Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 9): Dân bị ép nhường đất cho thủy điện?

ThienNhien.Net – Hơn hai năm qua, hàng trăm người dân xóm Mu và xóm Khướng, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình buồn ra mặt. Buồn vì thác nước gắn bó với họ bao đời sắp lùi vào dĩ vãng trước sự xuất hiện bất thình lình của thủy điện Suối Mu và càng buồn hơn khi người dân nơi đây buộc phải nhường đất cho dự án.

Ông Bùi Văn Thụ, Ban Quản lý Du lịch Thác Mu chỉ nơi dự kiến xây dựng thân đập chắn ngang dòng Suối Mu cách đỉnh Thác Mu khoảng 50m.

Chuyện “bị ép” ở xã Tự Do?

Gần đây thác Mu ở xã Tự Do thu hút rất đông khách du lịch đến thăm, bởi dưới những tán rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ngọc Sơn – Ngổ Luông đang giữ trong mình một thác nước tuyệt đẹp. Sự kiện người dân đến với thác mang lại niềm vui lớn cho bà con, một số hộ dân đã biết làm du lịch, họ dựng lều lán để trông xe, chăn nuôi cá, gà, vịt, mở hàng quán để phục vụ du khách. Khi nói đến du lịch bà con rất hồ hởi. Nhưng, chỉ khi nhắc đến hai từ “thủy điện” là ai nấy lại đượm buồn.

Ông Bùi Văn Dưng, người dân xóm Mu – cho biết: “Tôi không đồng tình với phương án đền bù, nhường đất cho thủy điện, nhưng bị xã “ép” nên vẫn phải bán 500m2 đất ruộng với giá 30 triệu đồng. Hôm chính quyền xã gọi xuống, lãnh đạo xã có khuyên bán đất, sau này sẽ có lợi cho dân. Nhưng bây giờ nhận tiền rồi thì mất hết, tiền cũng chẳng còn, đất thì đã mất, nên cuộc sống rất khó khăn. Tương lai, nguy cơ thác cũng chẳng còn được”.

Thác Mu gần đây được rất nhiều du khách biết đến.

Ngoài khu vực xây dựng đập và đường ống dẫn nước Thủy điện Suối Mu ở xóm Mu, thì nơi đặt nhà máy thủy điện ở xóm Khướng, cách Thác Mu khoảng 1 km. Gần nhà máy nhất là gia đình chị Quách Thị Quảng, chị cho biết: “Trước khi làm họ có đền bù cho dân có đất bị ảnh hưởng, nhưng không thỏa đáng. Nhà tôi có 100m2 đất bị ảnh hưởng, doanh nghiệp đền bù cho 20 triệu đồng, chủ yếu là diện tích đất ở và một phần đất ruộng. Ở đây, nhà nào đền bù được nhiều nhất khoảng 40-50 triệu đồng. Còn diện tích dân tự khai hoang nay bị ảnh hưởng thì không được đền bù, phần diện tích này coi như mất”.

Ngôi nhà của gia đình chị Quách Thị Quảng cách Nhà máy Thủy điện Suối Mu chỉ hơn 100m đang có nguy cơ sạt lở.

“Làm thủy điện dân không đồng ý, nhưng lãnh đạo xã lại đồng ý. Mặc dù doanh nghiệp họ cam kết chỉ lấy nước vận hành vào buổi tối, còn ban ngày sẽ không lấy, nhưng ai đảm bảo là doanh nghiệp vận hành đúng quy trình cam kết được” – chị Quảng hoài nghi. Cùng mối nghi ngờ như chị Quảng, ông Bùi Văn Chịch, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tự Do cho biết: “Người dân ở đây lo lắng thủy điện ảnh hưởng đến du lịch, nguồn nước phục vụ nông nghiệp. Khi đi vào vận hành, thủy điện này sẽ khiến cả cánh đồng này thiếu nước canh tác. Mấy năm nay, dân ở đây phản đối rất nhiều, nhưng xã bảo đã có chỉ đạo của cấp trên nên dân cũng không thể cãi được và doanh nghiệp thì cứ thế làm”.

Chị Quách Thị Quảng rất lo lắng từ khi Thủy điện Suối Mu thi công.

“Về đất đai đền bù cũng không thỏa đáng, dù dân không nhất trí, nhưng cán bộ cấp trên (xã, huyện) cứ lập theo danh sách, căn cứ vào bản đồ địa chính thế là gọi dân đến lấy tiền đền bù. Nói thẳng ra đây là cách làm việc theo kiểu “áp đặt” bắt dân phải đi nhận tiền. Họ bảo không lấy thì doanh nghiệp cũng làm, không lấy thì thiệt, nên người dân cũng phải lấy. Cái lợi thì không thấy đâu, thủy điện chưa xong đã thấy hại” – ông Chịch nói.

