Nguy cơ biển “nuốt” làng

Sau bão số 10, không chỉ đời sống dân sinh bị ảnh hưởng mà cơ sở hạ tầng của Hà Tĩnh cũng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Hàng trăm km đê biển, đê cửa sông xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân sống ở những vùng xung yếu luôn thường trực sự lo lắng, bất an. Hiện có hơn 13 km đê kè vỡ, sạt lở được vá víu tạm bợ khiến nguy cơ biển “nuốt” đang đe dọa cư dân nơi đây.

Đoạn kè sạt lở ở xã Cẩm Nhượng (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Sống trong lo lắng

Mặc dù bão số 10 đã đi qua hơn 1 tháng nhưng người dân xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên vẫn chưa hết lo lắng, nhất là khi hàng ngày chứng kiến cảnh “bom nước” đe dọa hệ thống đê kè, nơi gắn liền với cuộc sống, sinh mạng người dân.

Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Khắc Hảo (thôn Hải Nam) lo lắng: “Cơn bão vừa rồi cuốn mất nhà nên giờ chúng tôi dồn hết sức lực, của cải để làm nhà ở nhưng khi làm cũng rất đắn đo vì sống ngay sát biển mà hệ thống đê kè vừa rồi bị sóng đánh vỡ, sạt lở chưa được xây lại kiên cố, chỉ cần một cơn bão nhẹ cũng có thể cuốn trôi hệ thống đê kè này”.

Xã Cẩm Nhượng được bao quanh hoàn toàn bằng đê, kè. Hàng nghìn hộ dân sống phụ thuộc vào hệ thống đê chắn sóng này nhưng bão Doksuri đã khiến 1,2 km sạt lở, hư hỏng nặng, trong đó có khoảng 400m cần khắc phục ngay.

“Vừa rồi huyện đã huy động lực lượng, phương tiện đổ đất, cát vào bao tải để đắp lại những đoạn bị xói lở nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng tôi đã làm tờ trình lên huyện, tỉnh đề nghị có phương án sửa chữa, xây dựng những đoạn đê xung yếu nhưng không biết khi nào mới có kinh phí để xây dựng?”, ông Nguyễn Sỹ Huyền – Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng nói.

Tại xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên, do thiếu vốn nên tuyến đê ngăn mặn Lộc Hà phải dừng lại đột ngột. Trong bão số 10 vừa rồi, chính đoạn đê cụt này trở thành “điểm chốt” đe dọa cuộc sống của gần 400 hộ dân ở các thôn Xuân Hạ, Thạch Xuân.

“Theo thiết kế, còn phải xây dựng 800m đê nữa nhưng vì thiếu vốn nên đơn vị thi công phải dừng lại. Bây giờ hậu quả để lại là 120ha đất 2 lúa bị xâm mặn, muốn sản xuất trở lại buộc phải đào mương thoát nước, bơm nước rửa mặn, tốn khá nhiều kinh phí. Điều đáng lo ngại nhất là đoạn đê cụt này trở thành cửa để nước biển tràn vào mỗi khi triều cường lên”, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà chia sẻ.

Tình trạng sạt lở dọc bờ biển tại xã Kỳ Lợi, Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh cũng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nhiều vị trí xung yếu bị sóng biển đánh tan, nước biển tràn vào nhà và khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân.

Tại xã Kỳ Lợi có trên 12km đường bờ biển, trong đó có hơn 4km là khu vực dân cư sinh sống với trên 3.000 nhân khẩu. Thời gian qua, do chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu nên tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển diễn ra với tốc độ nhanh và đang “ngoạm” dần đất ở của người dân.

Bà Trương Thị Niệm (68 tuổi, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) cho biết: “Chưa bao giờ thấy tình trạng bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng như năm nay. Đặc biệt, bão số 10 đã đánh tan toàn bộ hệ thống bờ kè mà chúng tôi xây dựng để chắn sóng. Sống thế này sợ lắm”.

Cần đầu tư cấp bách 42 km đê

Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, tại một số vị trí như: Đê Kỳ Hà, đê Hoàng Đình (thị xã Kỳ Anh) nước dâng trong bão số 10 vượt cao trình đỉnh đê gần 1m; tuyến kè Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên); đê biển Thạch Kim (huyện Lộc Hà) nước dâng trong bão vượt cao trình đỉnh đê khoảng 2 – 3 m.

Bão số 10 giật cấp 15, trong khi đó hệ thống đê biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ mới thiết kế chống bão cấp 10, tần suất triều trung bình 5%. Chính vì vậy, sau bão, toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 13km đê biển bị vỡ, sạt lở, thiệt hại ước tính 98 tỷ đồng.

Thực hiện Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình đầu tư, củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam; trên địa bàn Hà Tĩnh có 282 km đê biển, đê cửa sông cần được đầu tư nâng cấp.

Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, Hà Tĩnh mới đầu tư được 170 km đê theo tiêu chuẩn chống bão cấp 10, tần suất triều 5%, còn lại khoảng 110 km đê chưa được đầu tư nâng cấp; trong đó có 42 km đê xung yếu cần được ưu tiên đầu tư cấp bách với kinh phí dự kiến khoảng 782 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Chi cục thủy lợi Hà Tĩnh, đơn vị đã gửi văn bản kiến nghị lên Sở NN&PTNT và UBND tỉnh nhưng do nguồn lực có hạn nên tỉnh cũng chưa có phương án.

Để khắc phục các tuyến đê bị hư hỏng nặng do bão số 10 gây ra, đồng thời ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến đê xung yếu trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo an toàn cho đời sống, sản xuất của người dân khu vực các tuyến đê trực tiếp bảo vệ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã đề nghị UBND tỉnh xem xét đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước mắt hỗ trợ 98 tỷ đồng để khắc phục ngay các vị trí bị vỡ, hư hỏng nặng. Ngoài ra, kiến nghị hỗ trợ 782 tỷ đồng để củng cố, nâng cấp các tuyến đê xung yếu trên địa bàn.