Nặng nỗi lo độc tố trong cá

ThienNhien.Net – Theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, nước biển các tỉnh miền Trung có thể đạt quy chuẩn để tắm nhưng chưa chắc thủy, hải sản ở đó đã an toàn để sử dụng.

Bị tác động bởi nguồn chất thải của Formosa, nhiều mẫu cá ở miền Trung đã tồn dư xyanua và phenol. Đây đều là hóa chất độc, nếu nuốt phải hoặc tiếp xúc với liều lượng nhất định có thể gây chết người.

Xyanua là chất cực độc!

Theo các chuyên gia hóa học, xyanua là hóa chất được sử dụng trong sản xuất sắt, thép, công nghiệp hóa chất, xử lý nước thải… Phân tích nguy cơ từ việc ăn cá nhiễm xyanua, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết đây là chất cực độc, rất nguy hiểm nếu ăn vào. Chất này tác động rất mạnh đến hệ hô hấp và hệ thần kinh, gây nhiễm độc cấp tính. Trong thực phẩm, xyanua tự nhiên có nhiều trong củ sắn, măng, một ít trong dứa… Trên thực tế, nhiều người ăn sắn đã chết vì chất xyanua.

Nghiên cứu lâm sàng ghi nhận nếu chỉ nhiễm lượng xyanua rất nhỏ thì sẽ không gây ngộ độc bởi chất này khi đi vào cơ thể sinh vật sẽ biến đổi thành CO2 và được đào thải ra ngoài trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, khi vào cơ thể với hàm lượng lớn, xyanua sẽ lấy hết ôxy, gây ra hiện tượng ngạt thở, ngăn chặn chuyển hóa năng lượng, gây buồn nôn, mệt mỏi, co giật và có thể dẫn tới tử vong.

 Cá được người dân Hà Tĩnh đánh bắt về chỉ bán được với giá rẻ (Ảnh: Đức Ngọc)

Cá được người dân Hà Tĩnh đánh bắt về chỉ bán được với giá rẻ (Ảnh: Đức Ngọc)

Theo PGS Thịnh, chỉ cần khoảng 50-200 mg xyanua xâm nhập qua đường miệng đã có thể làm chết một người khỏe mạnh. “Đương nhiên, chất độc ở biển sẽ tan dần theo nước, giống như mọi vết nhơ đều có thể trôi đi theo thời gian. Nhưng cá và các loại hải sản đâu có dán mác “gần bờ” hay “xa bờ”, do đó khuyến cáo người dân chỉ dùng hải sản đánh bắt xa bờ là đánh đố người dân” – ông Thịnh băn khoăn.

Theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ, hàm lượng xyanua cho phép tối đa trong môi trường là 0,01 mg/lít.

Trong khi đó, chất phenol cũng được khẳng định là rất độc với con người và sinh vật bởi gây ra nhiều tác hại cho da, đường hô hấp, hệ tiêu hóa, mắt. Giới chuyên môn cho biết phenol là hóa chất dùng trong công nghiệp, có nhiều độc tính nguy hại đến sức khỏe con người nên không được phép hiện diện trong thực phẩm. Do vậy, hoàn toàn không có tiêu chuẩn quy định mức độ hay hàm lượng phenol trong thực phẩm. Theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ, hàm lượng phenol cho phép tối đa trong môi trường là 0,03 mg/lít.

Đã 4 lần mời đại diện quốc tế

Trả lời câu hỏi ngưỡng an toàn đối với sức khỏe người sử dụng về hai chất xyanua và phenol là bao nhiêu, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, cho biết phenol và xyanua không phải là chất nằm trong quy định xét nghiệm an toàn thực phẩm. Bộ Y tế chỉ kiểm tra hàm lượng các chất được quy định trong thực phẩm như hàm lượng kim loại nặng. Với những chỉ tiêu khác như phenol hay xyanua, bộ chỉ phối hợp với bên môi trường để thực hiện nhằm làm quan trắc về môi trường biển.

Theo ông Phong, hiện trên thế giới cũng chưa có quy định chỉ tiêu về ngưỡng của hai chất này trong thủy, hải sản. Đối với sản phẩm thủy, hải sản, các chỉ tiêu kim loại nặng phải kiểm nghiệm là: thủy ngân, chì, cadimi, asen, thiếc.

“Bộ Y tế đã 4 lần mời đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực thế giới (FAO)… và họ đều khẳng định chưa có quy định nào về hàm lượng các chất này có trong thực phẩm. Đã không có quy định trong thực phẩm thì cũng chưa thể khẳng định có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không hoặc ở ngưỡng nào thì ảnh hưởng” – ông Phong lập luận.

Theo kết quả xét nghiệm được Viện An toàn vệ sinh thực phẩm công bố ngày 22-8 vừa qua với 9 mẫu cá do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh lấy mẫu, nhiều mẫu nhiễm các chất độc nằm ngoài danh mục chỉ tiêu kim loại nặng. Trong các mẫu cá lấy từ vùng biển Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), 5 mẫu có xyanua và 3 mẫu có phenol.

Nên chờ kết quả xét nghiệm

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Bộ Y tế đang chỉ đạo Chi cục An toàn thực phẩm các địa phương tiếp tục lấy mẫu cá cả ngoài khơi và gần bờ để xét nghiệm. Để có câu trả lời rõ ràng về chất lượng cá tại các vùng biển này, cần phải lấy mẫu diện rộng ở nhiều vùng biển khác nhau. Dự kiến đến đầu tháng 9-2016, Bộ Y tế sẽ công bố kết quả ban đầu. Ông Phong khuyến cáo người dân đánh bắt cá ở vùng biển chưa khắc phục xong sự số môi trường nên trữ cá đông lạnh, chờ kết quả xét nghiệm.

Ông Phong cho rằng đã là vùng biển có sự cố và chưa được khắc phục thì thủy, hải sản đánh bắt ở đó không an toàn đối với sức khỏe người sử dụng. “Nước biển có thể đạt quy chuẩn để tắm nhưng chưa chắc thủy, hải sản trong vùng biển đó đã an toàn để sử dụng. Do đó, hải sản đánh bắt ở các vùng biển có sự cố môi trường cũng không nên sử dụng” – ông nhìn nhận.

Trước thông tin về kết quả xét nghiệm cá tại các vùng biển có cá chết là không thống nhất, ông Phong cho rằng kết quả xét nghiệm có sự khác nhau là do mẫu lấy ở từng thời điểm, từng vùng biển khác nhau, cả ở vùng ngoài khơi, xa bờ lẫn gần bờ.

 

Nguồn: