần thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lũ khu vực miền Trung theo Quyết định số 48, ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng an toàn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đặc biệt trong cơn bão số 10/2017, các hộ hưởng lợi từ dự án không bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra. Tính mạng, các vật dụng, tài sản, lương thực, nhu yếu phẩm trong mỗi gia đình không bị thiệt hại.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình cho biết thêm: Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục vận động, huy động tranh thủ nguồn lực hỗ trợ để xây dựng nhà ở an toàn cho các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội; tuyên truyền người dân chủ động phòng chống thiên tai. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, hoạt động, dự án đầu tư, hỗ trợ; rà soát nhu cầu địa phương và các đối tượng cần được hỗ trợ.  Tuy nhiên, để phòng chống thiên tai hiệu quả, cần kết hợp thực hiện cả giải pháp phi công trình và công trình. Người dân Quảng Bình cần rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ các cấp các ngành, để góp phần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai của người dân.