Lạc vào khu rừng cổ tích đầy ma quái và lãng mạn trên đỉnh Pu Ta Leng (Bài 1)

ThienNhien.Net – Đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Việt Nam với thảm thực vật đa dạng, rêu và địa y phủ gần như kín các thân cây cổ thụ đến cả những tảng đá. Qua những đoạn suối trong vắt róc rách chảy, qua những rừng trúc thâm u, qua những gốc cây đỗ quyên cao nghều thả xuống cả thảm hoa rực rỡ và êm ái, qua những con dốc liên tiếp vắt kiệt sức người đi… và qua đủ mọi cung bậc cảm xúc suốt chặng hành trình…, tôi đã đặt chân đến đỉnh núi mơ ước Pu Ta Leng.

Bài 1: Sợ “sởn gai ốc” trên hành trình chinh phục Pu Ta Leng

Giống như lạc vào một khu rừng cổ tích, lúc ma quái đến đáng sợ, lúc lại lãng mạn, nên thơ đến ngỡ ngàng là ấn tượng trọn vẹn nhất của tôi sau chuyến đi chinh phục đỉnh núi Pu Ta Leng – “nóc nhà thứ hai của Đông Dương” với chiều cao 3.049m (chỉ sau đỉnh Fansipan 3.143m). Đỉnh núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Rừng nguyên sinh phủ đầy rêu và địa y. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Rừng nguyên sinh phủ đầy rêu và địa y. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Những nỗi sợ “sởn gai ốc”

Chọn đi đúng vào mùa hoa đỗ quyên nở rộ, đoàn chúng tôi đã lên kế hoạch từ trước đó cả tháng và vô cùng háo hức đợi ngày lên đường. Bởi, theo thông tin được chia sẻ trên các trang báo mạng và diễn đàn, đây thực sự là cung đường mang lại nhiều cảm xúc và trải nghiệm, mặc dù khá khó nhằn với dân leo núi.

Lịch trình được “vẽ” 5 ngày 4 đêm (2 đêm trên xe khách, 2 đêm ngủ rừng) giống như các đoàn đã đi trước đó, tối thứ Năm lên xe khách đi Lai Châu đến sáng sớm thứ Hai có mặt Hà Nội.

Theo chân chàng trai người Dao tên A Páo từ bản Phô, xã Hồ Thầu khởi hành vào 6 giờ sáng, chúng tôi men theo con kênh dẫn nước với những triền hoa dại ven đường, thi thoảng gặp vài đoạn suối có những tảng đá to như trâu mộng, thậm chí như chiếc xe tải nằm chềnh ềnh chắn lối.

Sau lán thảo quả đầu tiên rẽ trái, quãng đường thử thách đầy rẫy khó khăn mới thực sự bắt đầu. Từ đây cho đến độ cao 2.900m là liên tiếp dốc thẳng đứng, những con dốc đã vắt kiệt sức lực của tôi và một người bạn trong nhóm. Chúng tôi đã phải đối diện nỗi sợ bầy sâu róm chỉ trực đu từ trên cây xuống bu lấy người với muỗi, bọ bay bám như sam, mùa mưa còn phải cảnh giác với lũ vắt hút máu rất ngọt ẩn nấp đầy ven đường. Những “nỗi sợ” mà nghĩ đến thôi cũng sởn hết “gai ốc.”

Gốc cây tự nhiên có tạo hình đầy chất nghệ thuật. (Ảnh: Đức Cương)
Gốc cây tự nhiên có tạo hình đầy chất nghệ thuật. (Ảnh: Đức Cương)

Trên đường, tôi bị thu hút nhiều nhất bởi những gốc cây cổ thụ đủ hình thù kỳ quái, gốc thì như hang trú ẩn thời chiến, gốc tạo hình như con tê giác khổng lồ, gốc lại như gương mặt biến dạng…Tất cả giống như những tác phẩm điêu khắc của tự nhiên.

Chuyến đi lần này đeo balo nặng hơn 10kg trên lưng, tôi hơi sốc vì quá sức (mọi lần chỉ khoảng 6-7kg) nên thường xuyên “chốt đoàn” và phải bò bằng cả tứ chi qua mỗi con dốc. Nhưng bù lại, không như leo Tà Chì Nhù trọc lông lốc, “nắng nóng vỡ đầu,” Pu Ta Leng vỗ về chúng tôi bằng những tán cây xanh mướt mắt, không khí mát mẻ, thi thoảng lại dừng chân nghỉ bên dòng suối rì rào có những cánh hoa rừng rơi rơi thơ mộng.

Đêm Đông giữa Hè

Sau 10 tiếng leo dốc xuyên rừng, khoảng 4 giờ chiều chúng tôi tới điểm nghỉ ở độ cao 2.400m, chia nhau người kiếm củi, người làm gà, nấu cơm… Nếu đi hầu hết các cung khác phải mang theo lều, thì riêng với Pu Ta Leng đã có sẵn lán của người Mông. Mới đây, hai gia đình “porter” A Páo và A Thành còn kết hợp cùng nhau dựng thêm lán mới đủ sức chứa 20 người, tổ chức “khánh thành” đúng hôm đoàn chúng tôi lên.

Đêm Rằm trong rừng sáng vằng vặc. Mặt trăng to tròn như cái đĩa lơ lửng trên ngọn cây vươn những cánh tay nghều ngào đủ hình thù in bóng đen xì lên nền trời đêm thăm thẳm. Cả không gian tĩnh lặng như tờ, chỉ có tiếng gió rít qua kẽ lán, nghe rờn rợn.

Dòng suối thơ mộng giữa rừng già. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Dòng suối thơ mộng giữa rừng già. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Riêng với núi, cứ lên 1.000m giảm 10 độ nên khi ở Hà Nội 30 độ C thì chúng tôi lại đang run cầm cập trong cái lạnh đo được 6,3 độ C. Chủ quan không mang áo rét, dù chui vào túi ngủ từ 8 giờ và đã làm vài ngụm rượu cho ấm bụng nhưng tôi hầu như không ngủ được vì lạnh.

Cả đêm nằm nghe tiếng củi tí tách cháy, nghe tiếng ngáy đều đều của người bạn đồng hành lán bên, trở mình trằn trọc rồi ngửi mùi khói cay xè mắt mũi… Lạnh, mệt và mỏi nhừ người mà không thể ngủ là cảm giác vô cùng khó chịu. Cứ thế 3 rưỡi sáng đã lồm cồm bò dậy, các thành viên í ới gọi nhau ra suối đánh răng rửa mặt rồi ăn tạm bát mỳ tôm và lên đường.

Ngoài trời tối đen như mực, chúng tôi phải rọi đèn pin nối gót nhau qua suối rêu trơn trượt, “tráng miệng” bằng những con dốc cao liên tiếp còn lại để leo nốt hơn 600m mới đặt chân tới đỉnh (dự kiến đi mất 3 tiếng). Chúng tôi nói vui, lần này được vào rừng làm khỉ. Vì muốn theo lối mòn dốc phải dùng tay đu bám vào cành cây mà lên.

Ngồi nghỉ lại nhẩm tính, hơn 3.000m độ cao tương đương với khoảng 1.000 tầng nhà. Vậy là cả chặng đường chúng tôi phải gùi balo tương đương cả “chục cân gạo” hành quân cả ngàn tầng. Một phép tính đơn giản mà chặng đường sao quá gian nan…

Lan rừng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Lan rừng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Bài 2: Lạc vào “thế giới khác” trên nóc nhà thứ hai của Đông Dương