Nhà máy Thủy điện Suối Mu đang được thi công tại xóm Khướng.

Còn theo ông Bùi Văn Thụ, Ban quản lý Du lịch thác Mu thì: “việc xuất hiện dự án thủy điện đã khiến nhiều hộ dân mất đất sản xuất. Mặc dù dân có được đền bù, nhưng trên tinh thần “ép buộc” chứ không phải tự nguyện. Lý do là nếu dân không bán đất, nhường đất cho thủy điện thì xã sẽ thu hồi đất”. Ông cho biết thêm: “Trước khi người dân nhận tiền đền bù, ông Chủ tịch xã và các vị cán bộ địa chính, đất đai lên đây thông báo với dân, nhưng dân không đồng tình. Sau đó, ông Chủ tịch xã bảo, nếu dân không đồng ý bán đất, đất của xã, xã sẽ thu hồi lại thì dân không được gì. Vì thế, một số hộ dân đã phải nhận mấy chục triệu tiền đền bù và chấp nhận mất đất sản xuất” – ông Thụ chia sẻ. “Bây giờ dân mất đất, dân sống bằng nghề gì? Dân đã nghèo lại thêm khổ?” – ông Thụ đặt câu hỏi.

Để làm rõ thông tin từ phía người dân phản ánh, ngày 27/6/2017 phóng viên baovemoitruong.org.vn đã liên hệ với Công ty TNHH Văn Hồng, chủ đầu tư Dự án Thủy điện Suối Mu. Ban đầu ông cho biết đang đi công tác, sau đó hẹn buổi chiều gặp trao đổi thông tin, đến cuối giờ chiều phóng viên liên hệ lại ông Hồng cho biết xe ô tô bị nổ lốp và hẹn sáng hôm sau, sáng hôm sau phóng viên liên hệ lại ông cho biết đã đi công tác và không gặp phóng viên để làm rõ thông tin phản ánh.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, Thủy điện Suối Mu được khởi công xây dựng từ cuối năm 2016, thân đập chắn ngang dòng suối Mu cách đỉnh Thác Mu 50m. Nhà máy đặt ở phía hạ du cách Thác Mu và thân đập khoảng 1km, qua gần một năm thi công hiện đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy, chủ đầu tư đã tiến hành đền bù đất ruộng, nương, ao cho 79 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc xóm Mu và xóm Khướng. Tuy nhiên trong quá trình đền bù đã xảy ra một số mâu thuẫn như đền bù không thỏa đáng. Mới đây nhất ngày 02/6/2017 nhân dân xóm Mu đã họp bàn và có một số kiến nghị gửi lên chính quyền xã; chủ đầu tư thủy điện. Nhưng đến đầu tháng 7/2017 bà con trong xóm vẫn chưa nhận được phản hồi, mọi công việc liên quan giữa người dân và chủ đầu tư cũng như chính quyền xã chỉ là thỏa thuận miệng.

 “Nếu được chọn, chúng tôi chọn thác”

Là người gắn bó với Thác Mu nhiều năm qua, ông Bùi Văn Thụ – Trưởng ban Quản lý Du lịch Thác Mu, xã Tự Do – cho biết: “Là người dân xưa nay sống nhờ vào thác, chúng tôi chọn thác, chứ không chọn thủy điện. Thủy điện chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, họ lấy nước để kinh doanh thôi. Thác tạo cảnh quan, mang lại cho dân bản du lịch, giúp bà con cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, du lịch mới bắt đầu, du khách mới biết đến thác thì thủy điện sẽ chặn dòng chảy”.

“Riêng cá nhân tôi, nếu được chọn, tôi chọn thác, bởi thác không có lợi cho riêng ai, mà có lợi cho tất cả dân bản vì khách du lịch đến đây là để ngắm thác và dân có cơ hội phục vụ, bán thực phẩm dân tộc của mình. Còn thủy điện, tại sao tôi phản đối? Đơn giản là thủy điện khi vận hành chỉ làm lợi cho doanh nghiệp kinh doanh tư nhân, còn người dân ở đây đủ điện rồi”. – ông Thụ nói.

Bà con xóm Mu đang có nguồn thu từ du lịch Thác Mu.

Đem câu chuyện của bà con xóm Mu và xóm Khướng trao đổi với ông Bùi Đình Thiên, Chủ tịch UBND xã Tự Do – ông Thiên cho biết: “Thủy điện gây tác động trực tiếp đến đất đai, việc sản xuất của bà con, ảnh hưởng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con. Đền bù có sự thỏa thuận với dân, có một số người dân không hiểu nên nói thế, chứ chính quyền xã có sát sao, thủy điện hỗ trợ đền bù cho bà con theo diện tích thực địa và đo đạc trên bản đồ và đúng theo quy định. Các thủ tục, họp hành giữa xã, người dân chủ yếu trên tinh thần hội nghị chứ không có văn bản”.

