Tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Trước những hạn chế, bất cập, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định 155) đã tạo hành lang pháp lý, mở rộng thẩm quyền giúp lực lượng Cảnh sát môi trường (CSMT) thuận lợi trong đấu tranh, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, phòng tránh sự cố nghiêm trọng về môi trường.

Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) kiểm tra việc vận hành, xử lý nước thải tại một khu công nghiệp.

Lỗ hổng trong công tác xử lý nước thải

Những năm gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là tại các khu công nghiệp (KCN) lớn, luôn là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm. Môi trường bị xâm hại không chỉ để lại hậu quả trước mắt, mà còn gây sự tàn phá lâu dài, tác động tiêu cực tới kinh tế, chính trị, xã hội và sức khỏe con người. Việc bảo vệ môi trường tại các KCN, nơi sản xuất của cải vật chất, cũng là nơi tiềm ẩn sự cố môi trường, ngày càng trở nên cấp bách, để vừa tạo điều kiện cho sản xuất, phát triển kinh tế, vừa bảo vệ thiên nhiên, sinh thái, cuộc sống bền vững. Một trong những vấn đề nhức nhối tại các KCN là cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải chưa đáp ứng tiêu chuẩn, nhiều nơi cố tình xả thẳng chất thải chưa xử lý ra môi trường bằng thủ đoạn tinh vi.

Số liệu mới nhất từ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) cho thấy, cả nước có 337 KCN được thành lập, trong đó có 236 KCN đã hoạt động, 75 KCN đang xây dựng, 26 KCN thuộc các giai đoạn sau của một số KCN chưa được triển khai. Trong số 236 KCN đi vào hoạt động, có 30 KCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 12,7%. Khối lượng nước thải của các KCN toàn quốc ước tính khoảng 450.000m3/ngày, đêm, trong đó có khoảng 5.700 m3 nước thải trực tiếp xả ra môi trường mỗi ngày.

Theo đánh giá của C49, sự ra đời và hoạt động của các KCN gắn liền với việc xả ra môi trường lượng nước thải rất lớn, có mức độ ô nhiễm cao. Nước thải từ các KCN có thành phần đa dạng, theo đặc thù hoạt động của các nhà máy, ngành nghề. Tuy nhiên, đặc điểm chung, chủ yếu của nước thải từ KCN là các chất lơ lửng, chất hữu cơ, dầu mỡ và một số kim loại nặng. Hầu hết nước thải của các doanh nghiệp chưa được xử lý tốt trước khi đưa về hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Nhiều KCN đi vào hoạt động nhưng chưa xây dựng hệ thống XLNT tập trung, hoặc đã xây dựng nhưng vận hành không đúng, không thường xuyên, dẫn đến xả nước thải trực tiếp, hoặc chưa được xử lý đạt chuẩn ra môi trường, khiến nguồn nước ô nhiễm trên hệ thống các nguồn tiếp nhận ngày càng tăng.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết, địa bàn tỉnh hiện có ba KCN là Đình Trám, Quang Châu và Vân Trung, trong đó, Đình Trám là KCN lớn nhất. Hoạt động ở các KCN chủ yếu là gia công lắp ráp linh kiện điện tử, sản xuất máy, thức ăn chăn nuôi. Thời điểm chúng tôi thị sát cùng lực lượng CSMT, hệ thống XLNT tập trung của KCN Đình Trám đang được nâng cấp, vì đã lạc hậu, không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, một thực tế phổ biến diễn ra không chỉ ở tỉnh Bắc Giang, mà còn ở nhiều địa phương khác, đó là việc XLNT tập trung tại các KCN dù chưa đạt tiêu chuẩn, nhưng vẫn phải duy trì theo hình thức vừa hoạt động vừa nâng cấp, vì nếu dừng hoạt động sẽ khiến tất cả doanh nghiệp tại KCN phải ngừng hoạt động sản xuất, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Theo Trung tá Phạm Chí Thành, Phó Trưởng phòng PC49, Công an tỉnh Hưng Yên thì KCN Phố Nối B, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ có quy mô 120,6 ha, hiện có 60 công ty đang hoạt động, được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B. Tuy nhiên, mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định nâng tiêu chuẩn xử lý nước thải của tất cả KCN trên địa bàn lên loại A. Vì vậy, KCN này cũng đang trong quá trình nâng cấp khu XLNT để đáp ứng tiêu chuẩn. Đại diện Ban quản lý KCN, cụ thể là Công ty cổ phần phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối B cho rằng, việc nâng tiêu chuẩn là chủ trương đúng đắn, nhưng thời gian để thực hiện lại quá gấp rút. Khi nâng cấp hệ thống XLNT tập trung, mọi hoạt động xử lý cũ vẫn phải diễn ra; nếu không, lượng nước thải sẽ tồn đọng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng môi trường chung quanh.

