Tái cơ cấu nông nghiệp Tây Bắc: Thực trạng và giải pháp

ThienNhien.Net – Tây Bắc gồm 12 tỉnh và 21 huyện phía tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, chiếm trên 33% diện tích tự nhiên cả nước, tổng dân số gần 11 triệu người, trong đó có tới hơn 80% sống ở nông thôn và làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Không chỉ là địa bàn trọng điểm về chính trị, an ninh, quốc phòng với hơn 30 dân tộc anh em cùng chung sống, Tây Bắc còn có ưu thế lớn trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp với tiềm năng dồi dào về tài nguyên rừng và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ cũng như thế mạnh trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc, các loại lúa đặc sản địa phương, cây dược liệu, các loại rau quả nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới và chăn nuôi gia súc… Tuy nhiên, nông nghiệp Tây Bắc chưa có nhiều bứt phá so với kỳ vọng do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của thiên tai, BĐKH cũng như những hạn chế trong quá trình xây dựng, triển khai các chính sách phát triển, đặc biệt là chính sách tái cơ cấu.

Tiềm năng song hành thách thức

Kết quả phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc gần đây cho thấy tỷ trọng nông lâm nghiệp toàn vùng chiếm 24,15% trong tổng cơ cấu kinh tế. Năm 2015, tổng diện tích cây lương thực có hạt đạt 985 nghìn ha, sản lượng ước đạt 4,1 triệu tấn, bình quân đầu người đạt 456 kg, an ninh lương thực được đảm bảo. Đối với lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện Tây Bắc đang từng bước chuyển dịch theo hướng mô hình trang trại, gia trại và chế biến công nghiệp, đặc biệt nhiều mô hình trang trại chăn nuôi và nuôi cá nước lạnh (như cá hồi, cá tầm) đang được phát triển mạnh ở Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong lâm nghiệp, vùng cũng chú trọng quy hoạch lại ba loại rừng theo hướng tăng tỷ trọng rừng sản xuất, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích có rừng toàn vùng hiện vào khoảng 6 triệu ha, tỷ lệ che phủ năm 2015 đạt 51,8%, tăng 1,4% so với năm 2011.

Nhìn chung, bộ mặt nông thôn miền núi Tây Bắc có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng được cải thiện, chất lượng đời sống người dân dần được nâng lên. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và chưa tạo được bước đột phá. Một trong những nguyên nhân chủ đạo của thực trạng này là do Tây Bắc luôn phải đối mặt với những biến đổi bất thường của thiên tai, khí hậu với tần suất và cường độ ngày càng tăng các hiện tượng cực đoan như: sạt lở, lũ lụt, mưa rét, hạn hán, sương muối… Mặc dù sở hữu các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp với tính đa dạng sinh học cao nhưng nhiều khu vực tại Tây Bắc lại đang bị xói mòn nghiêm trọng, diện tích đất có thể canh tác nông nghiệp tương đối ít và manh mún, chủ yếu canh tác trên đất dốc, phương pháp canh tác lạc hậu, thiếu bền vững nên hiệu suất không cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương chưa kết nối được với thị trường và chưa gây dựng được thương hiệu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao cũng còn khá hạn chế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGap. Các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nhìn chung quy mô còn nhỏ, phân tán. Các hình thức tổ chức, liên kết trong sản xuất chưa phát triển, mới ở bước manh nha. Đặc biệt, số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp rất khiêm tốn, nhất là các hoạt động liên quan đến chế biến nông sản hay ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt. Riêng với lĩnh vực chăn nuôi, quy mô cũng còn khá nhỏ lẻ, nặng về tập quán thả rông, chưa chủ động được thức ăn và nguồn giống. Mặc dù chăn nuôi đại gia súc (như trâu và bò) là thế mạnh nhưng phát triển chưa bền vững, tỷ lệ trâu, bò chết rét, chết dịch hàng năm vẫn khá nhiều. Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một số địa phương cũng còn nhiều yếu kém, chất lượng rừng nhìn chung còn thấp, người làm rừng chưa thực sự sống được nhờ nghề rừng. Lĩnh vực thủy sản cũng vẫn sử dụng giống và nuôi theo phương pháp truyền thống là chủ yếu nên hiệu suất không cao.

Ảnh minh họa: PanNature

Tái cơ cấu nông nghiệp gặp khó do hạn chế về nguồn lực đầu tư

Chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Bộ NN&PTNT ban hành và thực hiện từ năm 2013. Dựa theo định hướng văn bản này, lần lượt các tiểu ngành trong nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi đều xây dựng các Kế hoạch hành động tái cơ cấu tiểu ngành từ năm 2014 đến năm 2020. Song song với đó, các địa phương cũng xây dựng và ban hành Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong năm 2014, 2015. Đơn cử như Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Sơn La được ban hành năm 2014, tập trung vào việc phát triển các cây công nghiệp như: mía, cà phê, sắn; cây ăn quả ôn đới; rau an toàn; chăn nuôi đại gia súc; Đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh Điện Biên đến năm 2020 định hướng đến 2025 tập trung vào quản lý, khai thác rừng bền vững; cải thiện thủy lợi; thúc đẩy sản xuất đại gia súc; hình thành liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với một số mặt hàng chủ lực như lúa, gạo, cà phê, chè, cao su… Đáng tiếc là hiện chưa có chính sách hay đề án tái cơ cấu nông nghiệp chung cho toàn vùng nên bức tranh nông nghiệp Tây Bắc vẫn khá manh mún, rời rạc.

Nhìn chung sau một vài năm thực hiện chính sách tái cơ cấu, nông nghiệp Tây Bắc cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, giúp hình thành nhiều vùng liên kết sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: vùng mía đường 80 ngàn ha (Hòa Bình, Tuyên Quang, Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An); vùng cây ăn quả trên 80 nghìn ha (Sơn La, Tuyên Quang Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn); vùng chè 76 nghìn ha (Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang); vùng cà phê 15 nghìn ha (Sơn La, Điện Biên); vùng cây cao su 63 nghìn ha (ở các tỉnh phía Tây); vùng rau, hoa, cây dược liệu ôn đới chất lượng cao (Sa Pa, Mộc Châu, Hà Giang); vùng rừng nguyên liệu giấy (Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái). Ngoài ra, một số mô hình chuỗi giá trị thành công cũng đang tiếp tục được mở rộng như: chuỗi Rau an toàn Mộc châu; Chuỗi giá trị Mận Mộc châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai)… Một số sản phẩm đặc sản địa phương cũng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công như: Cam Cao phong (Hòa Bình), Mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang), Hồng không hạt (Bắc Kạn), Xoài Yên Châu (Sơn La)… Các mô hình này đang khẳng định được vị thế của mình trong bức tranh tái cơ cấu nông nghiệp toàn vùng, dần thay thể một số mô hình sản xuất tự phát thiếu bền vững về cả sinh thái lẫn thị trường.

Điều đáng băn khoăn nhất trong nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp toàn vùng hiện nay là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản. Tây Bắc hiện có gần 22.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có khoảng 3-4% trong số này đầu tư vào nông nghiệp, thấp hơn mức bình quân 10% của cả nước, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (có vốn dưới 10 tỷ đồng) với số lao động bình quân làm việc thường xuyên trong một doanh nghiệp nông nghiệp chỉ vào khoảng vài chục người hoặc chủ yếu làm theo thời vụ.

Dễ hiểu tại sao nông nghiệp Tây Bắc chưa hấp dẫn doanh nghiệp bởi tỷ lệ sinh lời trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực này còn tương đối thấp và hay gặp rủi ro thiên tai, đặc biệt khả năng tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế. Thêm vào đó, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn mới chỉ dừng ở chủ trương là chính chứ chưa hiện thực hóa bằng các mô hình và hoạt động cụ thể tại địa phương. Mặt khác, doanh nghiệp cũng chưa mặn mà lắm với nông nghiệp do phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại liên quan đến cơ chế chính sách nông nghiệp, nông thôn như vấn đề đất đai, tiếp cận vốn… Ngoài ra, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nông nghiệp trong vùng còn ở mức nhỏ bé, rất khó trong việc mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh và thị trường; chất lượng sản phẩm nông sản còn thấp so với tiêu chuẩn xuất khẩu, khối lượng sản phẩm sản xuất ra chưa nhiều, thậm chí manh mún; trình độ khoa học công nghệ lạc hậu, tay nghề công nhân thấp nên khả năng cạnh tranh yếu.

Quan điểm và giải pháp

Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Tây Bắc phát triển trên quy mô sâu rộng và hiệu quả hơn, chính sách tái cơ cấu nông lâm nghiệp toàn vùng cần hướng đến xu thế phát triển nông lâm nghiệp bền vững trong điều kiện biến động thị trường và BĐKH, qua đó giúp tăng thu nhập cho nông dân, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa thông qua phát triển các chuỗi giá trị nông lâm sản có thế mạnh của địa phương, gắn sản xuất với thị trường trong và ngoài nước.

Để làm được điều này, ngoài việc tập trung vào một số lợi thế lớn của vùng như trồng rau hoa quả ôn đới, lúa đặc sản bản địa, chăn nuôi bản địa và nuôi cá nước lạnh…, Tây Bắc cần tổ chức nền nông nghiệp đặc hữu, đa dạng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và đa dạng sinh học, đồng thời tiếp tục thúc đẩy các chính sách xây dựng thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản địa phương. Các sản phẩm này cần được quản lý và phát triển dựa trên mô hình chuỗi giá trị, trong đó ưu tiên nhóm sản phẩm cây ăn quả ôn đới như mận, đào, lê, hồng, sơn tra… hoặc nhóm cây ăn quả có múi như cam, quýt… Đặc biệt, đối với Tây Bắc, do đặc điểm canh tác chủ yếu trên đất dốc nên chính sách phát triển nông nghiệp địa phương cần thúc đẩy thực hành canh tác bền vững trên đất dốc thông qua việc khuyến khích các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng giống bản địa. Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc và gia cầm, nhất là chăn nuôi lợn, cần thay đổi quan điểm coi Trung Quốc là thị trường tiềm năng mà nên tìm kiếm thêm các thị trường mới, phát triển ở quy mô vừa và theo hướng đặc sản.

Bên cạnh việc chú trọng kinh tế nông nghiệp, Tây Bắc cũng cần củng cố các chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp bao gồm rừng, gỗ, các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ và dược liệu, du lịch rừng. Hiện lâm nghiệp ở Tây Bắc các khâu đều gặp khó chứ không riêng một khâu nào. Quy hoạch chưa rõ, chính sách chưa đủ chi tiết và chưa dựa vào thị trường, công nghệ vừa thiếu vừa chưa phù hợp. Tập đoàn cây gỗ lớn, gỗ nhỏ của vùng khá đơn điệu, 80% vẫn là keo, bạch đàn, năng suất sinh khối thấp, giá trị thấp. Về thâm canh rừng, hầu như đầu tư phân bón rất hạn chế trong khi thế giới bón rất nhiều mới có sinh khối 400-500 m3/chu kỳ. Chế biến lâm sản hiện nay chủ yếu bán thô với giá khoảng 800.000đ/m3 trong khi nếu có công nghiệp chế biến đi kèm thì giá trị sẽ gia tăng nhiều lần. Đặc biệt, cần có chính sách thúc đẩy các chuỗi giá trị gỗ được chứng nhận quản lý rừng bền vững nhằm phục vụ chế biến và xuất khẩu vào các thị trường quốc tế có giá trị cao như châu Âu, Nhật, Mỹ. Về dược liệu, cần có chính sách phát triển chuỗi giá trị dược liệu, thu hút doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào chế biến tăng giá trị và giảm xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung quốc. Đây là một thế mạnh của Tây Bắc mà chưa được chú ý khai thác đầy đủ.

Song song với việc thúc đẩy các mô hình và hoạt động thực tiễn, chính sách tái cơ cấu cũng cần đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch nhằm gắn nguyên liệu với chế biến, đồng thời đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị như doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, nông nghiệp hợp đồng giữa doanh nghiệp với hợp tác xã… Muốn vậy, cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nông lâm nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho các sản phẩm chủ lực, có lợi thế. Ngoài ra, việc phát

Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt nam (PHANO)