“Nếu được chọn, tôi sẽ chọn thác hơn, nhưng phân tích ra có chủ trương của tỉnh và huyện nên xã tạo điều kiện và đồng thuận. Lúc đưa ra chủ trương địa phương rất băn khoăn, vì có Thác Mu từ lâu, đi đến đâu nói đến mình ở xã Tự Do, họ nói có Thác Mu nên mình rất tự hào, nhưng cấp trên phân tích đúng đắn, thủy điện mang lại nguồn thu cho tỉnh. Nhưng khi làm thủy điện chắc chắn ảnh hưởng đến thác” – ông Thiên khẳng định.

Ở cấp Quản lý Nhà nước cao hơn, ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho rằng: “Chủ trương của tỉnh thì huyện ủng hộ, chúng tôi đã đề xuất đưa Thác Mu vào danh thắng du lịch cấp tỉnh, hiện tỉnh đang làm dự kiến trong tháng 7/2017 sẽ được công nhận, ở đây chỉ có một điểm nhấn là thác, nếu xây dựng thủy điện mà hỏng thác thì không nên. Quan điểm của huyện là phải làm song song, vẫn phát triển thủy điện nhưng không làm ảnh hưởng đến thác”.

Ở góc độ người làm du lịch, ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình – cho biết: “Thác Mu là cảnh quan thiên nhiên khá hấp dẫn, năm 2014 khi quy hoạch tổng thể du lịch Hòa Bình đã đưa vào quy hoạch, năm 2016 trong đề án phát triển du lịch huyện Lạc Sơn đã coi đây là nơi cần phát triển du lịch. Trong đó có chi hội phát triển du lịch công đồng, du khách ăn nghỉ cùng bà con tạo ra chuỗi liên kết đón khách với một số vùng khác. Xã Tự Do có đề xuất và Sở đã cho người khảo sát lập hồ sơ chi tiết Thác Mu là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và Sở đang khẩn trương làm, dự kiến thác 7/2017 sẽ phê duyệt danh thắng”.

Trước đó, lúc lập dự án thủy điện bên Sở công thương cũng có lấy ý kiến, bên tôi vẫn giữ quan điểm là giữ Thác Mu để phát triển du lịch, nếu làm thủy điện không phá vỡ cảnh quan Thác Mu, nếu không sẽ không đồng ý. Vì sự bền vững của thủy điện không bằng thác được. Bên lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo làm nhanh việc đưa Thác Mu vào danh lam thắng cảnh cấp tỉnh nhưng tôi băn khoăn vì tỉnh đã cho làm thủy diện ở khu vực đó” – ông Linh băn khoăn.

Để tìm hiểu rõ thông tin về Dự án Thủy điện Suối Mu, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Vũ Mai Hồ, Giám đốc Sở Công thương Hòa bình, qua trao đổi, được biết tỉnh Hòa Bình chưa có quy hoạch chung về thủy điện của toàn tỉnh. Thủy điện Suối Mu đã được Bộ Công thương đưa vào quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc. Còn những thông tin khác phía Sở Công thương chỉ quản lý về quy hoạch và một số vấn đề liên quan sau xây dựng.

Xã Tự Do có 599 hộ, 2.581 khẩu, hơn 300 ha đất nông nghiệp, đất rừng tự nhiên hơn 5.000 ha. Thủy điện khi xây dựng chỉ làm mất đất vĩnh viễn khu vực đặt nhà máy khoảng 1,7ha; Thủy điện Suối Mu với công suất 9 MW, gồm 3 tổ máy, do Công ty TNHH Văn Hồng làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 167 tỷ đồng. Dự kiến tháng 3/2017 đưa nhà máy vào vận hành nhưng do một số vướng mắc nên hiện thủy điện vẫn đang trong quá trình xây dựng nhà máy. Thác Mu, thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ, ngoài điểm du lich Thác Mu du khách có thể đến vào những dịp lễ hội như: lễ hội dù bay quốc tế được tổ chức vào tháng 11, lễ hội cồng chiêng của người Mường được tổ chức vào tháng giêng… Thác Mu cách Hà Nội khoảng 140km, ô tô có thể đến tận nơi, hiện nơi đây đang phát triển các dịch vụ du lịch homestay, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách, vào các ngày nghỉ, dịp lễ có thể lên đến hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Suối Mu là một nhánh của Suối Sặt, một phụ lưu của Sông Bưởi, thượng nguồn của những dòng suối này bắt nguồn từ các dãy núi cao khoảng 600m. Lưu vực Suối Mu có hình dạng lông chim, mở rộng ở thượng lưu và thu nhỏ ở hạ lưu, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi cao khoảng 300 – 600m.