Trên địa bàn TP Hải Phòng, theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, phần lớn các KCN đều đã có khu XLNT tập trung. Tuy nhiên, với cơ sở nằm ngoài KCN, việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn là vấn đề nan giải, đáng lo ngại, do số lượng doanh nghiệp này khá lớn, phân bố rải rác. Đáng chú ý, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã chính thức hoạt động, nhưng chưa có hệ thống XLNT. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã có hệ thống XLNT, nhưng việc XLNT không đạt yêu cầu vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do doanh nghiệp không vận hành thường xuyên, hoặc vận hành không đúng quy trình, thậm chí một số doanh nghiệp vận hành theo kiểu lấy lệ, đối phó lực lượng thanh tra, kiểm tra.

Hành lang pháp lý mới trong bảo vệ môi trường

Trước những đòi hỏi cấp bách của việc bảo vệ môi trường nói chung, môi trường tại các KCN nói riêng, Nghị định 155 đã khắc phục một số hạn chế, bất cập của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 (Nghị định 179) của Chính phủ, giúp nâng cao hiệu quả xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Nghị định 155 đã bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng công an, mà trước đó Nghị định 179 không quy định, như: Hành vi vi phạm các quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại, hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại, xử lý chất thải nguy hại trong nhập khẩu phế liệu; hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu, sản xuất chế phẩm sinh học; vi phạm quy định trong nộp phí bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường… Ngoài ra, so với Nghị định 179, Nghị định 155 đã bỏ quy định hạn chế thẩm quyền của lực lượng CSMT trong thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, kiểm tra như quy định tại Luật Công an nhân dân và pháp lệnh CSMT.

Nghị định 155 ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng CSMT thực thi nhiệm vụ, được tham gia từ khi doanh nghiệp xin cấp phép hoạt động. Như vậy, lực lượng CSMT sẽ dễ dàng phát hiện những doanh nghiệp không có ĐTM cũng như không có kế hoạch bảo vệ môi trường. Sự có mặt của CSMT từ giai đoạn xin cấp phép của DN sẽ góp phần ngăn chặn sớm sai phạm. Gần đây nhất, vì chưa có sự tham gia của CSMT, Công ty TNHH JA Solar ở KCN Quang Châu (tỉnh Bắc Giang) triển khai xây dựng nhà máy sản xuất pin khi chưa có ĐTM. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho biết, nhà đầu tư đã tạm dừng thi công để chờ hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cũng thừa nhận có sai sót trong quá trình cấp phép triển khai dự án nêu trên. Đáng chú ý, khi có Nghị định 155 của Chính phủ, nhiều vụ việc đã được lực lượng CSMT phát hiện, xử lý. Giữa tháng 5-2017, qua công tác phát hiện, xử lý của CSMT, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định xử phạt Công ty Vạn Lợi (ở thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong) 736 triệu đồng, do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đồng thời đình chỉ hoạt động và yêu cầu khắc phục vi phạm. Đây là mức phạt lớn nhất đối với doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại tỉnh Bắc Ninh từ trước đến nay.

Có thể nói Nghị định 155 đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng CSMT trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai nhiệm vụ, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết, vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, lực lượng CSMT không được xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm các quy định về thực hiện ĐTM, mà vấn đề này thuộc thẩm quyền phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mặt khác, quy định đoàn kiểm tra do lực lượng công an chủ trì phải có sự tham gia của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường các cấp (điểm d, khoản 3, Điều 53), nhưng lại không quy định cụ thể cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường các cấp là những cơ quan nào, khiến cơ quan chức năng lúng túng trong triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát, dễ tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp buông lỏng hoặc trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường.