Ô nhiễm trầm trọng ở làng nghề bún tươi Ngãi Chánh

Hàng trăm hộ dân đang sống chung với ô nhiễm từ nước thải do các cơ sở sản xuất bún tại thôn Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) xả thẳng ra môi trường. Lâu ngày đất bị ô nhiễm, sinh lầy, bốc mùi chua, hôi… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.


Làng nghề bún tươi Ngãi Chánh tồn tại hàng trăm năm nay

Sình lầy, hôi chua

Đến thôn Ngãi Chánh vào những ngày nắng nóng, chúng tôi không khỏi rùng mình trước mùi hôi bốc lên của nước thải. Càng đi sâu vào thôn, mùi chua từ nước thải làm bún, mùi hôi nồng nặc từ cống rãnh cứ “quấn” lấy nhau tạo nên thứ mùi hỗn tạp.

Theo các hộ dân ở đây, từ nhiều năm nay, số lượng nước thải làm bún được các hộ dân tự bắt ống đặt ngầm dưới đất dẫn nước thải sản xuất bún chảy ra ruộng, qua gò, mương thoát nước, mương phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp trong thôn. Nguồn nước này cộng với nước thải chăn nuôi của các hộ dân gây mùi hôi thối nồng nặc, khó chịu làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân trong làng nghề.

Qua khảo sát của chúng tôi, tất cả lượng nước thải đều không qua xử lý, mà xả thẳng ra bên ngoài. Mỗi ngày, tại đây có hàng trăm mét khối nước thải từ nghề làm bún xả trực tiếp ra môi trường. Vào mùa mưa, những dòng nước thải này tràn cả ra đường làng, ngõ xóm.

Nước thải sản xuất bún được các hộ dân xả thẳng ra đường

Ông Nguyễn Văn N, một hộ sản xuất bún ở đây, cho biết, hầu như nhà nào làm bún cũng có những hồ chứa nước thải sau nhà. Các chất thải từ làm bún một số được giữ lại làm thức ăn chăn nuôi, số còn lại thì thải trực tiếp ra ngoài mà không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào.

“Bình quân một hộ xả ít nhất cũng vài ba mét khối nước thải mỗi ngày. Nhà tôi còn có diện tích vườn rộng để xả thải, chứ nhiều hộ khác xả thải theo đường ống chảy ra các mương rạch hết”, ông N. cho biết.

Ông Đặng Văn Th., chủ cơ sở sản xuất bún, thừa nhận: “Mỗi ngày gia đình sản xuất khoảng 500kg bún tươi, nhưng nan giải nhất là hệ thống xử lý nước thải, vì không biết thoát vào đâu, đành phải thải ra con mương dẫn ra cánh đồng ruộng Ngãi Chánh, số khác xả trực tiếp ra vườn nhà”.

Bà Nguyễn Thanh Tịnh, một hộ dân ở Ngãi Chánh, bức xúc: “Mùi hôi thối bốc lên cả ngày lẫn đêm. Người lớn còn chịu được, chứ người già và trẻ nhỏ thì ngửi mùi hôi như vậy rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi nghĩ, chính quyền địa phương cần sớm quy hoạch tách cơ sở sản xuất bún ra khỏi khu vực nhà ở và phải bảo đảm sản xuất, kinh doanh kết hợp với bảo vệ môi trường để gìn giữ sức khỏe cho người dân”.

Chính quyền và người dân chưa thống nhất ý kiến di dời

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện, thôn Ngãi Chánh có gần 400 hộ dân, trong đó có gần 100 hộ dân chuyên sản xuất bún, với 20 cơ sở sản xuất theo dây chuyền với quy mô lớn, mỗi ngày đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh Bình Định gần 20 tấn bún.

Từ một làng nghề tự phát, làng sản xuất bún tươi bằng bột gạo Ngãi Chánh được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là điều kiện để chất lượng và thương hiệu bún Ngãi Chánh ngày càng được khẳng định, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, làng nghề bún tươi vẫn chưa được đầu tư về hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc phải sống chung với môi trường ô nhiễm do nước thải từ việc sản xuất bún tươi đã là câu chuyện kéo dài nhiều năm nay của các hộ dân nơi đây. Cuộc sống của hàng trăm hộ dân đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, diện tích đất không canh tác được đang tiếp tục tăng lên vì hệ thống thu gom xử lý nước thải từ làng nghề không được kịp thời đầu tư xây dựng.

Lâu ngày đất bị ô nhiễm, sinh lầy, bốc mùi chua, hôi

Theo ông Giả Văn Thọ – Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, trước đây khi các hộ dân sản xuất bún riêng lẻ thì ô nhiễm cả làng, nhưng khi chuyển sang sản xuất bún bằng máy thì chỉ tập trung ô nhiễm tại 20 hộ dân đầu tư sản xuất bún bằng máy. Hiện tại, các hộ dân sản xuất bún xả nước thải ra ruộng, mương. Vì các hộ dân sản xuất bún luôn kèm theo chăn nuôi heo nên người dân yêu cầu địa phương quy hoạch tập trung khu sản xuất làm bún kết hợp với chăn nuôi heo. Nếu tách riêng khu sản xuất bún và khu chăn nuôi heo thì các hộ dân không đồng ý.

“Chúng tôi không thể thống nhất với ý kiến của người dân vì lo sợ nguy cơ lây lan ô nhiễm môi trường sẽ nghiêm trọng hơn khi quy hoạch khu sản xuất bún chung với khu chăn nuôi heo. Đây là nỗi băn khoan khó giải quyết của UBND xã hiện nay. UBND xã đang xây dựng đề án đầu tư hệ thống xử lý nước thải sản xuất bún tại làng nghề. Chỉ khi nào xây dựng được hệ thống xử lý nước thải mới có thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường”, ông Thọ cho biết.

Mặc dù nghề sản xuất bún tươi Ngãi Chánh giúp đời sống người dân trong làng có nguồn thu nhập ổn định hoặc khá, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng ngày càng nghiêm trọng. Thiết nghĩ, ngành chức năng thị xã An Nhơn và tỉnh Bình Định cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý chất thải từ bún để trả lại môi trường trong sạch cho người dân nơi đây.